| Hotline: 0983.970.780

Kịp thời khống chế sâu keo mùa thu hại ngô

Thứ Tư 14/08/2019 , 09:53 (GMT+7)

Ngành Trồng trọt - BVTV Bình Định kịp thời hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ nên đã ngăn chặn hiệu quả nạn sâu keo mùa thu hại ngô.

Theo ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, nhằm làm giảm áp lực về nước tưới đồng thời làm tăng thu nhập cho nông dân, trong cơ cấu ngành trồng trọt đến năm 2030, diện tích trồng ngô trên địa bàn tỉnh sẽ tăng đến 16.000ha.

Theo đó, kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh trên cây ngô cũng được ngành chức năng thường xuyên tập huấn cho nông dân. Nhờ đó, trong thời điểm sâu keo mùa thu phát sinh gây hại, người trồng ngô kịp thời phòng trừ hiệu quả nên không bị thiệt hại.

Sâu keo mùa thu là nỗi lo lớn của nông dân trồng ngô ở Bình Định.

“Trong vụ hè thu 2019, nông dân Bình Định trồng khoảng 2.300ha ngô. Cũng như nhiều địa phương khác, cây ngô ở đây cũng bị sâu keo mùa thu “ghé thăm”, nhưng không bùng phát mà chỉ gây hại cục bộ, một vùng chỉ bị vài đám. Ngành chức năng đã kịp thời hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ nên hạn chế tối đa thiệt hại, diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại chỉ hơn 10ha”, ông Cang cho hay.

Theo ông Cang, thời tiết càng nắng nóng sâu keo mùa thu càng phát sinh mạnh. Đặc điểm của sâu keo mùa thu là chúng thường xuất hiện gây hại trong giai đoạn cây ngô vươn lóng và phát triển sinh khối, có từ 3 – 6 lá.

Tại thời điểm đó, sâu chỉ mới ở tuổi 1 – tuổi 2 nên phun thuốc trừ sẽ rất hiệu quả. Đặc điểm của sâu keo mùa thu là hoạt động mạnh vào lúc chiều tối hoặc sáng sớm. Vào những thời điểm trên sâu tập trung nằm trong đọt non cắn phá.

“Để trừ sâu keo mùa thu, nông dân nên chọn thời điểm phun thuốc là lúc cây ngô mới có từ 3 – 6 lá, phun vào lúc chiều tối hoặc sáng sớm. Và khi phun thuốc, cần phun thẳng vào đọt non cây ngô để “tiêu diệt” trực tiếp sâu.

Quan trọng nhất là lượng nước phun. Bà con thường bơm phòng trừ sâu keo mùa thu 1 bình thuốc với 16 lít nước/sào (500m2). Tuy nhiên, cách bơm như trên chỉ hiệu quả khi ngô còn nhỏ, khi ngô đã phát triển lớn thì 1 sào ngô cần phải bơm đến 2 bình thuốc với hơn 30 lít nước. Có như vậy thuốc sẽ thẩm thấu từ đọt non xuống đến thân cây ngô thì mới cho hiệu quả”, ông Kiều Văn Cang khuyến cáo.

Cũng theo ông Cang, còn có nhiều biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu khác như: Làm sạch cỏ dại quanh ruộng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; trước khi xuống giống cần làm đất rồi phơi đất để ấu trùng, nhộng trong đất chết và bị thiên địch tiêu diệt; luân canh ngô – lúa sau vụ ngô để tiêu diệt nhộng trong đất. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng pha loãng đổ vào đọt non cây ngô để diệt sâu non.

“Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc tọa đàm chuyên đề về cách phòng trừ sâu keo mùa thu tại những địa phương có nhiều diện tích trồng ngô để nông dân nắm kỹ cần sử dụng những loại thuốc nào để phun trừ nhằm hạn chế thiệt hại”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định.

 

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.