| Hotline: 0983.970.780

Krông Pa và những... cái nhất!

Thứ Hai 14/03/2022 , 10:15 (GMT+7)

GIA LAI Khí hậu khắc nhiệt nhất tỉnh Gia Lai nhưng huyện Krông Pa vẫn trở thành địa phương có đàn bò và diện tích cây trồng hàng năm lớn nhất tỉnh.

Đàn bò đông nhất

Nhiều người hay nói vui rằng: “Đầu người của huyện Krông Pa bằng… đầu bò!”. Trên thực tế, đàn bò của huyện Krông Pa có số lượng lớn nhất tỉnh Gia Lai.

Krông Pa sở hữu đồng cỏ rộng lớn, gồm trên 700ha đồng cỏ trồng và khoảng 24.000ha đồng cỏ tự nhiên, chưa kể khoảng 160.000ha rừng với thảm cỏ mượt mà dưới tán rừng. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để Krông Pa phát triển đàn bò theo hướng bền vững. Theo đó, Krông Pa đang sở hữu đàn bò lớn nhất vùng Tây Nguyên (so cùng đơn vị hành chính) với khoảng 63.000 con, trong đó có khoảng 25.000 con bò lai.

Huyện Krông Pa có điệu kiện rất thuận lợi để phát triển đàn bò. Ảnh: Đăng Lâm.

Huyện Krông Pa có điệu kiện rất thuận lợi để phát triển đàn bò. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Đinh Xuân Duyên là một kỹ sư nông nghiệp kỳ cựu, cũng là một Trưởng phòng NN-PTNT kỳ cựu ở huyện Krông Pa. Ông chia sẻ: Trong quá trình trao đổi chất của con bò, có hai nguyên tố hết sức quan trọng là Kali và Natri. Trong khi qua nghiên cứu cho thấy, đồng đất Krông Pa chứa hàm lượng Kali tự nhiên rất cao, theo đó, khả năng trao đổi chất của con bò ở Krông Pa rất tốt, mắn đẻ, chịu được kham khổ, ăn cỏ tự nhiên…

“Ngay cả hai địa phương liền kề là Thị xã Ayun Pa của tỉnh Gia Lai hay huyện Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên, điều kiện địa lý cũng không được như huyện Krông Pa. Do vậy, tuy cũng có bầy bò đông đúc, nhưng nói về chất lượng thịt thì khó mà bì được với bò Krông Pa”, ông Đinh Xuân Duyên khẳng định.

“Ăn thịt bò Krông Pa, ngon nhất là vào dịp cuối năm. Bởi đây là thời điểm chồi non, lộc biếc nơi đây tích lũy được, con bò ăn vào, như được thưởng thức cả hương trời khí đất tích tụ lại… Do vậy, thịt bò vào mùa này rất mềm, thớ thịt có màu đỏ tươi, khi ăn vào có mùi thơm hết sức quyến rũ”, ông Duyên chia sẻ với tâm huyết và sự am tường lâu năm về lĩnh vực nông nghiệp.

Cây hàng năm lớn nhất 

Ruộng dưa lớn nhất

Dưa hấu thích hợp trồng trên loại đất thịt pha cát hoặc đất cát thoát nước dễ. Theo đó, đồng đất và khí hậu Krông Pa là nơi rất thích hợp để phát triển cây dưa hấu. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết: Hàng năm, toàn huyện có khoảng 1.000ha trồng dưa hấu với sản lượng khoảng 40.000 tấn. Năng suất dưa hấu ở đây đạt bình quân 40 tấn/ha, còn như ruộng dưa hấu của gia đình anh Trương Văn Hưng ở xã Phú Cần vụ này thu trên 85 tấn của ruộng dưa 2ha.

Sản lượng dưa hấu của huyện K rông Pa bằng 25% của cả nước. Ảnh: Đăng Lâm.

Sản lượng dưa hấu của huyện K rông Pa bằng 25% của cả nước. Ảnh: Đăng Lâm.

Số liệu tại hội thảo “Truy xuất nguồn gốc phục vụ sản xuất, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc” do Trung tâm Mã số - Mã vạch Quốc gia tổ chức tại Bình Thuận hồi năm 2020 cho biết, sản lượng dưa hấu cả nước trung bình hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn, riêng huyện Krông Pa của tỉnh Gia Lai đã đóng góp trên 40.000 tấn. Có nghĩa, sản lượng dưa hấu của huyện Krông Pa bằng 25% sản lượng dưa hấu của cả nước!

Đất Krông Pa rộng, cây dưa hấu lại phù hợp với đồng đất nơi đây nên những người có kinh nghiệm trồng dưa hấu ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên năm nào cũng đến đây tìm thuê đất để trồng dưa hấu. Người dân ở Krông Pa ai có kinh nghiệm, có đất, có vốn thì trồng dưa hấu, nếu không thì chỉ cần cho thuê đất, vụ dưa hấu 3 tháng ngồi không cũng có được 20 - 25 triệu đồng/ha. 

Vựa sắn rộng nhất

Gia Lai có vùng nguyên liệu sắn lớn nhất nước với hơn 80 ngàn ha trồng trong năm 2021. Chính bởi dễ trồng, vốn đầu tư thấp…, sắn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân tại các huyện phía đông và đông nam Gia Lai.

Huyện Krông Pa cũng là vùng trồng sắn lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 22 ngàn ha. Ảnh: Đăng Lâm.

Huyện Krông Pa cũng là vùng trồng sắn lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 22 ngàn ha. Ảnh: Đăng Lâm.

Krông Pa là huyện có diện tích sắn lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 22 ngàn ha trồng trong 2 vụ. Riêng vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn huyện trồng hơn 1.300ha, tập trung nhiều ở các xã IaDreh, Krông Năng, Chư Ngọc, Chư Đrăng, Ia Rok…

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: Để cây sắn phát triển bền vững, huyện sẽ tập trung đưa ra nhiều giải pháp cho người dân. Trước tiên cần thay đổi các giống dễ bị bệnh khảm lá, đồng thời hỗ trợ người dân cung cấp các giống sạch bệnh. Hiện nay Phòng NN-PTNT đã tìm được giống sắn sạch bệnh HN3 và HN5. Qua trồng thử nghiệm cho thấy giống sắn này cho năng suất cao và đặc biệt không bị bệnh khảm lá.

Cũng theo ông Thảo, để cây sắn phát triển bền vững, nguồn nước tưới rất quan trọng. Bởi, cây sắn dù có bị bệnh khảm lá nhưng nếu đủ nguồn nước tưới sẽ vẫn cho năng suất ổn định. Chính vì vậy, ngoài việc tận dụng các nguồn nước sẵn có, huyện cũng khuyến khích người dân đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để nâng cao năng suất, chất lượng cho cây sắn. 

Thuốc lá ngon nhất

Nhắc đến Krông Pa, không thể không nhắc đến sản phẩm thuốc lá sợi vàng. Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa khẳng định: “Đồng đất Krông Pa, hễ nơi nào có nước, nơi đó trồng được thuốc lá!”.

Thuốc là được xem là cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa. Ảnh: Đăng Lâm.

Thuốc là được xem là cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa. Ảnh: Đăng Lâm.

Năm 1991, Công ty Nguyên liệu thuốc lá Nam (nay là Công ty Cổ phần Hòa Việt) đầu tư mô hình trồng thử nghiệm cây thuốc lá vàng sấy ở Krông Pa. Qua thử nghiệm cho thấy, cây thuốc lá rất phù hợp với đồng đất và khí hậu nơi đây.

Theo đó, từ 3ha năm 1991, đến nay, huyện Krông Pa đang sở hữu diện tích thuốc lá lớn nhất tỉnh. Cả tỉnh có diện tích thuốc lá vụ đông xuân 2021 - 2022 khoảng trên 3.000ha, trong đó riêng huyện Krông Pa đã có đến 2.233ha, sản lượng đạt trên 5.500 tấn thuốc lá sấy khô.

Sau 30 năm phát triển, đến nay đã có 12 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chăm sóc, sơ chế, thu mua sản phẩm thuốc lá cho 1.360 hộ trên địa bàn huyện. Cây thuốc lá đã thực sự trở thành sản phẩm nông nghiệp quan trọng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Hàng năm, cây thuốc lá ở huyện Krông Pa có giá trị từ 220 - 250 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách từ 9 - 10 tỷ đồng mỗi năm.

"Krông Pa là huyện thuần nông, người dân gần như chỉ sống dựa vào đất để sản xuất nông nghiệp. Tuy năm được năm mất, nhưng người dân vẫn bám đất để làm nông. Nhiệm vụ của huyện là phải định hướng cho người dân, tìm giống tốt để đưa vào sản xuất, tìm thị trường tốt để tiêu thụ nông sản cho nông dân…", ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa.

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.