| Hotline: 0983.970.780

Ân hận

Thứ Bảy 25/07/2020 , 14:35 (GMT+7)

Dựng xe bên cổng, My luồn tay qua song sắt cái cổng nhỏ, cũ kỹ, đã han rỉ nham nhở, tay chị chạm phải một hòn gạch.

Đã biết đi đâu mẹ vẫn để chìa khóa dưới hòn gạch đó, My lật hòn gạch lên lấy chùm chìa khóa mở cổng, mở cửa vào nhà. Hôm nay là ngày phiên chợ Đoài trong xã, chắc mẹ đi chợ .Trong nhà ngoài sân, tất cả đều rất sạch sẽ, nhưng ngôi nhà vắng lặng đến rợn người.

Vào bếp, My thấy trong cái lồng bàn có một đĩa bún còn lại vài gắp và một cái bát đựng tý nước mắm, chắc là mẹ ăn sáng còn thừa. Quay ra vòi nước, thấy bộ quần áo còn ngâm đấy, My xả nước, giặt sạch rồi đem phơi.

- My về đấy hả con ?

Bà Thoa, mẹ chị, vừa vào nhà vừa hỏi. Trên tay bà xách một cái túi ni lông nhỏ. Thấy mẹ, My mừng rỡ :

- Mẹ, mẹ đi chợ về ạ.

- Ừ, thế bố con thằng Bin con Nhím đâu mà con về có một mình ?

- Dạ, con về tỉnh làm việc với chi nhánh, tranh thủ về thăm mẹ một lát thôi, chiều con lại đi, nên anh Hùng với hai cháu không về cùng được. Mươi hôm nữa cả nhà con sẽ cùng về chơi với mẹ.

Nhìn cái túi trên tay mẹ, chị hỏi :

- Mẹ mua được gì thế ?

Vừa nói, chị vừa đỡ cái túi trên tay mẹ, mở ra, trong túi chỉ có dăm con cá diếc, mỗi con bằng ba ngón tay, một mớ rau muống nhỏ, quả chanh.

- Sao mẹ mua có thế này thôi ?

- Ôi dào, một mình, ăn mấy nỗi đâu con. Chừng này cá kho lên, mẹ phải ăn cả tuần mới hết đấy. Rau thì mỗi bữa vài ngọn. Cốt lấy tý nước chan mà lùa được miếng cơm cho “qua cổngvào làng”...

- Dọc đường về thấy người ta bán vịt quay, con mua biếu mẹ một con đây.

Nhìn con gái mở cốp xe, xách con vịt quay cùng với lỉnh kỉnh những nước chấm rau thơm vào, bà Thoa giẫy nẩy :

- Đưa từng này đồ ăn về, mày bắt mẹ ăn đến bao giờ cho hết hả con

Bữa trưa hôm ấy. My gắp cho mẹ rất nhiều nhưng hễ chị gắp vào, bà lại bỏ ra, ép mãi bà mới ăn một miếng. Chợt bà chống đũa, bảo :

- Lâu lắm đến nay mới lại được nói chuyện trong bữa ăn. Có ngày, từ sáng đến tối, trước lúc đi ngủ mẹ mới nhớ ra, cả ngày hôm nay mình không nói câu nào. Vì có ai đâu mà nói

Lòng dạ My se lại. Một nỗi ân hận chợt dào lên đầy ứ trong trái tim chị.

Bố My mất lúc chị mới lên 5 tuổi vì ốm. Lúc đó chỉ nhớ vậy, mãi sau này lớn lên, My mới biết căn bệnh đã cướp bố khỏi mẹ con mình là bệnh ung thư. Trong trí nhớ của chị, ngày bố mất chỉ là hôm có rất nhiều người đến nhà, rồi thì kèm trống inh ỏi, người ta quấn lên đầu chị một vành khăn trắng, rồi người ta đưa bố vào quan tài và đưa lên một chiếc xe sơn xanh đỏ tím vàng lòe loẹt, mẹ khóc lóc rũ rượi, ngất lên ngất xuống...

Sau hôm đó, chẳng bao giờ bố về nữa...hai mẹ con thui thủi bên nhau. Mẹ My là một người phụ nữ rất xinh đẹp. Tuy còn bé nhưng My cũng biết thế, và biết nhiều hơn là có rất nhiều người đàn ông đã nhìn mẹ bằng những đôi mắt đục ngầu, đầy thèm khát, và có rất nhiều lời ong bướm thả ra với mẹ.

Rất nhiều đêm mẹ đã ôm My mà khóc. Khi My vào học cấp III thì có một bác hay đến nhà. Bác và mẹ hay ngồi nói chuyện với nhau đến khuya. Hai người có vẻ rất hợp chuyện nhau, bác ấy cũng tỏ ra rất quý My.

Hỏi mẹ, My được biết bác ấy làm trên UBND huyện, vợ bác ấy mất cũng được 5 năm, và bác ấy cũng có một người con trai hơn My 1 tuổi. Một hôm, một bà hàng xóm gặp My ngoài đường, đã giữ My lại :

- Mẹ mày sắp lấy chồng đấy, mày có biết không ?

- Bà chỉ nói điêu, mẹ cháu lấy ai mà lấy

- Thật đấy, mẹ mày lấy cái bác hay đến nhà mày, làm ở UBND huyện đấy. Lấy ông ta rồi, mẹ mày sẽ đến ở nhà ông ta. Đêm, mẹ mày sẽ ngủ với ông ta chứ không ngủ với mày nữa. Còn mày, thì ông ta sẽ bắt mày ngủ với con giai ông ta.

My bưng chặt hai tai như chợt nghe một tiếng sét cực kỳ dữ dội. Cảm giác bị một người đàn ông xa lạ đến cướp mất mẹ mình khiến My nổi da gà. Chạy vội về nhà, My ôm chặt lấy mẹ, hỏi :

- Mẹ, mẹ sắp lấy bác hay đến nhà ta phải không ?

- Làm sao con biết ? Ai nói với con ?

- Chẳng ai nói cả. Tự con biết. Có đúng vậy không, mẹ ?

- Con à, bác ấy cũng có hoàn cảnh như mẹ. Bác ấy đã ngỏ lời với mẹ, rằng bác ấy rất thương mẹ con mình. Nhưng mẹ còn đắn đo vì chưa biết ý con thế nào.

- Không mẹ ơi. Con không đồng ý cho mẹ lấy bác ấy. Mẹ là của con, chỉ của riêng con thôi. Không ai được chia xẻ mẹ với con.

Nói xong, My vùng vằng vào buồng nằm. Sáng hôm sau, My không đi học. Mẹ hỏi, My gào lên :

- Con đi học để bác ấy đến cướp mất mẹ của con à.

Đến bữa, My nhất định không ăn cơm. Và hôm ấy thấy bác đến nhà, My đã đuổi bác thẳng cánh. Sau mấy ngày, mẹ bảo My :

- Con, con dậy ăn cơm rồi đi học đi. Mẹ hứa với con, là mẹ sẽ không lấy ai hết. Mẹ chỉ là của con thôi.

- Mẹ nói thật nhé.

- Thật. Mẹ thề.

Từ hôm ấy, bác ở UBND không đến nhà nữa. Và cũng từ hôm ấy, đã có không ít người đàn ông cùng hoàn cảnh ngỏ lời, nhưng mẹ đều từ chối.Tốt nghiệp lớp 12, My vào đại học rồi xin việc, lấy chồng trên thành phố, còn mẹ vẫn thui thủi một mình dưới quê.

Thấm thoắt, My đã ở tuổi 40, còn mẹ thì mái tóc đã bạc trắng. Nhiều lần chồng vắng nhà một vài ngày, có con bên cạnh mà My vẫn cảm thấy cô đơn. Những lúc ấy, My mới hiểu được vì sao có những đêm đông, nằm ôm My trong lòng, lại đắp cả cái chăn dầy mà mẹ vẫn run cầm cập.

Những lúc đó, My mới thấy ân hận vô cùng. Chao ôi, nếu mình không ngăn cản mẹ, thì giờ đây có khi mình đã có thêm một vài đứa em, mà mẹ không phải thui thủi một mình.

(Kiến thức gia đình số 30)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm