| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp, nông thôn bị lợi dụng cày xới như thế nào?

[Kỳ 7] Công ty 'ma' làm điện mặt trời núp bóng trang trại nuôi thuỷ sản

Thứ Tư 07/04/2021 , 14:01 (GMT+7)

Nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ xây dựng thần tốc các trang trại để lắp tấm pin năng lượng mặt trời và đấu nối vào hệ thống điện lực trước ngày 31/12/2020.

Điện mặt trời núp bóng trang trại

Để tranh thủ cơ chế ưu đãi về phát triển điện năng lượng mặt trời, nhất là giá thu mua điện mặt trời áp mái trước ngày 31/12/2020, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ xây dựng thần tốc các trang trại để lắp tấm pin năng lượng mặt trời và đấu nối vào hệ thống điện lực trước ngày 31/12/2020.

Sản xuất kinh doanh điện mặt trời dưới danh nghĩa trang trại nuôi thủy sản. Ảnh: MĐ.

Sản xuất kinh doanh điện mặt trời dưới danh nghĩa trang trại nuôi thủy sản. Ảnh: .

Tại Tổ hợp trang trại thuỷ sản và sản xuất điện mặt trời ở hai ấp Phước Lợi, Phước Thạnh, xã Thạnh Phước huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có 8 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện mặt trời đầu tư ở đây dưới danh nghĩa trang trại nuôi thuỷ sản công nghệ cao.

Cụ thể là, năm đơn vị: Công ty TNHH năng lượng mặt trời SAT1, Công ty TNHH năng lượng mặt trời SAT2, Công ty TNHH năng lượng mặt trời SAT3, Công ty TNHH năng lượng mặt trời SAT4, Công ty TNHH năng lượng mặt trời SAT5 cùng ngày hoạt động 11/8/2020 và ba đơn vị: Công ty TNHH SV Solar 1, Công ty TNHH SV Solar 2, Công ty TNHH SV Solar 3 cùng ngày hoạt động 29/10/2020. Tất cả đơn vị trên đều cùng địa chỉ: Số nhà 6-TM1C-8, Khu đô thị The Manor Central Park, đường Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Ngành nghề đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trên là sản xuất, kinh doanh điện.

Theo khảo sát của chúng tôi các trang trại ở đây được xây dựng rất thần tốc, có quy mô chung khoảng 6ha. Bình quân mỗi trang trại thành viên có diện tích bé hơn 1ha, không đủ theo tiêu chí phân loại kinh tế trang trại phải từ 1ha trở lên.

Đến tháng 3/2021, nhưng phần đầu tư hạ tầng chăn nuôi là thuỷ sản vẫn chưa hoàn thành, chưa thấy nuôi con gì, sản xuất như thế nào nhưng đã tranh thủ đấu nối vào lưới điện của tỉnh Bến Tre trước ngày 31/12/2020.

Theo Công ty Điện lực Bến Tre, công suất thiết kế đều dưới 1,250 MWp/trại. Tổng công suất thực tế của các dự án 8.783,04 kWh. Hiện Tổ hợp này đã đấu nối vào lưới điện và có thời gian vận hành từ ngày 8/11- 30/12/2020. Đến nay, đã hoà vào lưới điện trên 1.680.200 kWh.

Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện nay, do cơ chế ưu đãi phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực, các dự án mới chưa được hướng dẫn theo cách thức đấu thầu, đồng thời Bộ Công Thương chưa có thông tin phản hồi về các dự án tỉnh Bến Tre trình duyệt nên tất cả đều tạm ngưng.

Bên cạnh đó, quỹ đất của địa phương còn hạn chế nên việc phát triển điện mặt trời ở mức tương đối. Hiện tại, Bến Tre đang tập trung tuyền phát triển điện năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Còn Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre cho biết thêm: Đối với điện năng lượng mặt trời có công suất dưới 1 MW (hoặc 1,25 MWp) thì không cần phải đăng ký đầu tư ở Sở Kế hoạch đầu tư mà Điện lực tỉnh và nhà đầu tư tự thoả thuận, ký hợp đồng mua bán nhưng thời hạn hoạt động phải trước ngày 31/12/2020. Bên cạnh đó, nếu làm công suất cao hơn 1 MW giá bán điện thấp hơn 20% so với điện áp mái.

Đồng thời, thủ tục xây dựng rất đơn giản chỉ cần đến UBND cấp xã để khai báo. Và ngành điện chỉ cần căn cứ vào đó, cùng với các điều kiện đi kèm đơn giản khác là ký hợp đồng. Ông Võ Bằng Trúc, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước xác nhận có việc các doanh nghiệp trên đều có đến xã đăng ký khai báo mở trang trại.

Điều đáng nói, các doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời áp mái dưới hình thức trang trại nhưng vẫn chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo cán bộ địa chính xã Thạnh Phước cho biết: Các nhà đầu tư này mặc dù chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng xây dựng ở đây là theo quy hoạch của huyện.

Theo tìm hiểu, chính sách mua điện áp mái là mua lại điện dư thừa của người dân, doanh nghiệp làm hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, mái xưởng, chứ không phải mua lại điện của doanh nghiệp dựng nhà xưởng làm mái để sản xuất điện. Liệu các doanh nghiệp ngành điện này có núp bóng sản xuất trang trại thuỷ sản để lách luật, kinh doanh điện hưởng lợi từ chính sách?

Các công ty gần như không có dấu hiệu hoạt động ở Hà Nội. Video: Quang Dũng.

Công ty ‘ma’

Hầu hết các công ty thực hiện dự án điện mặt trời áp mái trang trại ở Miền trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ hay Tây Nam Bộ... đều đăng kí địa chỉ kinh doanh ở Hà Nội nhằm gây khó cho các cơ quan quản lý nhà nước khi muốn kiểm tra hoạt động cũng như nắm rõ năng lực thực tế của các doanh nghiệp này.

Như NNVN đã từng đăng tải dự án điện mặt trời áp mái trang trại tổng hợp tại xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) của ông Phan Đình Toại (SN 1974, trú phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Tại đây ông Toại cho 6 doanh nghiệp là Cty TNHH năng lượng sạch Nam Phát, Cty TNHH năng lượng sạch Hưng Phú, Cty TNHH năng lượng sạch Ánh Dương, Cty TNHH năng lượng sạch Phúc Hưng, Cty TNHH năng lượng sạch Minh Phát và Cty TNHH năng lượng A&D thực hiện dự án điện mặt trời. Các doanh nghiệp này đều đăng kí kinh doanh tại quận Hà đông, Tp Hà nội.

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã đến trụ sở một số công ty thuê “mái trang trại”. Tại địa chỉ số 16, ngõ 120, đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, có đến 4 công ty cùng đặt trụ sở kinh doanh tại căn nhà 3 tầng, diện tích mỗi tầng chưa quá 70m2. Cụ thể là Công ty Cổ phần Hitecons Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Phú Lộc, Công ty Cổ phần Đầu tư HTC Phú Lộc, Công ty Cổ phần Năng lượng xanh Tân Phú. Đây là những doanh nghiệp có dự án điện năng lượng mặt trời ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Người dân xung quanh nói họ “chưa bao giờ nhìn thấy” nhân viên hay lãnh đạo công ty tới làm việc. Căn nhà gần như đóng cửa quanh năm, hiếm khi thấy người ra vào. 

Còn tại địa chỉ Số nhà 6 - TM1C8, Khu đô thị The Manor Central Park, đường Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, có đến cả chục công ty cùng đăng ký trụ sở tại đây và cùng thực hiện dự án tại tỉnh Bến Tre như đã nêu trên.

Hàng chục công ty chỉ gắn biển theo đăng kí kinh doanh nhưng không có hoạt động thực tế. Ảnh: VV.

Hàng chục công ty chỉ gắn biển theo đăng kí kinh doanh nhưng không có hoạt động thực tế. Ảnh: VV.

Nhiều bảo vệ của khu đô thị The Manor Central Park tỏ ra ngơ ngác khi được hỏi về các công ty này. Một công ty kinh doanh du lịch cách đó chừng 50m, đang hoạt động, cho biết họ “không thấy hoạt động gì” từ trụ sở có địa chỉ nêu trên.

Khi tận mắt thấy tấm biển đề tên tới 10 công ty cùng một trụ sở tòa nhà 3 tầng, diện tích khoảng 80m2, một số nhân viên công ty du lịch cho biết: “Không thể tưởng tượng được. Đây chắc là hình mẫu về tiết kiệm, hợp tác của các doanh nghiệp. Chỉ cần mỗi công ty có 1 người, thì 10 công ty là 10 người, làm sao hoạt động, kinh doanh tại đây được”.

Theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 hoặc đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết 31/12/2020 thì được thu mua với giá: Điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh; điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh; điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.