| Hotline: 0983.970.780

Kỳ lạ con lợn suýt thổi bùng chiến tranh Anh - Mỹ thế kỷ 19

Thứ Hai 05/02/2018 , 13:05 (GMT+7)

Các cuộc chiến tranh trong lịch sử thế giới đa phần bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai, khoáng sản, song cũng có những cuộc chiến suýt được khơi mào từ những nguyên nhân lạ lùng.

Mỹ và Anh từng đứng bên bờ vực chiến tranh chỉ vì cuộc tranh cãi không ai ngờ đến liên quan tới một con lợn vào năm 1859.

14-54-42_pig
Anh và Mỹ từng suýt rơi vào chiến tranh chỉ vì một con lợn đi lạc. Ảnh minh họa: Canada’s History

“Cuộc chiến con lợn” có lẽ là một trong những cuộc chiến tranh khó hiểu và kỳ lạ nhất lịch sử thế giới. Câu chuyện có lẽ phải bắt đầu từ năm 1846, khi Hiệp ước Oregon được ký kết giữa Mỹ và Anh. Hiệp ước trên nhằm mục đích chấm dứt mối tranh chấp biên giới kéo dài giữa Mỹ và vùng Bắc Mỹ thuộc Anh (về sau là Canada), theo Historic – UK.

Hiệp ước Oregon tuyên bố biên giới Mỹ - Bắc Mỹ thuộc Anh sẽ được kẻ tại vĩ tuyến 49. Dù tất cả nghe đều có vẻ rõ ràng nhưng việc phân định ranh giới lại gặp phải một tình huống phức tạp đối với các hòn đảo ở tây nam Vancouver.

Theo hiệp ước, xung quanh khu vực trên, đường biên giới sẽ là đường thẳng đi qua “điểm giữa kênh chia cắt lục địa với đảo của Vancouver”. Tuy nhiên, vị trí của các hòn đảo xung quanh khiến việc xác định mốc phân chia trở nên vô cùng khó khăn. Một trong những đảo lớn và có vị trí chiến lược quan trọng nhất trong chuỗi đảo ở khu vực này là San Juan. Vì thế, cả Anh và Mỹ đều tuyên bố chủ quyền và điều dân tới đảo để định cư.

Năm 1859, người Anh đã gia tăng đáng kể hiện diện trên đảo, nhất là sau khi công ty Hudson’s Bay đến đây, xây dựng một trạm xử lý cá hồi và một khu chăn nuôi cừu. Cùng lúc, một đội gồm khoảng 20 đến 30 người khai hoang Mỹ cũng vừa tới đảo, dựng nhà định cư.

Ban đầu, hai bên không có bất kỳ khúc mắc nào, mọi chuyện diễn ra thuận lợi. Song không khí nồng ấm, hữu hảo không kéo dài lâu. Ngày 15/6/1859, một con lợn của người Anh vô tình đi lạc vào mảnh đất của nông dân Mỹ Lyman Cutlar. Cutlar phát hiện con lợn ăn mất một số khoai tây ông trồng nên rất bực tức. Trong cơn giận dữ, ông bắn chết con vật.

Thực tế, con lợn thuộc về một công nhân Anh làm việc cho công ty Hudson’s Bay tên Charles Griffin. Công nhân này nuôi kha khá lợn và nổi tiếng khắp vùng vì thường xuyên thả rông chúng đi lại tự do trên khắp hòn đảo. Đây không phải lần đầu tiên lũ lợn xâm phạm đất của Cutlar.

Nghe tin lợn chết, Griffin lập tức tìm đến nhà Cutlar để làm cho ra nhẽ. Theo một số bản tin khá sơ sài, cuộc hội thoại diễn ra căng thẳng. Cutlar phân trần rằng ông ra tay vì con lợn dám ăn khoai của ông. Griffin không chịu nghe, cho rằng Cutlar “phải có trách nhiệm giữ khoai của mình khỏi lũ lợn”.

Để giảng hòa, Cutlar đề nghị đền cho Griffin 10 USD nhưng Griffin từ chối. Thay vào đó, Griffin báo cáo sự việc với chính quyền Anh ở địa phương. Họ đe dọa bắt giữ Cutlar. Việc làm này khiến những người Mỹ trên đảo tức giận. Họ liền gửi một lá đơn kiến nghị quân đội Mỹ can thiệp để bảo vệ công dân.

Lá đơn được chuyển tới tướng William S. Harney, chỉ huy đơn vị quân sự phụ trách bang Oregon. Ông Harney nổi tiếng là người có tư tưởng chống Anh gay gắt. Tướng Harney điều một đại đội gồm 66 binh sĩ thuộc lực lượng Bộ binh số 9 tới San Juan vào ngày 27/6/1859.

nh-2150929375
Một phần khu trại do người Anh dựng lên ở San Juan

Tin tức nhanh chóng được truyền tới tai thống đốc bang Columbia thuộc Anh James Douglas. Ông quyết định cử ba tàu chiến Anh tới khu vực để thị uy. Tình thế giằng co, căng thẳng kéo dài suốt một tháng sau đó. Hai bên đều từ từ gia tăng hiện diện quân sự trên đảo. Bộ binh số 9 của Mỹ nhất định không chịu thoái lui dù họ bị áp đảo về số lượng.

Tình hình sẽ vẫn mãi ở thế đối đầu kịch liệt, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ chiến tranh nếu không có sự xuất hiện của đô đốc Robert L. Baynes, tổng tư lệnh hải quân Anh ở Thái Bình Dương. Khi Baynes tới San Juan, thống đốc James Douglas ra lệnh cho ông điều quân dọn dẹp đối thủ. Nhưng Baynes cương quyết khước từ. Người đời sau vẫn nhắc tới Baynes và cuộc chiến năm xưa với lời tuyên bố đanh thép rằng ông “sẽ không đẩy hai quốc gia vĩ đại vào một cuộc chiến tranh chỉ vì những tranh cãi xung quanh một con lợn”.

Lúc ấy, tin tức về tình hình khủng hoảng trên đảo San Juan cuối cùng cũng đến được London và Washington. Chính quyền hai nước đều sốc vì không ngờ rằng tranh cãi cỏn con về một con lợn lại khiến đôi bên bị kéo vào một cuộc đối đầu căng thẳng với sự tham gia của ba tàu chiến, 84 súng và 2.600 lính như vậy.

Lo lắng căng thẳng tiếp tục leo thang, hai bên nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán, đi đến quyết định rằng cả Mỹ và Anh chỉ nên duy trì không quá 100 người trên đảo cho đến khi một thỏa thuận chính thức được thống nhất.

Người Anh sau đó lập trại tại phía bắc hòn đảo và người Mỹ hiện diện ở phía nam. Mãi đến năm 1872, một ủy ban quốc tế do hoàng đế Kaiser Wilhelm đệ nhất của Đức đứng đầu mới ra phán quyết rằng đảo San Juan nên do Mỹ nắm quyền kiểm soát hoàn toàn. Cuộc tranh chấp đi đến hồi kết từ đây.

Ngày nay, người dân có thể đến tham quan các trại mà hai nước Anh và Mỹ dựng lên vào năm 1859 tại Công viên Lịch sử Quốc gia đảo San Juan như một cách để nhắc nhở về quá khứ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.