| Hotline: 0983.970.780

Kỹ nghệ phát hành thơ

Thứ Năm 17/02/2011 , 10:14 (GMT+7)

Bằng cách tự in thơ và tự phát hành thơ, Đỗ Ký không những mua được đất cất được nhà, mà còn nuôi được bốn người con lần lượt thành cử nhân. Bái phục!

Chưa cần phải thực hiện cuộc thống kê công phu, nhưng nếu được hỏi ý kiến, chắc chắn Hiệp hội bán lẻ Việt Nam vẫn có thể khẳng định thơ là mặt hàng khó tiêu thụ nhất tại nước ta. Thơ in ra, để tặng đến tay những người muốn đọc thơ, thực sự cũng không hề đơn giản. Vì vậy, bất kỳ kế hoạch thương mại nào dành cho thơ đều có nguy cơ phá sản ngay từ trong ý tưởng manh nha. 

Tôi còn nhớ, ở Phú Yên cách đây hơn một thập niên, có lão nông Ngô Phan Lưu bắt đầu mỏi tay cày nên nhen nhóm dự định đổi đời bằng thi ca. Ông ôm chồng bản thảo gồm mấy chục bài thơ dài ngắn khác nhau đến trước mặt vợ và thuyết trình. Rằng, nhà mình có một con bò. Bán con bò đi sẽ in được một tập thơ, sau đó mang thơ đi bán lấy tiền mua lại một con nghé. Rồi con nghé lên lớn sẽ thành con bò như cũ. Thế nhưng, chủ nhân của con bò không còn là nông dân mà trở thành nhà thơ! Lợi cả đôi đường! Đấy là một bài toán tài chính kỳ vĩ mà tất cả các chuyên gia kinh tế nông nghiệp đều phải ngả mũ cúi chào.

Bà vợ gật gù tâm đắc, Ngô Phan Lưu cầm tập thơ “Bếp lửa chiều đông” thơm phức mùi mực lâng lâng suốt ba ngày. Đến ngày thứ tư, nhà thơ vừa rũ bùn đứng dậy đến xin Hội Nông dân xã cấp cho cái giấy giới thiệu và lên đường phát hành thơ. Các đơn vị thôn ấp khắp các huyện thị trong tỉnh đều tiếp đón Ngô Phan Lưu niềm nở, vì ngỡ ông muốn tiếp thị sản phẩm phân bón mới hay tuyên truyền mô hình trồng lúa mới. Khi ông chìa tập thơ ra thì họ đều lịch sự lắc đầu. Cứ chở thơ bằng chiếc xe máy cà tàng chạy vòng vèo cả tháng tốn xăng tốn sức mà không thu được đồng vốn nào, Ngô Phan Lưu chán nản quay về cầm liềm cắt đám cỏ mọc ngút ngàn trên khoảnh đất ngày xưa thường cột con bò. Bà vợ động lòng trắc ẩn, bảo: “Cắt làm gì, ông kêu mấy tập thơ ra ăn cỏ chứ!”. Lão nông vốn tri điền không tìm được tri âm bỗng ứa nước mắt, ngước cổ lên trời thề ân đoạn nghĩa tuyệt với nàng thơ. “Bếp lửa chiều đông” đã tắt đúng lúc, để Ngô Phan Lưu quay sang viết văn xuôi và dần dần thấy nắng ấm mùa xuân! Hú hồn!

Khoảng mười năm trở lại đây, tôi cũng là một người khốn khổ trong chuyện phát hành thơ. Bình thường, những Cty sách biết tôi làm truyền thông nên đối đãi khá rộng rãi. Tuy nhiên, khi tôi bày tỏ nguyện vọng ký gửi thơ tại các cửa hàng sách thì họ mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi, như chiêm ngưỡng một sinh vật lạ vừa từ trên trời rơi xuống mà các nhà khoa học chưa kịp phát hiện để đưa vào sách đỏ bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Cho nên, dù ai bán được một tập thơ cũng đủ khiến tôi kính nể.  

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đôi lần thông cảm đề nghị giúp đỡ: “Hay là cậu đi với tớ. Tới các trường học, tớ nói mấy câu quảng bá dùm cho!”. Tôi khắc ghi cái tình ấy, và tin tưởng nhân vật huyền thoại này có thể làm được việc phi thường kia. Bởi lẽ, tôi từng chứng kiến Nguyễn Ngọc Ký phát hành tập thơ “Ngôi nhà hoa” của ông khá ngoạn mục. Nguyễn Ngọc Ký luôn hiện thân như một tấm gương nghị lực sống, vẻ đẹp chính con người ông hắt lên những trang thơ một sức hấp dẫn khủng khiếp. Tập thơ “Ngôi nhà hoa” được xếp chồng trên một cái bàn đặt giữa sân trường, Nguyễn Ngọc Ký ngồi trên ghế cao dùng hai ngón chân kẹp cây bút và ký tên trực tiếp vào từng cuốn sách. Học trò mặt mũi tươi tắn như hoa hé nụ, xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt mình được mua thơ. Khi nào Nguyễn Ngọc Ký mỏi chân thì hết thơ!

Mỗi tập thơ của Nguyễn Ngọc Ký đều in vài ngàn bản, nhưng kỷ lục bán thơ của Nhà giáo Ưu tú lừng lẫy vẫn kém xa nhà giáo Đỗ Ký ở Đồng Tháp. Tính đến nay Đỗ Ký đã in hơn mười tập thơ với số lượng phát hành lên đến con số hàng trăm ngàn bản. Nhà thơ Đỗ Ký gốc Quảng Nam, tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP HCM rồi về dạy học ở Đồng Tháp. Lúc các thi sĩ miền Tây Nam bộ còn liu riu lãng mạn vừa uống rượu vừa ca cải lương, thì Đỗ Ký đã ý thức đầy đủ quan điểm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập thơ đầu tiên “Lời nguyện cầu cho chiếc răng cuối cùng” của Đỗ Ký in đến 15 ngàn bản, do ông tự đi phát hành. Đỗ Ký không giấu giếm: “Nếu chiếc xe máy không bị hư ở đèo Hải Vân thì tui đã đem thơ ra bán tận Thủ đô!”.

Vậy bí quyết siêu đẳng của Đỗ Ký là gì? Không cần thiết lập kênh phân phối dày đặc, không cần chiến lược quảng cáo lãng phí, và cũng không cần những câu slogan huyên náo kiểu như “đọc thơ chống tiêu chảy”, “đọc thơ hết nhứt đầu”, “đọc thơ cắt đứt cơn đau” hay “đọc thơ không lo bị nóng”. Đỗ Ký chỉ cần đến các trường phổ thông, xin 5 phút trong giờ chào cờ đầu tuần và hào sảng hé lộ tâm tư: “Thưa các bạn nhỏ tuổi kính yêu và kính mến! Tui là Đỗ Ký, mà một ký bằng một ngàn gram, vì vậy gọi tui là Đỗ Ngàn Gram cho dễ nhớ!”. Lập tức học sinh cười ồ và xúm vào mua tập thơ của Đỗ Ký mang về nhà cân xem được mấy gram! Còn đến các trường cao đẳng hoặc đại học, Đỗ Ký chỉ cần ngâm nga: “Buổi sáng nay có chàng trai xin chết, sau khi dâng nàng hết trọn tình yêu” thì hàng trăm nữ sinh vây quanh, tay trái đưa tiền tay phải nhận thơ. Tóm lại, tập thơ nào của Đỗ Ký cũng in nhiều lần, có những tập như “Nghe giữa vườn trưa” hay “Lá gan chuột nhắt” in không kịp bán. Bằng cách tự in thơ và tự phát hành thơ, Đỗ Ký không những mua được đất cất được nhà, mà còn nuôi được bốn người con lần lượt thành cử nhân. Bái phục!

                                   Sài Gòn, Ngày thơ VN 2011

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.