Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953- 15/3/2023) vừa được Cục Điện ảnh và Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của nhân dân ta.
Trong dòng chảy 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã góp phần làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng, vừa mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và thấm đẫm niềm tự hào dân tộc, vừa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Nhiều thế hệ nghệ sĩ đã về tham dự lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, và câu chuyện mà họ nhắc đến nóng bỏng nhất là thực trạng của Hãng phim truyện Việt Nam ra đời từ năm 1953. Vì sao như vậy? Vì Hãng phim truyện Việt Nam được xem như một thành trì của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Rất nhiều bộ phim lừng lẫy đã được sản xuất tại Hãng phim truyện Việt Nam. Thế nhưng, hiện nay địa chỉ số 4 Thụy Khuê, Hà Nội quen thuộc của Hãng phim truyện Việt Nam đang lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Với tư cách Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú thổ lộ, đã hơn 7 năm nay, toàn ngành điện ảnh vẫn không khỏi xót xa với câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, đơn vị từng được coi là cánh chim đầu đàn của ngành điện ảnh. Tới bây giờ số phận và tương lai của Hãng Phim truyện Việt Nam vẫn là vấn đề nổi cộm, nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ thuộc đơn vị đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi khi không có lương hằng tháng, không có bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng chế độ thấp…
Cũng giống như nhiều nghệ sĩ khác của ngành điện ảnh khẩn thiết mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang nhấn mạnh Hãng phim truyện Việt Nam đang tan hoang: “Tôi thấy sự quan tâm của các lãnh đạo đối với văn hóa nói chung và các nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam nói riêng dường như chỉ thể hiện trên văn bản, các hội nghị, lễ kỷ niệm chứ chưa có những hành động thiết thực. Do yêu cầu phát triển của xã hội, nhà nước tập trung cổ phần hóa rất nhiều thứ, trong đó có điện ảnh. Với Hãng phim truyện Việt Nam cổ phần hóa là hợp lý, nhưng cổ phần hóa như thế nào mới là điều đáng nói. Với Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso, đơn vị mua Hãng phim truyện Việt Nam, tôi chưa thể tưởng tượng họ sẽ lãnh đạo hãng thế nào. Thực lòng tôi rất đau đớn”.
Từ năm 2015, Hãng phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phần hóa. Mâu thuẫn giữa đơn vị mua lại Hãng phim truyện Việt Nam là Tổng Công ty Vận tảu thủy Vivaso và các nghệ sĩ điện ảnh đã liên tục xảy ra. Xung đột quan niệm kinh doanh và ý thức nghệ thuật, không thể nào ngã ngũ. Vì thế, những âm thanh nỉ nộ ái ố cứ vang lên bẽ bàng và chua chát.
Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc phân định trắng đen. Tháng 3/2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Trong đó yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng phim truyện Việt Nam, vì quá trình cổ phần hóa đã tồn tại không ít hạn chế, khuyết điểm. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có tiến triển tích cực gì.
Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, càng thấy thấm thía cho hoàn cảnh bi đát của Hãng phim truyện Việt Nam cũng được thành lập tròn 70 năm.