| Hotline: 0983.970.780

Kỹ sư Hoàng Văn Đức - Chủ nhiệm đầu tiên báo Tấc Đất

Thứ Năm 03/12/2020 , 16:24 (GMT+7)

Trong lịch sử ra đời và tồn tại của báo Tấc Đất (tiền thân của báo Nông nghiệp Việt Nam), kỹ sư Hoàng Văn Đức là Chủ nhiệm đầu tiên (nay là Tổng Biên tập).

Kỹ sư Hoàng Văn Đức - Chủ nhiệm đầu tiên báo Tấc Đất. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Kỹ sư Hoàng Văn Đức - Chủ nhiệm đầu tiên báo Tấc Đất. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Ông gắn liền với tờ báo trong suốt 15 số, từ số đầu tiên ra ngày 7/12/1945 đến số 15 ra ngày 8/7/1946.

Nhà khoa học làm báo

Báo Tấc Đất là cơ quan cổ động sản xuất, do Bộ Canh nông bảo trợ, ra 2 tuần/số, mỗi số 2 trang (những số đặc biệt báo tăng trang, ví dụ như số chuyên đề đặc biệt về Nông nghiệp, số chuyên đề về Lâm chính), giá tiền 50 hào/số (số chuyên đề đặc biệt về Nông nghiệp, giá bán tăng lên 1 đồng 50 hào). Trụ sở đầu tiên của báo đóng tại 20 Lý Thái Tổ. Sau đó báo dời xuống 109 phố Bà Triệu. Người quản lý báo là ông Nguyễn Văn Giai.

Trong thư "Gửi nông gia Việt Nam" đăng trên số báo đầu tiên, Hồ Chủ tịch đã viết:

Câu tục ngữ “Tấc đất tấc vàng” ngày nay có hai ý nghĩa.

1 - Báo Tấc đất sẽ chỉ bảo cho anh em chị em nhà nông làm thế nào cho nông nghiệp mau chóng tiến bộ. Sự chỉ bảo của Tấc đất cũng quý hóa như Tấc vàng.

2 - Loài người ai cũng “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn), nước ta thì “dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no thì phải giồng giọt [trồng trọt - PV] cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng.

Cuối thư, Hồ Chủ tịch kêu gọi nông gia: “Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam”, và kêu gọi nông dân: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

Báo Tấc Đất. Ảnh tư liệu: Kiều Khải.

Báo Tấc Đất. Ảnh tư liệu: Kiều Khải.

Không chỉ là cơ quan ngôn luận về kỹ thuật chuyên môn, Tấc Đất còn đóng góp tiếng nói cổ vũ nhiệm vụ bảo vệ độc lập dân tộc. Phương châm được in đậm ngay trên maket trang nhất: “Nông gia khai khẩn từng tấc đất cũng như binh sĩ tranh từng tấc đất với quân thù”.

Vì thế, trên các trang báo còn cổ động nhân dân tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước bầu Quốc hội hợp pháp.

Không chỉ làm công tác quản lý, kỹ sư Hoàng Văn Đức với kiến thức chuyên môn về Nông nghiệp, ông còn tham gia viết bài trên báo như: “Khoa học và Thực nghiệm trong Nông nghiệp” (Tấc Đất, số 7). Báo Tấc Đất khi cần thiết cũng cất tiếng nói về những vấn đề trọng đại của Tổ quốc. Chủ nhiệm Hoàng Văn Đức đã viết: “Một vấn đề bất thành: Hợp nhất 3 kỳ” (Tấc Đất, số 8).

Để giúp các nhà điền chủ, các nhà trí thức hiểu rõ những vấn đề Canh nông về phương diện chuyên môn, xã hội và tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Hoàng Văn Đức, báo Tấc Đất cho ra đời “Canh nông Tập san”. Canh nông Tập san danh nghĩa do Bộ Canh nông xuất bản, ra đời dưới dạng sách, in trên giấy đẹp, được phát hành tại trụ sở báo Tấc Đất, số 109 phố Bà Triệu.

Trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những ngày cuối năm 1945, chính quyền cách mạng non trẻ mới được thành lập. Thù trong giặc ngoài chống phá. Ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm đe dọa. Chủ tịch Hồ Chí Minh chèo lái con thuyền cách mạng đi hết mọi thác ghềnh. Một trong số những trợ thủ giúp việc đắc lực của Chủ tịch Chính phủ lâm thời là Kỹ sư nông nghiệp Hoàng Văn Đức.

Cuối năm 1945, các tổ chức Việt Quốc và Việt Cách được sự dung túng của những viên tướng của Tưởng Giới Thạch ra sức chống phá chính quyền. Dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ Viêt Minh, các ông Hoàng Văn Đức, Hoàng Minh Chính và Lê Trọng Nghĩa đã phải đấu tranh trực diện với họ và các tướng Tàu mà đại diện là Tiêu Văn.

Bảy ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội (6/1/1946), kỹ sư Hoàng Văn Đức nhận được thư riêng của Hồ Chủ tịch mời cấp tốc đến bàn cách đối phó với các đảng đối lập đang mưu mô tung quân ngăn cản cuộc vận động tuyên truyền cho bầu cử trong cả nước.

“Anh Đức,

2 giờ rưỡi chiều nay, mời 5 đại biểu của Dân chủ Đảng đến Bộ Nội vụ nói chuyện.

Chào thân ái

29/12/45

Hồ Chí Minh”.

Trong cuộc gặp chiều hôm đó, Hồ Chủ tịch cho biết đã xảy ra xung đột vũ trang tự phát ở một vài địa phương.

Tại tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) lực lượng quân sự hai bên Việt Minh và Việt Quốc “sát khí đằng đằng” đang đóng đối diện ở chân núi Tam Đảo, sẵn sàng lao vào một cuộc tử chiến. Lúc này, cần phải dàn xếp để hai bên cùng xuống thang, giữ hòa khí, đảm bảo cho bầu cử.

Hồ Chủ tịch tin cậy và cử kỹ sư Hoàng Văn Đức mang bức thư của Chủ tịch nước lên thị xã Vĩnh Yên, trao cho UBND tỉnh. Một nhiệm vụ khác nặng nề hơn là giao cho ông tìm gặp điền chủ Đỗ Đình Đạo - thủ lĩnh Việt Quốc để dàn xếp.

Trước đó, Đỗ Đình Đạo đã biết danh tiếng kỹ sư Hoàng Văn Đức khi còn làm Thanh tra Canh nông – Sở Canh nông Bắc Kỳ thời Pháp thuộc. Kỹ sư Hoàng Văn Đức đã hoàn thành tốt “sứ mệnh” làm “thuyết khách của mình.

Hơn 60 năm sau, nhớ lại sự kiện này, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đánh giá: Nếu cuộc thương thuyết của Hoàng Văn Đức thất bại, hai bên xảy ra chiến sự, chắc chắn không có cuộc bầu cử Quốc hội khóa I.

Tiếng nói trọng lượng trên diễn đàn Quốc hội

Đầu tháng 12/1945, Chính phủ lâm thời chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên. Kỹ sư Hoàng Văn Đức cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe... ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa I của Hà Nội. Trúng cử, ông nghị họ Hoàng đã có những tiếng nói đầy trọng lượng trên diễn đàn Quốc hội suốt 15 năm (1946 – 1960).

Tư liệu lịch sử ghi lại, ngày 31/10/1946, tại cuộc chất vấn Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh, trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa I, kỹ sư Hoàng Văn Đức là một trong số 88 đại biểu có câu hỏi nêu lên các vấn đề quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, tài chính, tư pháp, nội vụ.

Suốt 8 năm theo Chính phủ rời Hà Nội, công tác tại chiến khu Việt Bắc, kỹ sư Hoàng Văn Đức vẫn làm trọn vai trò người đại biểu của nhân dân, đặc biệt đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Cải cách ruộng đất.

Kỹ sư Hoàng Văn Đức (đứng thứ hai từ phải qua) trong đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau (1946). Ảnh: Tư liệu gia đình.

Kỹ sư Hoàng Văn Đức (đứng thứ hai từ phải qua) trong đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau (1946). Ảnh: Tư liệu gia đình.

Cho đến ngày trở về Hà Nội, là Trưởng tiểu ban Kinh tế tài chính của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa I, tháng 3/1955, kỹ sư Hoàng Văn Đức đã có bản thuyết trình về 4 vấn đề: Nhiệm vụ và đường lối khôi phục kinh tế; Những điểm trọng yếu trong phương châm khôi phục kinh tế; Mấy chính sách lớn trong thời kỳ khôi phục kinh tế; và Những điều kiện cốt yếu để bảo đảm công cuộc khôi phục kinh tế.

“Phải cải tạo nền kinh tế còn nặng tính chất phong kiến, thực dân, thành nền kinh tế độc lập, dân chủ, dần dần từng bước một cách có kế hoạch, củng cố và phát triển nền kinh tế dân chủ nhân dân của chúng ta, biến dần dần nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu của ta thành nền kinh tế công nghiệp tiến bộ”, đó là mong muốn của Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Đức.

Kỹ sư Hoàng Văn Đức (1918-1996) đã trải qua các chức vụ Tổng Giám đốc Nha Nông chính Việt Nam (1946-1952), Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh (1946-1951), Ủy viên Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946-1957), Ủy viên Thường vụ Đảng Dân chủ Việt Nam (1946-1957), Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam (195-1957), Giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp (1957-1959), Cán bộ Kỹ thuật Bộ Nông trường (1960-1965), Cán bộ Kỹ thuật Nông trường 2/9 Yên Thủy – Hòa Bình (1966-1973).

Với những đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, kỹ sư Hoàng Văn Đức được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, và truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996).

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.