| Hotline: 0983.970.780

Thương bà nội của chồng mà không thể làm gì

Thứ Tư 29/07/2020 , 08:48 (GMT+7)

Nhiều phen bố chồng cháu về giải cứu bà ra thành phố, bà có đi nhưng rồi vẫn về, nói không xa cái ổ của mình được.

Thưa cô!

Ngày trước, rất lâu rồi, cô nhận được thư cháu, và đã tìm đến tận nhà để hỏi thăm hoàn cảnh cháu, khi ấy còn thư bưu chính cô à. Cháu đã lập gia đình, đã có đủ hai con trai và gái rồi cô.

Vợ chồng cháu tạm ổn, kinh tế vừa đủ, chồng giỏi, vợ siêng năng và hạnh phúc cô à. Chồng cháu là con trai cả, dưới nữa một cô em chưa lập gia đình, đang học cao học.

Bố chồng cháu có đến 5 anh chị em, bố cháu là trai út. Nhà nội con cả là cô, sau có hai cô nữa. Rốt cùng sinh đôi, hai con trai. Ông nội đã qua đời, chỉ còn bà nội chưa cao tuổi nhưng nhiều bệnh nền gay cấn như tiểu đường, cao huyết áp.

Cô cả là người sống với bố mẹ khi nhỏ đến giờ, việc ôm bàn thờ thì không trực hệ nhưng nhà đất hương hỏa, mồ mả tổ tiên gần đấy nên việc ấy là tất nhiên. Cô và dượng lại không có con trai, ba con gái thì hai chị lấy chồng xa, chỉ có chị đầu sống với cô dượng.

Thưa cô, thế là nhà bà nội của chồng cháu ở quê là ba thế hệ đấy ạ.

Lý ra bác của cháu, người anh sinh đôi của bố chồng cháu phải chăm bà nội nhưng bác ấy xuất khẩu lao động, vợ bác ấy không biết nói sao giờ, tốt nhất là không nên nói.

Vì thế, bố chồng cháu tự thấy trách nhiệm nên thường xuyên với quê và với bà, với cô cả, ban thờ, mồ mả quanh năm trong một năm, rất nhiều công phu và nói thật cũng rất là tốn kém.

Chúng cháu luôn ủng hộ bố mẹ, luôn nghĩ, phúc đức phải làm ra, không từ trên trời rơi xuống.

Nỗi bận tâm của bố mẹ chồng cháu, cả vợ chồng cháu nữa là cô cả quá vì con gái và rể của mình mà bòn rút, nhiều khi cư xử không phải với bà nội. Vợ chồng chị ấy làm ăn, đụng tới đâu thua tới đó, triền miên, đất đai cầm cố ở ngân hàng.

Nhiều phen bố chồng cháu về giải cứu bà ra thành phố, bà có đi nhưng rồi vẫn về, nói không xa cái ổ của mình được.

Hiện nay thì rể cô cả đã bỏ đi làm bảo vệ ở thành phố hay thị xã chi đó, vợ ở nhà lười nhác, ăn bám mẹ mà còn hỗn hào, hỗn với cả bà nội.

Nhà có ba phụ nữ ba thế hệ mà ba góc cơm, bà không chịu ngồi chung bữa với con gái vì bực cô ấy nhu nhược, cô cả thì không nhìn mặt con gái mà vẫn không chịu tống chị ấy đi. Rất khó sống như thế đúng không cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Cô còn nhớ láng máng một gia đình nghèo ở khá xa HN, theo địa chỉ trong thư, cô đến thấy bố mẹ cháu có chật vật với một bầy con bốn đứa mà cháu là con gái đầu, mới 15 tuổi, có nguy cơ bỏ học, không thi vào cấp III.

Không nhớ cô đã giúp gì, thực sự không nhớ lắm, hình như 13 năm rồi thì phải. Thế là cháu đã lập gia đình, đã có hai con, tùng tiệm, hạnh phúc.

Nhà nội của chồng cháu 5 người con, ở nông thôn, như thế cũng không phải quá đông. Trước tiên cô hoan nghênh bố chồng cháu đã rất có trách nhiệm với quê quán, với ông bà nội, cụ thể là tuổi già của bà nội cháu.

Nhưng, con người là thứ khó dịch chuyển nhất. Đi chơi, ngao du, mê mải, có thể, nhưng chỗ của tuổi thơ và thanh xuân vẫn gắn bó nhất. Bà nội bảo bà không xa cái ổ là đúng, bà đã rất mẫn cảm nên mới định nghĩa đó là cái ổ.

Một đứa bé nó nhớ mùi cái giường, chăn gối và mùi của mẹ nó, tựu trung đó là cái ổ. Về già, cái ổ ấy chỉ còn một mình, là của mình, mùi trầu, mùi của tiếng thở dài, mùi nước chè xanh, mùi dầu gió…không giải thích được nhưng không rời được.

Chúng ta hay nghĩ tiện cho mình. Bố đem bà nội ra thành phố, tiện cho bà khi cần bệnh viện. Nhưng bà không nghĩ vậy, xi măng, bê tông, khung cửa sắt, máy lạnh… bà thấy thảy đều xa lạ, nóng bức, lạnh lẽo.

Bạn bè của bà đâu, cây mít cây ổi đâu, mùi tro bếp đâu, thềm giếng đâu. Bà nhớ mà không nỡ nói kẻo con buồn, bà chỉ chờ cơ hội về quê và không ra nữa, bà nhất định viện mọi lý để bám quê.

Theo cô, kệ bà nội với cái lý hang ổ của bà đi. Nói vậy chứ sâu xa có lẽ bà thương cô cả nhất, vì gắn bó, vì cô ấy không bằng bố chồng cháu, cô ấy sẽ là người chứng kiến bà đến phút cuối, giỗ chạp, mồ mả.

Không thuận có thể do kỵ tuổi, kỵ tính, cả hai đã thuộc tính nết nhau, hục hặc như vợ chồng nhưng không bỏ được nhau. Và cô ấy sẽ bị đứa con gái đang dằn hắt bà ngoại và mẹ trả quả, nhân và quả, vợ chồng cháu sẽ không làm gì được trong hoàn cảnh ấy.

Bên cạnh bố mẹ chồng, cho bà được gì thì cho, về với bà được ngày nào thì về, phận mình, phúc mình, mình chăm chút, cháu nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.