| Hotline: 0983.970.780

Cố gắng thu vén chuyện 'cha mẹ cực tâm, các con cực xác'

Thứ Sáu 18/09/2020 , 10:55 (GMT+7)

Cha mẹ già là một giai đoạn mà 'cha mẹ cực tâm, các con cực xác'. Nếu không thu xếp giỏi, sẽ xung đột và bi kịch nặng đó, cháu nhé.

Cô kính mến!

Trên báo chí gần đây có một cuộc tranh luận của hai người nổi tiếng về đề tài chữ hiếu. Cụ thể là cha mẹ nên sống riêng hay con cái cần cha mẹ ở chung và phải biết nhận sai, biết xin lỗi.

Cháu thấy chuyện ấy đang rất phổ biến và từ thực tế của mình, cháu muốn nghe ý kiến của cô. Hiện cháu sống với mẹ ruột của mình, mẹ cũng đã 70, bắt đầu bệnh tật.

Mẹ yếu nhưng mẹ có gia sản, có thu nhập nên cháu không thấy vấn đề gì. Nhất là cháu có thu nhập cao, chồng cháu không thể khó chịu khi cháu phải chia sẻ kinh tế hay gì cả. Cháu thấy ổn, rất ổn.

Có điều, từ đây đến lúc mẹ cháu vào 80 tuổi sẽ nảy sinh mấy chuyện. Thứ nhất, mẹ nghĩ thế nào về tài sản của mẹ.

Cháu là con thứ, trên là chị Hai, dưới nữa là hai em trai, thực tế là cháu và chồng cháu chăm sóc mẹ (cháu không nói công cũng không nói tiền). Nếu mẹ di chúc thì chia đều tài sản của mẹ cho các con, vậy có công bằng với cháu không? Hoặc là mẹ di chúc cho cháu phần hơn thì có bị những người khác phản đối không?

Thứ hai, không ai nghĩ là sẽ góp với cháu để phụng dưỡng mẹ, ai cũng nói mẹ có tiền, không cần sự đóng góp đó, nhưng khi có sự cố thì sao?

Thứ ba, mẹ bắt đầu trở tính, vậy, có phương án nào khác về tuổi già của mẹ không? Như ý kiến của người nổi tiếng trên truyền hình đó, cho mẹ ở riêng. Là sao, có an tâm giao mẹ cho người giúp việc không, có thuê mướn được không chứ?

Tóm lại, khi đưa mẹ về sống cùng, mẹ mới 65, khỏe mạnh, đi chợ, nấu cơm. Vào 70 chân đau, mẹ yếu, bắt đầu thời kỳ phụng dưỡng rồi đó. Đến sau năm mẹ 80 tuổi, chắc rối à cô. Cô có cao kiến gì không cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Vấn đề người già ở Việt Nam là do văn hóa. Là sao? Người mình xem hiếu nghĩa là đạo, đạo thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đạo hiếu khiến người mình không dễ cho người thân vào Viện dưỡng lão. (Cũng chính vì chưa có thói quen ở cả hai phía, con cái và cha mẹ nên hệ thống dưỡng lão ở Việt Nam chưa phát triển).

Cô có người chị vào Viện cả hai vợ chồng, khi chồng mất, con cái đem chị về ngay, lúc sinh thời của ba chúng, chúng cũng vào thăm mỗi tuần.

Cô cũng có những bà con, người con một, chán dâu, vào Viện, khi đã yếu, khăng khăng về nhà, có người không con cái, buồn thảm lăn lóc ở trong Viện, thương lắm. Ở đây ta chỉ nói về những người có con thôi nhé.

Nên cố gắng thu xếp theo hai cách: Khi cha mẹ khỏe mạnh và khi đã yếu. Nếu cha mẹ cùng khỏe mạnh, họ ở riêng, đương nhiên, đúng không? Khi chỉ còn một người, nếu mẹ hay cha vẫn khỏe mạnh, nên để người đó ở yên chỗ ấy, con cái tới lui, hoặc thuê người chăm sóc, hỏi han.

Khi đang ở chung mà có một người bị góa, lại nghĩ cách khác. Có thể con cháu sẽ phải đối diện một cú sốc tâm lý ở người đó và chịu đựng. Có thể người đó hiểu ra và dễ tính, để thích nghi. Nói chung, một bước ngoặt cho cả nhà và cùng nhau suy nghĩ một tâm thế mới.

Như câu chuyện cái cô gì gì trên truyền hình ngày 11/9 ấy cũng nan giải, mẹ cô ấy và cô ấy xung khắc lâu rồi, không hóa giải nổi. Vậy vì sao không thể thu xếp khác sớm hơn, ngay khi mẹ còn trẻ?

Ví như tìm một chỗ mới để ở cạnh nhau, chung cư mới (có giá phải chăng) và ở cạnh? Sống mà mẹ với con gái hục hặc là khắc tính, có người tin là kỵ tuổi, vậy thì khổ cho rể, khổ cho các cháu, trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong dạy bảo con của mình.

Tóm lại, cha mẹ già là một giai đoạn mà cha mẹ cực tâm, các con cực xác. Nếu không thu xếp giỏi, sẽ xung đột và bi kịch nặng đó nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất