| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật nuôi cầy hương

Thứ Sáu 09/10/2009 , 11:01 (GMT+7)

I/. Giống và đặc điểm giống:

I/1. Tên gọi:

Tên Việt Nam gọi là cầy hương (có nơi còn gọi là chồn hương, chồn mướp, ngận hương, cầy xạ, cu tỏi).

Tên khoa học là Viverricula indica.Họ: Cầy Viverridae. Bộ: Ăn thịt Carnivora. Nhóm:Ở Việt Nam có 11 loài.  Thú.

I/.2. Phân bố, tập tính, sinh thái và môi trường sống:

Cầy hương phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cầy hương có ở hầu khắp các tỉnh miền núi và trung du. 

Trong tự nhiên, cầy hương sinh sống trong các khu vực rậm cỏ hay cây bụi thấp như nương rẫy ven suối, bụi rậm trong rừng, ven đồi… Bản tính tự nhiên của cầy hương hoạt động và kiếm ăn vào ban đêm là chủ yếu (thường từ chập tối đến nửa đêm) và thường sống đơn độc.

I/.3. Vóc dáng:

Cầy hương nhỏ hơn cầy giông. Cầy hương là loài thú ăn thịt, ăn tạp cỡ nhỏ hoặc trung bình. Cầy hương trưởng thành có thân hình thon dài trung bình từ 55-75 cm, cân nặng trung bình từ 2-5 kg. Bốn chân thấp, ngắn, màu đen, có năm ngón. Đầu dài, mõm nhọn. Bộ răng 36-40 chiếc. Bộ lông màu xám vàng, xám đen, nâu thẫm hoặc xám sẫm. Hai tai và mõm hơi đen. Phần hông có các vệt đen hay đốm đen mờ xếp thành hàng chạy dọc từ vai xuống mông (phần mông rõ nét hơn). Đuôi dài từ 35-50 cm (khoảng hai phần ba thân) với các vòng đen trắng hoặc nâu thẫm xen kẽ nhau (thường từ 7-10 vòng tùy theo loài).

I/.4. Sinh trưởng, phát triển và sinh sản:

Mùa sinh sản của cầy hương không rõ ràng nhưng thường tập trung vào tháng 4-6 hàng năm. Chúng là loài thú có nhiều chu kỳ động dục trong năm. Độ tuổi thuần thục sinh lý và chu kỳ mang thai không rõ ràng.

Cầy hương, thường đẻ mỗi năm một lứa, mỗi lứa đẻ từ 3-5 con. Thường đẻ trong hang tự đào hoặc các hốc cây, hang động nhỏ. Cầy hương con rất khỏe, ít bệnh tật…Con non sinh trong hang (chưa mở mắt và còn yếu) được con mẹ cho bú.

Tuổi thọ trung bình trong tự nhiên khoảng 8-9 năm, trong điều kiện nuôi nhốt khoảng 22 năm.

I/.5. Thức ăn:   

Cầy hương bắt mồi (chim, chuột, rắn…) rất giỏi. Thức ăn chính là các loài động vật. Thức ăn ưa thích của cầy hương là côn trùng, chuột, chim nhỏ, thằn lằn, sâu bọ, trứng… Ngoài ra, chúng còn ăn nhiều loại củ, quả và rễ cây…

I/.6. Giá trị và thị trường:

Thịt cầy hương mềm, thơm, ngọt và ngon, cùng da và xương được dùng như một vị thuốc y học cổ truyền. 

Cầy hương đực có tuyến xạ nằm giữa kẽ hai tinh hoàn. Xạ hương là một dược liệu quý, vị cay, tính ấm, mùi thơm, có tác dụng khai khiếu, trấn tâm, chống độc, tiêu viêm, giảm đau, thông kinh, thường được sử dụng trong sản xuất nước hoa… Xạ hương của cầy nuôi không thơm như cầy tự nhiên.

Thịt cầy hương đang là món ăn đặc sản trong các nhà hàng khách sạn, có giá rất cao. Cầy hương trong tự nhiên ngày càng khan hiếm nên người ta đã tổ chức nuôi.

Cầy hương dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao. Trung bình nuôi một đôi cầy hương trong 4-6 tháng cho thu lãi khoảng 2-3 triệu đồng.

I/.7. Thực trạng và giải pháp: 

Cầy hương có giá trị kinh tế cao nên nguy cơ bị tận diệt là rất lớn. Số lượng trong tự nhiên đang giảm mạnh, cần được bảo vệ nghiêm ngặt và tổ chức chăn nuôi để phát triển vững bền loài cầy hương. Lưu ý: Cầy hương là loại động vật hoang dã thuộc Phụ lục III của Cites. Cần phải có giấy phép khi nuôi và vận chuyển.

II/. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng:

Cầy hương rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao, yêu cầu về chăm sóc nuôi dưỡng rất đơn giản.

II/.1. Chuồng trại:

Chuồng nuôi cầy hương được thiết kế đơn giản bằng cách xây tường xi măng trên một khoảng sân trống hình chữ nhật. Tường xây cao khoảng 1m bao quanh phía trên tường là lưới B40 và có cửa mở ra vào chắc chắn...

Chuồng nuôi cầy hương làm theo hướng đông nam, mái lợp ngói, cao ráo, thoáng mát, có hệ thống cửa sổ đóng mở thuận lợi, có lắp đặt quạt thông gió, đảm bảo đông ấm, hè mát.

Bên trong chuồng cầy hương sinh sản, được thiết kế mặt bằng xi măng, hoặc bằng đất và được chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn có diện tích khoảng 5-10m2, có lỗ trống để thoát nước dễ dàng... Mỗi ngăn được thả nuôi hai con cầy hương đực và cái.

Trong chuồng có thể thiết kế giàn nhiều tầng (2-3 tầng) bằng bê tông hay tre, gỗ chắc chắn để chứa cũi nhốt cầy, mỗi tầng cao 0,7-0,8 m, các cũi để trên một tầng phải được ngăn kín bằng tấm các tông màu để cầy hương trong hai cũi không trông thấy nhau, nhằm phòng chống hiện tượng stress. Nền từng tầng được làm bằng bê tông hơi dốc (khoảng 5-60) về phía có rãnh thoát nước thải của nền chuồng. Thông thường cũi nhốt cầy được làm kiên cố bằng lưới sắt B40, cửa có then cài chắc chắn, để cầy không chui ra được.

Mỗi cũi hình hộp chữ nhật có thể tích 1 m3 (rộng 1 m, dài 2 m, cao 0,5 m, có 4-6 chân cao 0,2 m), có thể nuôi được 2-3 con. Đáy cũi bằng lưới sắt hay tre, gỗ chắc chắn và thưa (cách nhau 7-10 cm) để phân lọt xuống nền tầng, khi vệ sinh dọn phân được dễ dàng.

II/.2. Chọn giống và thời vụ nuôi thịt: 

II/.2.1. Chọn giống nuôi:

Chọn những con khỏe mạnh, không bị thương tật, lông mượt, mắt, mũi nhanh nhẹn, tinh tường… Cầy hương giống có khối lượng từ 1,0-1,5 kg/con thì dễ nuôi.

II/.2.2. Thời vụ nuôi:

Thông thường thả cầy hương vào tháng 2-3. Thu, bán vào tháng 6-8. Cầy hương nếu được chăm sóc tốt, tăng trọng lượng rất nhanh có thể đạt 0,7-1,0 kg/con/tháng. Khi cầy đạt khối lượng khoảng 4-6 kg thì xuất bán theo nhu cầu của khách hàng.

II/.3. Chăm sóc, nuôi dưỡng:

II/.3.1. Thuần dưỡng cầy hương: 

Trong tự nhiên, bản tính tự nhiên của cầy hương thường hoạt động và kiếm ăn vào ban đêm là chủ yếu, thức ăn chính của cầy hương là côn trùng, chuột, chim, rắn, nhông, kiến, mối, trứng chim và nhiều loại củ, quả và rễ cây… Vì vậy, khi nuôi cầy hương ta nên cho cầy ăn bữa tối là chính, bữa sáng là phụ và tập cho cầy hương ăn thức ăn nhân tạo do con người cung cấp.

Tập cho cầy hương ăn thức ăn nhân tạo:

Muốn nuôi cầy ta phải mất thời gian tập cho chúng ăn thức ăn hoàn toàn mới lạ đối với bản năng tự nhiên của chúng, việc này phải tiến hành từ từ, kiên trì trong 5-10 ngày, cầy mới chịu ăn uống bình thường.

Trước tiên, ta để cầy nhịn đói trong 1-2 ngày, sau đó cho chúng ăn chuối chín bóc vỏ để cả quả (1-2 quả/con/bữa) trộn lẫn với cháo đường (cho tương đối ngọt như nấu chè) nấu nhuyễn. Ban đầu cầy chỉ ăn chuối và liếm cháo đường bám xung quanh, cho ăn như vậy khoảng 4-5 bữa. Sau đó, nghiền nhuyễn chuối chín với cháo đường cho ăn trong 1-2 ngày. Khi cầy chịu ăn, cho ăn cháo đường trước, hoa quả ăn bổ sung sau.

Để tăng khối lượng nhanh cần tập cho cầy ăn cháo đường ninh nhừ với các loại động vật như: Heo, chó, mèo, tôm, cá... và bổ sung thêm B.Complex, vitamin tổng hợp, cám gà đậm đặc (Concentrat)...

II/.3.2. Vệ sinh chuồng trại:

Ngoài việc cho ăn vừa đủ, tránh thức ăn thừa ôi thiu, hàng ngày cần phải dọn vệ sinh và thỉnh thoảng cho phơi chuồng dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt mầm bệnh, đảm bảo chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, không gây ô nhiễm môi trường. Phân, nước tiểu được thoát ra ngoài qua hệ thống cống rãnh được bố trí khi thiết kế. Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ, giúp cầy hương phát triển nhanh, sinh sản nhiều và không bị bệnh tật.

Có lẽ mang trong mình mùi thơm ngào ngạt nên cầy hương rất kỵ với những chuồng nuôi mất vệ sinh. Chuồng nuôi nào không quét dọn sạch sẽ chúng hay bị bệnh và bỏ đi chuồng khác.

II/.3.3. Chăm sóc, nuôi dưỡng:

Cầy hương đã được thuần dưỡng, thường quanh quẩn gần chuồng nuôi và ngoan hiền như mèo, nhưng cần lưu ý, khi đẻ thì chúng rất dữ.

Cầy hương đã được thuần dưỡng, mỗi năm có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2-5 con. Cầy hương con rất khỏe, ít bệnh tật…

Lưu ý, khi cầy hương tìm ổ đẻ, ta có thể dùng bồn sành sứ (loại bồn rửa mặt…) đặt vào chuồng rồi bắt cầy hương mang thai bỏ vào bồn cho chúng đẻ… trong điều kiện nuôi thuần hóa, nếu làm chuồng dưới đất hay đào hang sẵn cho cầy đẻ chúng chỉ nằm ì ở đó. Cầy hương chỉ đẻ khi chủ nuôi đưa chúng đặt vào bồn để đẻ. Lúc vừa mới đẻ xong, nếu bắt chúng đi, cầy mẹ sẽ xù lông cắn. Khi nào cầy con cứng cáp tìm cách ra khỏi bồn chúng mới ngoan ngoãn cho chúng ta bắt nhốt vào chuồng.

Bình quân, cứ đầu tư vài trăm ngàn đồng thức ăn, sau một năm nuôi, con cầy hương sẽ đạt trọng lượng trên dưới 5kg. Cầy hương vài ba tháng tuổi đã có thể xuất bán với giá 10 triệu đồng/cặp.

III/. Phòng và trị bệnh:

Cầy hương trong điều kiện nuôi dưỡng nhân tạo rất mẫn cảm với các loại thức ăn mới lạ. Khi thay đổi thức ăn chúng thường hay bị bệnh tiêu chảy, phân không thành khuôn, loãng, nhiều nước. Nên phòng bệnh tiêu chảy bằng cách, cho cầy hương uống thuốc kháng sinh phòng bệnh hoặc trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn mới cho cầy hương ăn (liều phòng chỉ bằng 1/2-1/3 liều điều trị)…  

Cầy hương cũng có thể bị bệnh cầu trùng (phân lẫn máu) hoặc bị bệnh thương hàn (sốt cao, phân lỏng màu vàng) như các loại gia súc gia cầm khác. Ta có thể điều trị bằng các loại thuốc thú y phòng chữa cho gia súc, gia cầm của các hãng sản xuất thuốc thú y có uy tín (trộn lẫn với thức ăn)... Liều lượng tính lượng thuốc/kg thể trọng, tương tự như liều dùng đối với gia cầm. Với thuốc uống theo kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi cầy lâu năm, nên tăng gấp 3 lần so với hướng dẫn trên bao bì thì mới nhanh khỏi bệnh…

* Địa chỉ liên hệ mua bán cầy hương:

- Cơ sở nuôi Cầy hươngcủa ông Trương Bá Linh ở Cồn Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Liên hệ Trạm khuyến nông huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.ĐT: TTKN Trà Vinh: 074 3 840171 – 3 840174.

- Cơ sở nuôi cầy hương của ông Đỗ Văn Phòng ở thôn Tiên Hưng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và nhiều cơ sở nuôi cầy hương ở các huyện Hiệp Hoà, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Liên hệ Trạm khuyến nông huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang… ĐT: TTKN Bắc Giang: 0240 3 855453 – 3 851276.

Hiện nay, đã có nhiều địa phương nuôi cung cấp giống và thịt như: Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Trà Vinh, Đăk Lăk, Long An, Bình Dương, Biên Hòa, TP.HCM…

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.