| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho bưởi đỏ Hoà Bình

Thứ Hai 22/10/2018 , 15:50 (GMT+7)

Giống bưởi đỏ Hoà Bình do PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, PGS.TS Trịnh Khắc Quang, TS Vũ Việt Hưng và các cộng sự Viện Nghiên cứu Rau quả, chọn lọc từ quần thể bưởi mọc tự nhiên tại xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, Hoà Bình.

* Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận, cho sản xuất thử từ tháng 2/2017.

img-0310-zps94170f3c110030130
Múi bưởi đỏ Hoà Bình


Đặc điểm cơ bản của giống: Cây sinh trưởng, phát triển khoẻ. Tỷ lệ đậu quả cao. Cây 10 - 12 năm tuổi có thể đạt năng suất 300 - 700kg/cây. Thời gian cho thu hoạch quả kéo dài từ cuối tháng 10 đến giáp Tết Nguyên đán. Quả chín có vỏ màu vàng pha đỏ, tép múi màu đỏ, vị ngọt dịu, không the đắng.

- Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật: Bưởi đỏ Hoà Bình thích hợp trồng trên đất có tầng canh tác dày trên 1m, mực nước ngầm dưới 0,8m, đất có kết cấu xốp, giàu mùn, độ dốc đất từ 3 - 20 độ, tốt nhất là từ 3 - 8 độ, tưới tiêu thuận lợi.

Thời vụ: Đồng bằng sông Hồng trồng tháng 2 - 4 và tháng 9 - 10. Miền núi phía Bắc, trồng đầu mùa mưa. Mật độ trồng 500 cây/ha, khoảng cách (4 x 5m)/1 cây.

Phân bón (1ha): Giai đoạn kiến thiết cơ bản, phân hữu cơ hoai mục 20 tấn, vôi bột 50 - 60kg, đạm urê 90 - 100kg, supe lân 250 - 300kg, kali clorua 450 - 500kg. Giai đoạn kinh doanh, phân hữu cơ 35 - 40 tấn, đạm urê 750 - 800kg, supe lân 1.500 - 2.000g, kali clorua 450 - 500kg.
 

Bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình) chính thức được công nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2017


Cách bón: Vườn cây mới trồng, bón lót toàn bộ phân hữu cơ, phân lân và vôi bột. Từ sau trồng đến khi cây 3 tuổi, bón thúc định kỳ 2 tháng/1 lần. Cây trên 3 tuổi, bón thúc 3 lần chính/năm vào các thời điểm, kết thúc thu hoạch quả (bón toàn bộ phân chuồng, phân lân, 40% lượng đạm, 40% lượng kali), trước và sau cây ra hoa 1 tháng (mỗi lần bón 30% lượng đạm, 30% lượng kali). Trước thu hoạch 30 - 50 ngày bón thêm 0,2 - 0,3kg kali/1 gốc để tăng chất lượng quả. Chú ý, cần căn cứ tình hình sinh trưởng thực tế của cây, để điều chỉnh liều lượng, tỷ lệ các loại phân bón cho cân đối.

Chăm sóc: Tưới nước đảm bảo độ ẩm đất vườn 70 - 75% trong suốt thời gian cây mang quả. Tủ gốc giữ ẩm vườn bưởi trong các tháng mùa đông. Cắt tỉa 3 lần, sau thu hoạch cắt bỏ hết các cành nằm sâu trong tán, cành gầy yếu, sâu bệnh và các cành vượt, kết hợp thu gom thiêu huỷ tàn dư thực vật trong vườn và quét vôi thân gốc. Vụ xuân, cắt bỏ những cành nhỏ yếu, cành sâu bệnh, tỉa bớt các chùm hoa quá dày. Vụ hè, cắt bỏ cành sâu bệnh, tỉa bỏ quả nhỏ, quả dị hình.

Phòng trừ các sâu bệnh chính: Phun Polytrin 440EC khi  lộc non mới nhú 1-2cm để phòng trừ sâu vẽ bùa. Dùng bẫy bả Metyleuzernol + Nalet hoặc phun bón lá Suport để tiêu diệt và xua đuổi ruồi vàng. Các thuốc phun trừ nhện đỏ, nhện trắng, bao gồm, Dầu khoáng DC Tron Plus 0,5%, Pegasus 0,2%, Dylan 2EC, Map Winner 5WG.

Trồng xen canh ổi với bưởi để xua đuổi rầy chổng cánh, có thể phun Dầu khoáng DC Tron Plus 0,5% hoặc Sherpa 0,2%, để trừ rầy chổng cánh và phòng bệnh greening trên cây có múi. Hỗn hợp Booc đô + Zineb có tác dụng phòng trừ bệnh loét quả bưởi (phun 3 lần cách nhau 15 ngày từ sau khi cây tắt hoa lộ quả). Cấy thả kiến vàng trên gốc cây để phòng trừ bọ xít xanh. Thu hoạch quả tập trung. Tăng cường phân bón vào các năm được mùa bưởi.

Lưu ý, quả bưởi sau thu hoạch không nên bổ ăn ngay, chờ khi vỏ quả hơi héo mềm (7 ngày trở ra), ăn sẽ ngon hơn.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Hà Nội ra quân bắt chó thả rông, phòng ngừa bệnh dại

Trong ngày 20/4, đội xử lý chó thả rông phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) ra quân xử lý vi phạm liên quan đến việc để chó thả rông, không rọ mõm.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm