| Hotline: 0983.970.780

Kỳ tích Cần Giờ

Thứ Hai 03/09/2012 , 14:04 (GMT+7)

Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên của thế giới, đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên của thế giới, đầu tiên ở Việt Nam. Đó là phần thưởng lớn cho nỗ lực tái sinh lại rừng ngập mặn Cần Giờ vốn đã bị phá trắng gần như toàn bộ do chất độc khai quang của Mỹ và nạn phá rừng sau chiến tranh.

Phá vỡ tính toán của 2 nhà khoa học Mỹ

Ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM, là một trong những người đã có nhiều năm gắn bó với rừng ngập mặn Cần Giờ, nhất là trong quá trình khôi phục lại khu rừng này. Ông Cương từng giữ cương vị Giám đốc Lâm trường Duyên Hải (đơn vị khởi đầu và là chủ lực cho công cuộc khôi phục rừng ngập mặn Cần Giờ). Sau khi Lâm trường Duyên Hải đổi thành BQL rừng Phòng hộ Môi trường TP HCM, ông Cương tiếp tục giữ cương vị Trưởng ban cho tới năm 1998.

Bởi thế, cứ nhắc đến rừng ngập mặn Cần Giờ, nhất là giai đoạn khôi phục rừng, ông Cương có thể ngồi nói chuyện hàng giờ. Ông Cương cho hay, sau năm 1975, đất Cần Giờ thuộc về tỉnh Đồng Nai. Tới năm 1978, huyện này mới được chuyển về TP HCM.

Khi ấy, nơi từng là rừng ngập mặn trước đây với diện tích khoảng 40.000 ha, gần như chỉ còn là vùng đất trống mênh mông. Sau những năm 1964-1970, máy bay Mỹ nhiều lần rải hóa chất khai quang, đã khiến cho rừng ngập mặn Cần Giờ trở nên kiệt quệ. Sau chiến tranh, đời sống quá khó khăn cộng với tình trạng thiếu chất đốt đã khiến cho những phần còn sót lại của rừng ngập mặn Cần Giờ bị người ta phá hủy gần như toàn bộ.

Ngay từ khi mới tiếp nhận huyện Cần Giờ (hồi đó gọi là huyện Duyên Hải), Thành ủy và UBND TP HCM đã tính ngay tới việc trả lại màu xanh cho vùng đất trống ấy. Trong năm 1978, hàng loạt hội thảo khoa học về vấn đề trên đã được tổ chức. Và đã có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra. Có người đề nghị trồng dừa trên toàn bộ đất Cần Giờ để biến nơi đây thành một “Rừng dừa Bến Tre thứ 2” vì vị trí địa lý gần giống với Bến Tre. Một số ý kiến khác lại đề nghị trồng cỏ trên toàn bộ vùng đất trống để phát triển chăn nuôi đại gia súc hoặc trồng các loại cây công nghiệp…

Tuy nhiên, các nhà khoa học lâm nghiệp ở TP HCM với quan điểm “đất nào cây nấy” đã kiên trì với ý kiến trồng lại rừng ngập mặn. Mong muốn ấy của các chuyên gia lâm nghiệp đã nhận được sự đồng tình của lãnh đạo thành phố, nhất là Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt (sau này là Thủ tướng Chính phủ). Ông Cương nhớ lại: “Khi rừng Cần Giờ hãy chỉ còn là vùng đất trống mênh mông, ông Kiệt đã nghĩ tới việc phải trồng lại rừng Cần Giờ để biến nó thành lá phổi xanh cho thành phố”.

Ngày 7/8/1978, Lâm trường Duyên Hải được thành lập để khẩn trương tiến hành việc khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Ty Lâm nghiệp TP HCM (nay là Sở NN-PTNT) và Lâm trường Duyên Hải được giao lập Luận chứng kinh tế - kỹ thuật khôi phục rừng ngập mặn.

Lúc đầu, sau khi tính tới tính lui, những người làm bản luận chứng đó chỉ dám đưa ra kế hoạch trồng rừng mỗi năm là 200 ha. Khi luận chứng được trình lên Thành ủy, ông Võ Văn Kiệt bác liền. Ông Kiệt bảo: “Các đồng chí trồng 200 ha mỗi năm thì đến khi nào mới khôi phục được rừng ngập mặn? Các đồng chí phải nâng kế hoạch trồng lại rừng lên 4.000 ha mỗi năm. Nếu thiếu nhân lực, vật lực, thành phố sẽ lo cho”.

Sau đó, Ty Lâm nghiệp và Lâm trường Duyên Hải phải làm lại luận chứng theo chỉ đạo của ông Võ Văn Kiệt. Còn thành phố cũng giữ lời hứa, huy động sức người sức của để khôi phục lại rừng ngập mặn Cần Giờ trong thời gian sớm nhất. Khi ấy, tất cả các quận nội thành đều đã thành lập mỗi quận một nông trường ở Cần Giờ. Toàn bộ lực lượng lao động ở những nông trường này đều được huy động trồng rừng.

250 thanh niên xung phong (TNXP) được điều về Cần Giờ để tham gia trồng rừng. Mỗi vụ trồng rừng, khoảng 5.000-6.000 người dân tại huyện Cần Giờ cũng được huy động đi trồng rừng. Nhờ quyết tâm của TP và nỗ lực của những người lao động, trong vòng 22 năm, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được khôi phục hoàn toàn, gây nên sự ngạc nhiên lớn cho các nhà khoa học nước ngoài.

Bởi trước năm 1975, hai nhà khoa học Mỹ là Pfeifer và Wasting, đã đến nghiên cứu và ước tính rằng phải mất tới 100 năm mới khôi phục lại được hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.

Lập kỳ tích trong vô vàn gian khó

TS Lê Đức Tuấn, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Rừng ngập mặn Cần Giờ, là một trong những người đầu tiên tham gia trồng lại rừng này.

Năm 1978, ông Tuấn nằm trong số 250 đội viên TNXP được chuyển ngành, điều về làm bộ khung cho Lâm trường Duyên Hải. Ông Tuấn kể: “Ngày ấy chưa có đường bộ. Đi từ TP xuống Cần Giờ phải dùng ghe, thuyền. Mỗi ghe chỉ chở khoảng 20-30 người vì còn phải dành chỗ trống chở theo nguyên liệu để cất nhà lá lấy chỗ ở.

Lúc đầu làm nền nhà thấp. Tháng 9, tháng 10 âm lịch, nước lên cao, ba lô, mùng mền bị nước cuốn trôi đi hết, chỉ còn mấy cái giường nổi lềnh bềnh. Nước mặn thì dư dả mà nước ngọt lại rất khan hiếm. Mỗi sáng, mỗi người chỉ được cấp 1 ca nước ngọt để đánh răng, súc miệng. Tắm giặt phải dùng nước mặn, xong rồi mới dội qua bằng nước ngọt. Đêm xuống, muỗi mòng nhiều vô kể. Ăn thì bo bo là chính. Không ít người trồng rừng đã phải nằm lại vĩnh viễn trên đất Cần Giờ vì căn bệnh sốt rét ác tính.

Không có nước ngọt, trồng rừng xong phải xuống sông tắm thì sợ đụng cá sấu, bởi đã có một công nhân trồng rừng ở Nông trường quận 11, đã bị cá sấu ăn thịt khi tắm trên sông Vàm Sát. Rồi lo vấp phải bom đạn con sót lại trong chiến tranh…

Ông Phạm Văn Nhạn, hiện đang là một hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng ở tiểu khu 8, thuộc phân khu 6, cũng từng tham gia trồng rừng từ năm 1978. Ngày ấy, ông Nhạn là một nông dân ở An Nghĩa, đã được huy động vào việc trồng rừng. Nhớ lại chuyện trồng rừng 34 năm trước, ông Nhạn cho biết thêm, người trồng rừng khi ấy còn phải vất vả đối phó với nhiều hộ dân sở tại, bởi cây đước vừa cắm xuống, nếu không để mắt canh chừng, sẽ bị người ta ra nhổ lên vứt đi, rồi trồng cây nông nghiệp vô đó.

Một khó khăn lớn của việc trồng rừng trong những năm đầu tiên là không có nguồn giống trái đước ngay tại chỗ. Muốn có trái đước giống, TP HCM phải tổ chức lực lượng đi ghe thuyền xuống tận mũi Cà Mau để thu mua. Khi ghe đã đầy, phải mất cỡ 14 ngày mới về đến Cần Giờ. Mỗi ghe chở khoảng 100 tấn trái giống nên thời gian bốc dỡ mất thêm nhiều ngày nữa. Khi ấy, lớp trái đước bên trên đã bị khô, còn lớp dưới cùng cũng bị hỏng, thành ra mỗi ghe chỉ còn khoảng 60% trái giống dùng được.

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ có tổng diện tích 75.740 ha. Theo báo cáo về diễn biến môi trường của Việt Nam năm 2005 của tổ chức SIDA, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đã trở thành một trong những điểm phục hồi rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, với trên 200 loài động vật, thực vật nước mặn và nước lợ, trong đó có nhiều loài quý hiếm như kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn hổ chúa, cá sấu hoa cà, rái cá vuốt be, mèo cá, giang sen, cây cóc đỏ...

Còn theo UNESCO, đây là Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn đầu tiên trên thế giới được phục hồi sau chiến tranh hóa học.

Sau nhiều chuyến ghe phải đổ bỏ đi tới 40% trái giống như thế, những người trồng rừng mới rút ra kinh nghiệm chỉ nên chở khoảng 50 đến 60 tấn trái trên mỗi chuyến ghe nhằm rút ngắn thời gian đi trên biển và bốc dỡ được nhanh chóng hơn. Từ đó, lượng trái giống bị hỏng giảm hẳn.

Rồi còn việc trồng đước nữa. Lúc đầu, đi trồng hầu hết là đàn ông. Mà trồng đước lại giống như cấy mạ, tức là đi thụt lùi trên nền đất sình lầy. Đàn ông đã nặng, mà chân tay lại kém linh hoạt, nên năng suất trồng rừng khá thấp. Sau đó, người ta nhận thấy rằng nếu có thêm sự tham gia của phụ nữ và trẻ em thì sẽ đẩy được năng suất lên cao, vì phụ nữ vốn lanh lẹ, khéo léo trong mấy vụ gieo cấy, còn trẻ em di chuyển tốt hơn trên nền đất sình lầy. Và khi có thêm sự tham gia của phụ nữ, trẻ em, năng suất trồng rừng tăng lên gấp mấy lần.

Ngồi nhớ lại những tháng ngày gian khổ ấy, những người đã tham gia trồng lại rừng Cần Giờ từ năm 1978, đều nói rằng khi cắm những trái đước giống đầu tiên xuống đất, họ không tin rằng rồi đây sẽ hồi sinh lại được khu rừng. Mãi đến 3 năm sau, khi cây đước bắt đầu khép tán, họ mới tin rằng việc hồi sinh rừng ngập mặn đã thành hiện thực. Bây giờ, ai cũng thấy tự hào vì đã từng đóng góp công sức để tạo nên khu dự trữ sinh quyển độc đáo này.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm