| Hotline: 0983.970.780

Kỳ tích vượt sông Giăng

Thứ Tư 13/01/2010 , 11:05 (GMT+7)

Thượng nguồn sông Giăng hung hãn nhưng đó cũng là minh chứng cho những cuộc vượt sông trở thành kỳ tích.

Thượng nguồn sông Giăng hung hãn nhưng đó cũng là minh chứng cho những cuộc vượt sông trở thành kỳ tích. 

>> Lạc bước miền Tây xứ Nghệ

Những người đầu tiên 

Đói nghèo, lạc hậu nhưng người Đan Lai (Khe Khặng, Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) vẫn có nhưng điều để tự hào. Họ có người được gặp Bác Hồ, có Nhà giáo ưu tú, có kỹ sư....  

Một ngày ngồi chờ thuyền ở Đồn biên phòng 555, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về ông La Văn Bốn, "báu vật sống" của người Đan Lai, chuyện về cô kỹ sư đầu tiên của đồng bào tên La Thị Thắng... Những chiến sĩ bộ đội rắn rỏi nơi miền biên viễn đầy khó khăn, nhắc đến họ với tấm lòng kính phục. Thì ra, không phải người Đan Lai không có khát vọng rời núi, chỉ có điều, sông Giăng hung hãn quá. 

Năm 1946 có cán bộ Việt Minh đi qua bản khe Chát hoang vu vận động bà con dân tộc thiểu số tham gia phong trào “giết giặc đói, giặc dốt”. Dịp đó ông Bốn đang đi bắt cá bèn gặp. Bảy năm sau người thanh niên Đan Lai này trở thành học viên Trường Sư phạm miền núi Trung ương ở Tuyên Quang. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ trường chuyển về Hà Nội. Trong một dịp Bác Hồ đến thăm, trường cử mỗi người đại diện cho mỗi dân tộc gặp Bác. Ông Bốn là người Đan Lai duy nhất nên nghiễm nhiên được chọn.  

Nhà giáo ưu tú La Văn Bốn, người Đan Lai duy nhất được gặp Bác Hồ

Nhớ lời Bác dặn, học xong ông quay về bản làm mọi cách truyền cái chữ cho đồng bào mình. Hiện ông Bốn đã ngoài 75 tuổi, đã nghỉ hưu nhưng ngày ngày vẫn dạy học cho trẻ em trong bản. Không muốn nói nhiều về mình, thầy Bốn luôn hướng câu chuyện về cô học trò cưng La Thị Thắng.  

Sinh năm 1978 bên dòng sông Giăng, là con thứ tư trong gia đình tám anh chị em, Thắng may mắn hơn các bạn cùng bản, lớn lên được ra trung tâm xã để đến lớp học tiếng Kinh, con chữ. Để đến trường học tiểu học, Thắng phải vượt dòng sông Giăng đến lớp. Chuyện vượt sông đến lớp của Thắng là cả một hành trình quá nhiều gian nan. Các chiến sĩ bộ đội Biên phòng Đồn 555 thường cõng Thắng qua con khe vượt dòng sông dữ đến trường vào những ngày mưa lũ. Thầy Bốn vừa là tấm gương, vừa là người trực tiếp động viên, dạy dỗ Thắng học tập. 

 Trước hình ảnh người dân bản còn nghèo khó nên tốt nghiệp THPT Dân tộc nội trú Nghệ An, Thắng đăng ký vào ngành nông - lâm Trường ĐH Huế. Trở thành sinh viên đầu tiên của dân tộc Đan Lai bước chân vào giảng đường đại học, Thắng luôn cố tiếp thu kiến thức để lúc tốt nghiệp xin về chuyển giao kỹ thuật cho dân bản. Năm 2002, ngay sau khi tốt nghiệp ĐH Huế, Thắng đến UBND huyện Con Cuông đề xuất không làm công việc văn phòng mà xin làm công việc khuyến nông cho người dân trong huyện. Ngay ngày đầu đi làm, Thắng đến những bản làng của đồng bào Đan Lai tìm cách hướng dẫn họ canh tác. Hiện tại cô là người Đan Lai duy nhất có bằng kỹ sư. 

Chiến tích vượt sông của thầy Bồn, của La Thị Thắng như những ngọn đuốc giữa đại ngàn, đồng thời tiếp thêm nghị lực cho những giáo viên cắm bản kéo học sinh Đan Lai ra khỏi sông Giăng.

Chuyện tình vượt 1000 con thác 

Dòng sông Giăng chia cắt thủ phủ người Đan Lai với thế giới bên ngoài, đó là lí do vì sao họ buộc phải kết hôn cận huyết. Nhưng có những mối tình vượt ra khỏi quy luật ấy, chuyện những chàng trai Đan Lai lấy được vợ người Kinh cũng thành kỳ tích. 

Nhắc lại chuyện lấy vợ, La Văn Tâm (45 tuổi) ở bản Co Phạt vẫn chưa hết phấn khích. Hơn mười năm trước, dù đã qua tuổi lấy vợ khá lâu nhưng anh Tâm vẫn "bỏ ngoài tai" lời thúc giục của cha mẹ. Mấy bận vượt sông ra trung tâm xã bán nứa anh nghe người ta bảo anh em cùng họ không được lấy nhau. Mà ở cái Khe Khặng này tìm đâu ra một người ngoài họ bao giờ? Thế là anh quyết đinh đóng một bè nứa xuôi thuyền tìm vợ. Lân la mãi cuối cùng gặp được chị Nguyễn Thị Duyệt, quê tận xã Hội Sơn (huyện Anh Sơn), khách mua nứa hôm đó. Bắt được "mối", từ đó Tâm chỉ bán nứa cho chị Duyệt đến lúc... tỏ tình.

Thế là hôm sau họ vượt thác quay về bản báo cáo cha mẹ. Biết tin con gái mình quyết định theo chồng vào chốn "sơn cùng thuỷ tận", mẹ chị Tâm nhất mực chối từ. Ai đời, con trai trong làng trong xã thiếu gì mà phải mò vào tận chốn ấy tìm chồng? Nhưng rồi cuối cùng họ cũng vượt qua để thành đôi. Hôm đưa dâu gặp mùa nước lũ, cứ đi thuyền một lúc lại phải lên bờ vạch cây rừng đi tiếp vì thuyền không vượt qua được thác. 

Người Đan Lai ở Co Phạt bước đầu có thể làm ruộng

Những ngày đầu về làm dâu xứ thâm sơn, chị Duyệt không đêm nào ngủ tròn giấc. Phần vì không quen cái lạnh ghê người ở Khe Khặng, phần vì nỗi lo qua ngày nào biết ngày đó, ngày hôm sau không biết lấy gì ăn. Dân bản tròn mắt vì lần đầu tiên họ có một cô dâu không phải họ La. Càng ngạc nhiên hơn khi thấy "cô dâu lạ" cuốc ruộng cấy lúa nước, cuốc vườn trồng rau xanh chứ không theo họ vào rừng hái măng, chặt nứa.  

Phải đợi đến lúc trong các cuộc họp dân bản, mấy anh bộ đội Biên phòng cứ lặp đi lặp lại chuyện "bản ta phải học tập gia đình anh Tâm- chị Duyệt, trồng rau ăn, cấy lúa lấy gạo, không được kết hôn cận huyết" thì cả bản mới lục đục kéo đến nhà... mừng hạnh phúc. Và để bày tỏ lòng mình, mấy nhà có con trai đến tuổi dựng vợ gả chồng bèn dắt đến nhờ anh chị…mai mối. 

Chuyện giáo viên cắm bản 

Tôi đã từng đến những nơi xa xôi, gặp những giáo viên cắm bản khắc khổ. Nhưng khi đến Khe Khặng vẫn chưa thể hình dung có một nơi mà những giáo viên cắm bản "liều" đến thế. 

Hôm chúng tôi vào Co Phạt, cả bản đang háo hức chờ đến ngày khánh thành Trạm xá quân y và Phân hiệu trường tiểu học Môn Sơn. Đây cũng là một kỳ tích nếu biết rằng giá vật liệu nếu đưa được vào tận bờ sông của bản bao giờ cũng phải gấp đôi bình thường.

Ngôi trường tiểu học dành cho trẻ em dân tộc Đan Lai chìm nghỉm giữa màn mưa giăng. Còn khu nhà nội trú của các thầy cô dột lỗ chỗ, điện đèn cù chỉ đủ sáng duy nhất một bóng. Cứ người này soạn bài thì người kia phải ngồi uống nước. Bên ấm chè xanh, nhóm giáo viên cắm bản ở Co Phạt kể cho chúng tôi về hành trình đưa cái chữ vào với tộc người Đan Lai.  

Thầy Chất, người có thâm niên nhất ở Co Phạt kể rằng. Chỉ mấy mấy năm trước khi nhận nhiệm vụ vào Khe Khặng dạy học, thầy phải dậy từ sáng tinh mơ, đi bộ ròng rã một ngày đường mới đến nơi. Đón thầy là những đứa trẻ thơ nhỏ thó, đen đúa cùng với ánh mắt trong vắt và những cái nhìn lạ lẫm. Đêm đầu tiên ở bản, ngồi nhìn mưa rơi, trường lớp lợp bằng cọ xiêu vẹo thầy chảy cả nước mắt. Chưa hết, người Đan Lai ở đây khi nghe thầy đến thuyết phục để cho học sinh đến trường đều hỏi: “Cái chữ có đổi được cơm không? Ta cho các con đi học thì có được gạo không? Hắn đi học thì lấy ai lên rừng bẻ măng, xuống suối bắt cá?”. Suốt thời gian sau đó là những chặng hành trình kéo học sinh đến lớp. Lớp học chỉ lèo tèo dăm ba em, học sinh thích thì đi học, không thích thì bỏ. Nhiều hôm, thầy lại phải lặn lội đi “năn nỉ” các em đến trường.  

Luân phiên nhau cứ một tuần các thầy cô lại phải cử người vượt sông ra xã mang gạo, thức ăn vào bản. Gặp những đợt mưa lớn, sông Giăng lồng lộn cả tháng trời cũng là chừng ấy thời gian các cô thầy phải vào bản xin bà con củ khoai củ sắn ăn qua bữa. "Mãi thành quen, ra xã bây giờ không sợ nguy hiểm từ dòng sông mà chỉ sợ không có tiền. Lương giáo viên ba cọc ba đồng, mỗi lần ra vào cũng mất đứt hơn 100 ngàn tiền thuê thuyền", cô giáo Vi Thị Mậu phàn nàn. Ngày cuối tuần, một chiếc thuyền máy cỏn con chở các giáo viên cắm bản xuôi dòng. Họ lại về lấy gạo. Nhìn con thuyền chôm qua các dòng thác dữ tôi thót tim, thầy Chất trấn an: "Không sao đâu, các giáo viên xác định vào đây dạy đều phải học bơi cả". (Còn nữa)

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.