| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng 'Hệ điều hành mới'

Thứ Ba 21/01/2020 , 13:15 (GMT+7)

Một cuộc đối thoại của Thủ tướng với đại diện nông dân không thể làm được nhiều điều, quan trọng là sự vận hành chính sách, điều hành bộ máy để biến những vấn đề được đối thoại thành thực tiễn sinh động.

23-46-43_nh_4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng nông sản tiêu biểu trưng bày bên lề cuộc đối thoại với đại diện nông dân cả nước.

Cuối năm 2019, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại với đại diện nông dân cả nước. Cuộc đối thoại lần thứ 2 trong vòng 2 năm qua, không chỉ tạo ra một diễn đàn, xác lập kênh thông tin trực tiếp mà còn gợi mở nhiều vấn đề mới trước thách thức ngày càng gay gắt và yêu cầu nông nghiệp đổi mới, nông dân sáng tạo, phát triển bền vững.
 

“Nốt trầm” nông nghiệp xen trong bứt phá

Tổng kết năm 2019, nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội của cả nước được đánh giá “tạo bứt phá”: Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao nhất trong nhiều năm qua, đưa nước ta vào nhóm nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế đạt hơn 266 tỉ USD, thu nhập bình quân đạt gần 2.800 USD/người. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt 500 tỉ USD, tăng hơn 8% so năm 2018, xuất siêu gần 10 tỉ USD.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Trong khi kim ngạch xuất khẩu chung đạt hơn 263 tỷ USD, tăng 8,1%, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu tăng trưởng khá, thì nhiều mặt mặt hàng nông, thủy sản chủ lực dù tăng lượng xuất, nhưng giảm giá trị. Trong đó, cà phê giảm 21,2%, gạo giảm 9,9%, thủy sản giảm 2,4%, hạt tiêu giảm 4,9%, hạt điều giảm 2,6%... Nhiều gia đình nông dân còn thu nhập thấp, lúng túng trong chuyển đổi và thích ứng với thị trường cạnh tranh nhiều biến động.

Cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, nhiều nông dân đã chuyển tải những bức xúc, khúc mắc từ đồng ruộng, thương trường, các rào cản, điểm nghẽn liên kết 6 nhà, chuỗi giá trị nông sản được nhận diện, đề cập nhiều năm qua, nhưng các cuộc “giải cứu” lúa gạo, mía đường, khoai lang, nhiều cây trồng, vật nuôi chưa được khai thác nhiều giá trị kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng và lợi nhuận kinh doanh nông nghiệp.

Theo thống kê đến nay chỉ có 8% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung. Mặc dù có một vài khởi sắc gần đây, nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp cũng chỉ chiếm vài phần trăm. Lượng ít, qui mô đầu tư nhỏ lẻ, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 92%, khó có khả chi phối chuỗi giá trị ngành hàng.

Mặc dù có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, dư địa đầu tư vào ngành nông nghiệp còn rất lớn, nhưng nguồn lực hạn chế, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, doanh nghiệp nông thôn nhỏ bé, kết nối cung - cầu nông sản bất cập.

Đầu vào sản xuất của ngành nông nghiệp với giống, vật tư phân bón và đầu ra tiêu thụ nông sản còn nhiều lệ thuộc chuỗi cung ứng từ bên ngoài. Hàng chục ngàn tấn phân thuốc nhập khẩu ngành nông nghiệp tiêu dùng hàng năm và tình trạng cần giải cứu nông sản khi tắc đầu ra vẫn còn lặp đi lặp lại.

Nhiều thủ tục liên quan đất đai, xây dựng, môi trường vẫn còn là những điểm vướng, làm mất nhiều thời gian, dẫn đến triển khai dự án chậm, mất cơ hội, nguồn lực của doanh nghiệp.

DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được hưởng ưu đãi về sử dụng đất đai, thuế nhưng thực tế còn chậm đi vào cuộc sống. Các DN đầu tư vào nông nghiệp đã và đang đối mặt với không ít khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.

Thậm chí ngay cả khi có nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại, DN cũng không thể thế chấp để vay vốn, chính sách ưu đãi về vay vốn đặt ra còn khá mơ hồ, chung chung.
 

“Kinh doanh nông nghiệp” và hành động tương thích

Đã đến lúc ngành nông nghiệp nước ta cần vượt qua dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống để bước sang kinh tế tri thức, tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu. Cần sự tiếp cận và giải quyết tổng thể, đa ngành, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp trong bước chuyển đổi không chỉ đơn thuần là một ngành sản xuất vật chất, mà nó cần được nhìn nhận là một ngành kinh doanh nông nghiệp khi Việt Nam trở thành một trung tâm cung ứng trong mạng lưới nông sản toàn cầu. Thị trường không chỉ là nơi tiêu thụ hàng hóa mà nhu cầu của thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất nông nghiệp.

23-46-43_nh_5
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng nông sản tiêu biểu trưng bày bên lề cuộc đối thoại với đại diện nông dân cả nước.

Tư duy về lợi thế nông nghiệp của nước ta trong hội nhập, cạnh tranh cần được thể hiện trong một chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo ra sức cạnh tranh hơn là quanh quẩn trong địa giới hành chính tỉnh, huyện như vừa qua.

“Chiếc bánh nông sản” với những lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản của Việt Nam cần được “chế biến” thành những “chiếc bánh” ngon hơn, bán giá cao hơn, lãi hợp lý hơn cho những người làm ra nó. Đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp với vai trò của doanh nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và cơ chế, chính sách tương thích chính là “hệ điều hành mới”.

Các nhà hoạch định chính sách, quản lý phát huy vai trò của mình trong việc đáp ứng sự mong đợi của nông dân, chuyển dần từ vai trò “giúp nông dân” sang vai trò là đối tác thúc đẩy, tạo thuận lợi, hỗ trợ hành chính và tài chính, bổ sung những gì còn thiếu trong việc giúp nông dân tiếp cận các kiến thức, kỹ năng, thái độ liên quan đến sản xuất và tham gia thị trường.

Chuyển từ quản lý sang bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo chính là hành động mới cho ngành nông nghiệp. Đất nước đang cần một lớp nông dân đổi mới, tự cứu mình hơn là sự trông chờ các cuộc “giải cứu”.

Yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn không chỉ đòi hỏi phải tăng cường thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực, địa bàn này mà cần tạo ra “sự chuyển đổi lớn” của ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương.

Tích tụ đất đai, đầu tư khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp gắn với thị trường bằng tư duy kinh doanh nông nghiệp là 4 vấn đề then chốt, “điểm tựa” cho phát triển và cũng là trục xương sống trong chiến lược phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp ĐBSCL.

Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp không thể là những khuyến khích chung chung, mà cần đầu tư dài hạn, khơi nguồn sáng tạo và tạo ra không gian, lĩnh vực đầu tư thật sự hấp dẫn bằng các cơ chế, chính sách thiết thực, quy định pháp lý rõ ràng. Các chính sách cho nông nghiệp nông thôn cần tiến hành theo chuỗi mà DN chính là trung tâm liên kết của chuỗi đó, chúng ràng buộc được với nhau, hỗ trợ cho nhau.

Động lực của Đổi Mới trước đây từ các chính sách đất đai, phát huy vai trò kinh tế nông hộ đã đem lại nhiều thành công. Nhưng đến nay, nó đang dần mất đi động lực khi nông hộ, nền nông nghiệp nhỏ lẻ đang đứng trước thách thức mới, thiếu kết nối sản xuất - thị trường, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu kém của hàng nông sản. Nông nghiệp hiện nay không thể thiếu DN.

Thiếu vắng DN là thiệt thòi cho khu vực nông thôn và ngành nông nghiệp. DN phải đóng vai trò động lực để phát triển. Doanh nghiệp phải ở vị trí trung tâm với vai trò chủ thể quan trọng. Nhà nước bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo.

Nông dân cần được giải phóng bằng kiến thức của nhà kinh doanh. Họ phải được đào tạo nghề, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực; mở rộng các ngành nghề phi nông nghiệp. Đó là cách thức giúp nông dân không chỉ đứng vững trên đồng ruộng, mà còn có thể làm giàu từ làng quê của mình.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.