| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng Trường Sa

Thứ Bảy 01/05/2010 , 08:30 (GMT+7)

Đoàn công tác Trường Sa đã có 12 ngày khảo sát, đánh giá nhằm đề xuất, kiến nghị những giải pháp mang tính đột phá, mà trọng tâm là bảo vệ, khai thác, đánh bắt và chế biến hải sản tại Trường Sa. Chuyến đi của chúng tôi mang một kỳ vọng lớn: Trường Sa sẽ nhanh chóng lớn mạnh, đưa Việt Nam trở thành nước giàu mạnh từ biển.

Đoàn công tác Trường Sa do Bộ Quốc phòng chủ trì gồm nhiều Bộ, ngành TƯ đã có 12 ngày khảo sát, đánh giá nhằm đề xuất, kiến nghị những giải pháp mang tính đột phá, mà trọng tâm là bảo vệ, khai thác, đánh bắt và chế biến hải sản tại Trường Sa. Chuyến đi của chúng tôi mang một kỳ vọng lớn: Trường Sa sẽ nhanh chóng lớn mạnh, đưa Việt Nam trở thành nước giàu mạnh từ biển.

>> Cần coi Trường Sa như một đặc khu kinh tế
>> ''Cần có ngay quy hoạch phát triển kinh tế khu vực quần đảo Trường Sa''

Mong nhìn thấy con tàu treo cờ Việt Nam

Trong chuyến hải trình dài 12 ngày đêm, vượt qua trên 1.000 hải lý, đặt chân lên 5 đảo nổi, 5 đảo chìm và 3 nhà giàn, điều đọng lại lớn nhất trong gần 200 thành viên các Bộ, ngành TƯ đi trên con tàu HQ 996 là quần đảo Trường Sa quá đỗi thiêng liêng. Đặc biệt tầm vóc của Trường Sa đang ngày một lớn lên. Nhưng đáng nói ở chỗ, tiềm năng rất quý giá của vùng biển đảo này lại gần như chưa được khai thác.

Trong những ngày đầu của chuyến hải trình, chúng tôi chỉ thấy biển mênh mông. Trời cao, biển xanh- càng nhìn càng dài, càng rộng. Đẹp quá nhưng vẫn như thiếu một cái gì.  Không nói ra nhưng mỗi chúng tôi ai cũng ao ước được nhìn thấy một con tàu đánh cá mang cờ đỏ sao vàng của ngư dân, nhưng cơ hội ấy hiếm hoi quá. Hai bên hành lang boong tàu như mòn đi bởi những bước chân ngóng đợi. Bởi thế, cho đến ngày thứ ba, trên hải trình từ đảo Song Tử Tây đến đảo Sơn Ca, giọng một ai đó gần như rú lên từ mũi tàu: “Tàu đánh cá, tàu đánh cá các bác ơi”.

Không ai bảo ai mọi người chen lấn nhào lên boong, nhìn về chiếc tàu đánh cá mang quốc tịch Việt Nam nhỏ bé đang vật lộn với sóng lớn, mà nhủ thầm: “Biển Trường Sa đâu phải không có hoạt động kinh tế. Nhưng sao nhỏ nhoi, mong manh thế”? Và, trong cả chuyến khảo sát đánh giá về vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, đó chính là những nốt nhạc vui nhất về vùng biển xa nhất của Tổ quốc. 

Trạm cấp xăng dầu tại Đội hậu cần nghề cá nhân dân đảo Song Tử Tây

Theo báo cáo của các đảo, trung bình hàng năm, mỗi đảo quan sát được hàng trăm lượt tàu thuyền của ngư dân ra đánh bắt hải sản chủ yếu là cá ngừ, hải sâm, mực, cá bò tại khu vực quần đảo Trường Sa. Nhưng các anh cũng quan sát được rất nhiều lượt tàu thuyền của nước ngoài đến đánh bắt cá ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta. “Ngư dân ra đánh bắt, thiếu nước ngọt đảo có thể cấp, hỏng hóc nhỏ có thể neo đậu sửa chữa, gặp tai nạn sẽ được cứu giúp. Nhưng thành thật mà nói rất nhiều nhu cầu khác của ngư dân, bộ đội vẫn chưa thể đáp ứng được. Có lẽ vì thế mà nhiều ngư dân chưa mạnh dạn ra đánh bắt tại Trường Sa. Số lượng tàu nhìn chung rất ít”- đảo trưởng đảo Nam Yết Bùi Hải Quốc cho biết.

Sau rất nhiều lần ra khảo sát khu vực Trường Sa, Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Uỷ viên BCHTƯ Đảng- Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN khẳng định: “Đây là một vùng biển hoang sơ, tiềm năng thế nào, ngư trường ra sao chưa hề được đánh giá và có thể nói là gần như chưa được khai thác”. 

Hình thành dịch vụ hậu cần nghề cá

Đến đảo Song Tử Tây - đảo đầu tiên trong chuyến hải trình chúng tôi được chuyển sang tàu câu cá ngừ đại dương của Quân chủng Hải quân. Chiếc tàu lướt nhẹ qua rạng san hô dài bao quanh đảo, tiến thẳng vào cầu cảng nằm trong âu tàu tránh bão. Anh Nguyễn Hùng Bình, đội trưởng Đội dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân đảo Song Tử Tây cho biết: “Dù bãi san hô rất rộng, nhưng đường vào âu tàu lại dễ dàng ngay cả thời điểm nước thuỷ triều xuống thấp nhất. Âu tàu có thể chứa được 80 tàu cá từ 400CV trở xuống vào tránh bão. Năm 2009, dù mới được đưa vào sử dụng mấy tháng, nhưng đã có gần 100 chiếc tàu vào tránh bão, 20 lượt chiếc vào lấy xăng dầu, 17 lượt vào sửa chữa".

Thông tin của anh Hùng làm cả đoàn ai cũng yên lòng. Điều đó cho thấy Trường Sa đủ sức che chở cho ngư dân trong những cơn bão tố, những biến động của vùng biển dữ dằn này.

Ngoài cung cấp các dịch vụ hậu cần như xăng dầu, nước ngọt, sửa chữa tàu, khám chữa bệnh cho ngư dân, Đội dịch vụ hậu cần còn có 4 tàu câu cá ngừ, 4 chiếc khai thác các loại hải sản khác, hoạt động theo hình thức nhà nước bù lỗ phần lớn. Điều này, một mặt khẳng định và bảo vệ chủ quyền, mặt khác làm bệ đỡ cho ngư dân ra đánh bắt, khai thác hải sản. Mà cá ở Trường Sa nhiều thật, ngay trong đêm chúng tôi ngủ trên đảo Song Tử Tây, Đội dịch vụ hậu cần đã câu được hàng tạ cá ngừ. 

Tàu câu cá ngừ đại dương tại vùng biển thuộc khu vực đảo Nam Yết

Xuôi về phía Nam hàng trăm hải lý là đảo Đá Tây, chúng tôi bắt gặp không khí nhộn nhịp giữa biển Đông mênh mông bởi sự đi lại tấp nập của tàu thuyền đánh cá, tiếng của ngư dân đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, tiếng kêu rít của máy cưa, máy tiện đang sửa chữa tàu…Đó là là Khu dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Bộ NN-PTNT. Mỗi chúng tôi, ai cũng muốn được xuống xuồng để lên Khu dịch vụ hậu cần trước. Cùng với Đội dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân ở đảo Song Tử Tây, Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã cung ứng các dịch vụ hậu cần thiết yếu, cần kíp nhất cho ngư dân, là điều kiện để thu hút ngư dân ra đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Ông Lương Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty TNHH Dịch vụ MTV Khai thác hải sản Biển Đông, TCty Hải sản Biển Đông (Bộ NN-PTNT) cho biết: Cty đang tổ chức các dịch vụ công ích như bán xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền với giá rẻ cho ngư dân; cung cấp đá, nước ngọt, cứu chữa ngư dân gặp nạn; tổ chức thu mua cá…Năm 2009 đã có trên 300 lượt tàu thuyền của ngư vào Khu hậu cần. Để thu hút tàu, Cty cử nhân viên trong bờ xuống từng tàu đánh cá của ngư dân quảng bá, giới thiệu. Tới đây, Cty sẽ tổ chức sản xuất đá, xây dựng kho lạnh và sơ chế hải sản để đáp ứng nhu cầu của bà con đi biển.

Ở đảo Đá Tây có một vùng biển được bao bọc bởi các rạng san hô cao, sóng tương đối lặng, vì vậy đây được coi là khu vực “lòng hồ”. Vào mùa mưa bão, tàu thuyền đánh cá vẫn vào đâu neo đậu để tránh bão.

Ngoài làm nơi tránh trú bão, “lòng hồ” có thể nuôi trồng thuỷ, hải sản. Nếu được đầu tư lớn, “lòng hồ” sẽ trở thành khu hậu cần nghề cá lớn cho khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa”. (Anh Lê Văn Lâm, Trạm trưởng Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây)

Ngoài cung cấp dịch vụ hậu cần, đảo Đá Tây đã tiến hành nuôi nhiều loại thuỷ, hải sản và hiện đã nuôi thành công cá chim trắng. Vào thời điểm chúng tôi có mặt đang có 8 lồng cá chim trắng, mỗi lồng có 100 con với trọng lượng khoảng 2kg/con, mở ra tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thuỷ hải sản tại Trường Sa. 

Bắt đầu từ cơ sở hạ tầng

Hầu hết lãnh đạo các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều kêu gọi Chính phủ tạo điều kiện bằng chính sách, cơ chế, bằng đầu tư để ngư dân ra với Trường Sa. Và chỉ khi ngư dân thường xuyên ra Trường Sa thì quần đảo thiêng liêng và giàu tôm cá này mới về gần đất liền hơn. Đại diện một số Bộ, ngành TƯ như các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ LĐ-TBXH, các tập đoàn kinh tế…đi khảo sát Trường Sa cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải dùng “quả đấm thép” đầu tư cơ sở hạ tầng cho Trường Sa.

Hai khu vực dịch vụ hậu cần hiện có là hướng đi đúng, là manh nha của kinh tế biển dù những dịch vụ công ích phục vụ ngư dân hiện nay vẫn chưa được hỗ trợ một cách tối đa, đủ để người dân hạch toán có lãi khi ra khu vực Trường Sa quá cách xa bờ khai thác hải sản.

Nói đâu xa ngay đội tàu câu cá ngừ của Quân chủng Hải quân hiện được cấp bù 50-70% kinh phí, hoạt động vẫn còn khó khăn. Trong khi đó, TCty Hải sản Biển Đông có hẳn một đội tàu đánh cá ngừ hiện đại bậc nhất châu Á và tổ chức những đội quân đánh bắt thiện chiến ở khu vực quần đảo Trường Sa mà vẫn lỗ nặng. Đáng buồn là hiện đội tàu hiện đại này đang “đắp chiếu” trong bờ.

+ Nên đưa Trường Sa vào cơ chế đầu tư đặc thù, từ đó Trường Sa mới mạnh được. Trường Sa đã được đầu tư nhưng còn nhỏ, lại phân tán. Trong khi đó, kinh tế hiện chủ yếu vẫn là quốc phòng, cần phải dân sự hoá, đẩy kinh tế dân sự mạnh lên là khẳng định vững trãi chủ quyền, là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Trường Sa. (Ông Đào Hồng Đức, Cục phó Cục Khai thác – BVNLTS, Tổng cục Thuỷ sản, Bộ NN-PTNT) 

+ Phát triển vùng biển đảo là một hướng quan trọng trong chiến lược xây dựng XHCN. Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta một một nước mạnh về biển, làm giàu từ biển, góp phần CNH, HĐH đất nước. Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển biển đảo là một. (Thượng tướng Bùi Văn Huấn)

Ông Lương Quốc Vinh cho rằng, cái khó nhất của các đội tàu ra đánh bắt hải sản ở khu vực quần đảo Trường Sa là không rõ nguồn hải sản như thế nào, ngư trường nào có nhiều loại cá nào. Cái thứ hai là quá xa đất liền nên chi phí đội lên rất lớn. Cty đã phải kết hợp với cả việc tổ chức thu mua cá của người dân ở quần đảo Trường Sa nhưng cũng không bù lỗ được. Ra Trường Sa là lỗ. Thực tế đó, nếu nhà nước không có chính sách tốt, không thể hút ngư dân ra Trường Sa đánh bắt.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hùng Bình, Đội trưởng đội hậu cần nghề cá nhân dân đảo Song Tử Tây cho rằng, nếu được nhà nước đầu tư mạnh mẽ xây dựng các khu vực hậu cần, vùng biển Đông thuộc quần đảo Trường Sa sẽ cực kỳ sôi động.

Thượng tướng Bùi Văn Huấn cho rằng, vấn đề phát triển kinh tế ở khu vực quần đảo Trường Sa cần làm ngay, đoàn khảo sản gồm nhiều bộ ngành TƯ lần này sẽ cố gắng đề xuất những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo Thượng tướng, để thu hút ngư dân ra Trường Sa phải đảm bảo hai điều kiện: Một là an toàn, hai là có lãi. Mà trước tiên phải giới thiệu cho họ ngư trường, Chính phủ mà cụ thể là Bộ NN-PTNT phải đánh giá cho được ngư trường này. Khi đã xác định được ngư trường rồi thì phải cung cấp các dịch vụ hậu cần cho ngư dân, đồng thời đảm bảo đầu ra, tiêu thụ, chế biến thuận lợi. Cái này, nhà nước phải đầu tư. Cơ sở hạ tầng tốt, dân sẽ ra, biển sẽ mạnh, môi trường ổn định, sôi động, kinh tế sẽ phát triển.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất