| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 14/04/2011 , 09:39 (GMT+7)

09:39 - 14/04/2011

Lạ chưa?

Chưa bao giờ giá lợn hơi và giá cá tra cao như hiện nay. Người chăn nuôi lợn và người nuôi trồng thủy sản chắc không có mong ước gì hơn. Theo quy luật lợi nhuận, giá cao chắc chắn nông dân đổ xô vào nuôi, điều đó không có gì phải nghi ngờ. Thế nhưng trên thực tế, chưa bao giờ người nuôi lợn ngán ngẩm con lợn, người nuôi cá tra ngoảnh mặt với con cá mà họ đã gắn bó bấy lâu như chính lúc này.

Bằng chứng là giá lợn đang lên cao vót, dự báo sẽ thiếu thịt lợn trầm trọng nhất là trong tháng 4, còn các NM cá tra thì đi mua gom từ vài tạ cá về chế biến nhưng người nuôi lợn vẫn tiếp tục giảm đàn, người nuôi cá tra vẫn hờ hững không thả giống, thậm chí gọi khách bán ao, san lấp ao cá làm vườn cây ăn trái.

Giá nông sản lên, dân được lợi. Cái quy luật đơn giản ấy giờ đây đang thay đổi. Có khi giá lên mà dân không còn nông sản để bán, lợi nhuận khi đó rơi tuốt tuột vào tay tư thương. Đó là tình cảnh người trồng cà phê cách đây chưa lâu. Với con lợn, con cá tra giá lên nông dân cũng chỉ đứng ngoài nhìn với ánh mắt cảnh giác. Có hai lý do- thứ nhất nay giá lên mai giá xuống là chuyện thường nếu cứ đuổi theo giá mà lao vào đầu tư thì có ngày trắng tay nên người nông dân đã cảnh giác hơn, thứ hai- nguyên nhân sâu xa hơn, lâu nay từng bị quăng quật nhiều lần bởi giá thức ăn chăn nuôi (tăng tới 22 lần trong mấy tháng), rồi giá cá tra làm ra cao hơn giá bán nên nông dân đã trở nên…kiệt quệ, không còn nguồn lực để tái đầu tư.

Đây là hồi chuông cảnh báo các nhà quản lý, những người xây dựng cơ chế chính sách cho ngành chăn nuôi, ngành thủy sản. Một khi người nông dân đã dốc hết nguồn lực, công sức để đầu tư vào sản xuất một mặt hàng mà họ cứ tiếp tục thua lỗ hoài, thì cuối cùng họ sẽ gục ngã. Khi hàng chục triệu hộ nuôi lợn, nuôi cá tra thất bát, cùng đường họ sẽ phải chuyển nghề thì không nguồn lực nào của Nhà nước có thể hỗ trợ đủ, và hậu quả kinh tế cũng như xã hội để lại là không hề nhỏ- đất nước sẽ phải nhập khẩu thực phẩm trong lúc đang nhập siêu, thất nghiệp nông thôn sẽ dâng cao. Kéo theo đó là hàng loạt doanh nghiệp sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu sẽ trì trệ, thậm chí phá sản.

Việt Nam hiện có đàn lợn đứng thứ tư thế giới, con cá tra là sản phẩm riêng biệt, độc đáo chỉ riêng nước ta có. Nói cách khác đây lẽ ra phải là những nông sản chúng ta có thế mạnh cạnh tranh, điều khiển được thị trường. Thế mà ngược lại. Nông dân là những người hàng ngày sản xuất ra những mặt hàng này- họ tạo ra đầu vào cho một chu trình mà một khi họ không còn “sống” được nhờ chu trình ấy thì đó là một tín hiệu rất xấu. Lỗi này thuộc về ai?

Theo nhiều chủ trang trại chăn nuôi lớn, việc đầu tiên Nhà nước có thể làm ngay để cứu người nuôi lợn lúc này là hạn chế nhập khẩu thịt, đặc biệt cấm tiệt nhập nội tạng. Bước tiếp theo là ngành thú y phải bỏ ngay tư tưởng kiểm soát dịch bệnh theo kiểu “tìm và diệt” mà cần xác định sống chung đồng thời với kiểm soát dịch bệnh. Ngành chăn nuôi không thể phát triển nếu cứ kéo dài điệp khúc tiêu hủy, nhất là ở một nước năng suất sản xuất còn thấp như Việt Nam làm ra chưa đủ dùng mà tiêu hủy tràn lan. Ngay cả Mỹ- một quốc gia nuôi lợn kỳ cựu thì dịch tai xanh vẫn tồn tại trong môi trường chăn nuôi, vấn đề là hệ thống thú y Mỹ biết kiểm soát để virus tai xanh không bùng phát thành dịch lớn, khác hẳn thú y Việt Nam. 

Đứng thứ tư thế giới về đầu lợn (sau Trung Quốc, Mỹ, Braxin) và thứ sáu về sản lượng thịt lợn, thế mà giờ đây Việt Nam lại có nguy cơ thiếu thịt lợn. Điều tưởng như phi lý ấy lại đang dần hiện diện. Và điều quan trọng lúc này là chúng ta phải làm biến mất sự phi lý đó. Muốn vậy trước hết người nuôi heo phải sống được bằng con lợn, giàu lên từ nó chứ không thể bị con lợn làm cho kiệt quệ, lỗ lên lỗ xuống như hiện nay.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm