| Hotline: 0983.970.780

Lạ lùng Tà Rùng

Thứ Ba 19/01/2010 , 11:09 (GMT+7)

66 hộ dân trong tổng số 98 hộ ở thôn Tà Rùng (xã Húc, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) bỗng dưng “lên đời” nhờ tiền đền bù khi xây dựng thuỷ điện Khe Dong. Nghèo đói quanh năm, giờ cầm trong tay cả cục tiền, người dân không biết dùng vào đâu nên đổ xô đi mua xe máy.

66 hộ dân trong tổng số 98 hộ ở thôn Tà Rùng (xã Húc, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) bỗng dưng “lên đời” nhờ tiền đền bù khi xây dựng thuỷ điện Khe Dong. Nghèo đói quanh năm, giờ cầm trong tay cả cục tiền, người dân không biết dùng vào đâu nên đổ xô đi mua xe máy.

Sống bằng trợ cấp vẫn tậu xe xịn

Thôn Tà Rùng nằm sâu dưới thung lũng bên tỉnh lộ 14B. Trời rét căm căm, bên con dốc dựng đứng nhức cả mắt người, những ngôi nhà ở Tà Rùng xập xệ thu mình trong sương sớm. Từ hơn 2 tháng nay, những ngôi nhà sàn heo hút bên vách núi nhộn nhịp hẳn. Tiếng cười nói, chúc tụng, tiếng xe máy bóp còi inh ỏi…

Bản Tà Rùng nhìn từ trên cao

Dẫn chúng tôi vào thôn, anh Hồ Văn Việt, Trưởng thôn Tà Rùng nói vui: “Bây giờ người ta không gọi là thôn Tà Rùng nữa mà gọi là thôn… xe máy. Bởi thôn có 98 hộ, trong đó có 66 hộ được đền bù, nhà ít nhất thì 20-30 triệu đồng, nhà nhiều thì 400 - 500 triệu đồng, tất thảy đều mang tiền đi mua xe máy về chạy. Có nhà có 2 đến 3 chiếc. Không nơi mô lạ lùng như thôn Tà Rùng ni”.

Nói đoạn, anh Việt dẫn chúng tôi vào sâu trong bản. Trước đây, thôn Tà Rùng hộ nghèo chiếm đa số. Người dân đói đứt bữa, quanh năm chỉ trong chờ vào vụ lúa rẫy, lúa nước thì làm bữa có bữa không. Người dân chưa từng mơ đến trong tay có được bạc trăm chứ đừng nói bạc triệu, bởi họ đã quen với lối sống tự cung tự cấp. Nay, cầm cả cục tiền, dân bản không biết làm gì, xoay sang mua xe máy về… ngắm chơi.

Vào một ngôi nhà sàn rách nát cuối thôn, anh Việt chỉ tay về hướng chiếc xe Jupiter Mx và chiếc Dream Trung Quốc của ông Pả Dương (60 tuổi) nói: “Đó, hai chiếc xe máy của nó mới mua hồi đầu tháng trước, về con trai nó tập chạy ngã nên bể hết rồi. Bực quá, nó dắt cả hai chiếc vào trong nhà cất khoá cả tuần nay”. Như phân trần, Pả Dương cho hay: “Thấy bản miềng ai cũng mua xe máy cả nên miềng cũng ra huyện tậu một lần hai chiếc về đi cho tiện. Miềng tưởng dễ chạy ai ngờ dắt thì nặng, chạy thì đường bản gồ ghề dễ ngã, thà đi bộ còn sướng hơn”. 

Dù đói ăn, dân bản Tà Rùng vẫn sắm xe máy về chạy

Nhà ông Pả Dương thuộc diện nghèo nhất thôn. Căn nhà sàn làm từ năm 1995 đến nay đã rệu rạo. Trong nhà có 9 miệng ăn, được mấy sào lúa rẫy không đủ đắp đổi qua ngày. Ấy thế mà khi nhận 100 triệu đồng tiền đền bù để xây dựng thuỷ điện, anh dắt thằng con trai ra huyện “xách” 2 chiếc xe một lần với giá 36 triệu đồng.

Không như nhà Pa Dương, hôm chúng tôi đến nhà anh Pả Lúa (35 tuổi) cũng là lúc anh dắt chiếc Ware Rs (giá 17 triệu đồng) của mình ra giữa sân lau chùi bụi. Cả tháng nay không có tiền xăng chạy nên anh đành vứt xó xe ở nhà. Pả Lúa nói như tiếc rẻ: “Bây giờ tiền xăng đắt lắm, một lít 17 nghìn lận (xăng lẻ). Nửa tháng nay tui đi phụ hồ, mong cuối tháng được vài trăm về có tiền xăng mà đi. Cứ ra đầu bản mua chịu nửa lít hoài ngại lắm".

Hộ anh Pả Lúa thuộc diện nghèo đói trong bản. Hai vợ chồng cưới nhau đã hơn 10 năm mà trong nhà không có gì giá trị ngoài chiếc xe máy mới mua. Đứa con út cứ đau ốm liên miên, hôm vừa rồi, thằng con cả của Pả Lúa uống rượu về mang xe ra chạy với đám trai bản, ngã, sửa hết 500 nghìn đồng.

Đứa con trai út của Pả Lúa đau ốm liên miên, anh vẫn dành tiền tậu xe mới để đi (trong ảnh: Chiếc xe mới mua chưa kịp gắn biển số của anh Pả Lúa)

Đi hết một vòng quanh “bản xe máy,” trưởng thôn Việt buồn buồn: “Dân bản miềng cứ có đồng nào là tiêu hết”.

"Rồi sẽ đói cả thôi"

Vào bản Tà Rùng tôi đặt câu hỏi: Sao dân bản mình xài sang thế? Ông Hồ Văn Đục, Chủ tịch UBND xã Húc, bảo: “Nghèo hết, 98 hộ dân đều sống dựa vào nương rẫy chứ tiền mô mà mua xe máy như mua đồ chơi trẻ con thế. Có hộ còn sống nhờ vào tiền trợ cấp gạo của Nhà nước nữa đó. Sau khi thuỷ điện giải toả mặt bằng, toàn thôn Tà Rùng chỉ còn 8 ha lúa rẫy, cứ ăn tiêu như thế này nữa năm sau đói cả thôi”.

Trái với lo lắng của ông chủ tịch, người dân lại tỏ ra rất bình thản. “Tiền cử (tôi) có thì cử mua, mắc mớ chi ai mà cản”- một người dân Tà Rùng quả quyết.

Từ đầu bản đến cuối thôn, trong những căn nhà sàn ọp ẹp, lớp trai bản đua đòi mang xe máy chạy ầm ầm, tổ chức nhậu nhẹt liên miên. Hôm chúng tôi đến, thanh niên bản vắng cả, tưởng họ lên rẫy đi làm ngờ đâu đang tụ tập nhậu trong nhà sàn. Dưới chân cầu thang, hàng chục xe máy mới toanh để ngổn ngang. 

Xe của trai bản Tà Rùng tụ tập ăn nhậu bỏ đầy rẫy dưới chân nhà sàn

Vào nhà ông Pả Ưng cuối bản. Tưởng đâu tôi là tìm đến mua xe, ông niềm nở đón. Khi biết không phải là người tìm mua xe cũ, ông xịu mặt: “Thấy ngoài huyện họ chạy xe tay ga, thằng con trai cũng đòi mua một chiếc. Thương con, 80 triệu đền bù thuỷ điện cầm chưa ấm cái tay tui ra huyện mua luôn chiếc Attila Victora. Ài dè, chiếc xe ni ăn xăng khiếp lắm. Ra đầu bản đổ lít xăng chạy vài vòng quanh bản là hết".

Hôm Pả Ưng mang chiếc xe kềnh càng về dựng trước sân nhà, cả bản chạy đến xem ai cũng xuýt xoa khen xe đẹp. Ấy thế mà mới chỉ mua hơn một tháng chiếc Attila của ông Pả Ưng trông thảm hại lắm! Đi xe không quen, ngã liên miên khiến nhiều bộ phận xe nát bét. Tiền xăng cũng không đủ cho nó ngốn, Pả Ưng đành dắt xe cất sau bếp, ra huyện tìm người bán lại nhưng vẫn chưa có ai mua. 

“Sắp tới chúng tôi sẽ quán triệt không cho dân bản mua xe máy nữa, nếu mua xe máy thì phải có bằng lái. Trước mắt, trong dịp Tết sắp đến, sẽ họp các trưởng bản, vận động bà con hạn chế đi xe. Lực lượng công an xã sẽ tăng cường tuần tra, xử phạt nhất là đối với thanh niên uống rượu say, phóng nhanh vượt ẩu” - Ông Hồ Văn Đục, Chủ tịch UBND xã Húc cho biết.

Anh Hồ Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Húc bức xúc: “Vận động mãi mà bà con cũng không nghe. Từ ngày có tiền trong tay, tình hình an ninh trật tự trong thôn Tà Rùng diễn biến phúc tạp hơn”. 

Hầu hết trai bản đều chưa có giấy phép lái xe. Anh Trung kể, mới đây, xã tổ chức họp dân bản Tà Rùng để phổ biến luật an toàn giao thông: “Ai chưa có giấy phép  lái xe thì không được mua xe máy. Nếu mua về bản sẽ bị phạt”. Dân bản bàn tán xôn xao, họ bảo rằng: “Thì phải mua xe máy về mới tập chạy, biết chạy rồi mới thi bằng chứ. Cả đời không chộ chiếc xe như răng (thế nào) thì lấy chi mà thi được cái bằng”. Anh Trung phân trần: “Kể ra họ cũng có cái lý lắm. Dân bản mình mấy đời nay chỉ biết nương rẫy, cái xe máy với họ lạ lẫm lắm. Thấy đẹp thì mua thôi, nên vận động mãi cũng như không”.

“Đất sản xuất không còn, sẵn tiền trong tay, không chịu đầu tư tái sản xuất mà nướng tiền vào những khoản chi tiêu vô bổ, không bao lâu dân bản Tà Rùng lại trở lại như ngày xưa với hạt ngô, hạt lúa trên rẫy, quanh năm cái đói rình rập”- già làng Hồ Ơn cảnh báo.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất