Quế là một trong những loại cây trồng chủ lực ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Các sản phẩm chính từ cây quế như vỏ, tinh dầu, đồ thủ công mỹ nghệ… là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhiều năm qua, mang lại thu nhập khá cho người dân.
Trong chuyến công tác tại xã Hưng Khánh dịp đầu năm 2025, chúng tôi khá bất ngờ khi được vị chủ tịch xã dẫn tới thăm 1 hợp tác xã (HTX) sơ chế lá quế để xuất khẩu sang Ấn Độ. Những chiếc lá, vốn chỉ là phụ phẩm của cây quế thường được người dân tận thu để nấu tinh dầu hoặc bỏ đi thì ở đây lại trở thành mặt hàng xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương.
Tách những chiếc lá quế ra khỏi cành tại xưởng sản xuất của HTX quế Hưng Khánh là công việc quen thuộc trong hơn 1 năm qua của bà Trần Thị Hanh và những người phụ nữ trong thôn Núi Vì. Công việc “nắng không tới mặt, mưa không tới đầu” mang lại thu nhập trung bình từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày cho họ và có thể làm quanh năm.
Bà Hanh chia sẻ, nhà bà có gần 1,5 ha quế, đây là loại cây trồng mang lại thu nhập chính của gia đình. Trước đây, quế chỉ thu hoạch 2 vụ trong năm, thời gian thu hoạch kéo dài 3-4 tháng. Cây quế thường thu hoạch phần vỏ, thân và cành to, còn phần cành nhỏ và lá nếu được giá thì tận thu bán cho các xưởng chưng cất tinh dầu, còn lại đa phần để mục nát hoặc đốt bỏ.
Từ khi HTX quế Hưng Khánh đi vào hoạt động đã tạo việc làm hàng ngày cho bà và nhiều lao động trong thôn. Đối với diện tích quế của gia đình có thể tỉa cành 4 mùa trong năm, sau đó tuốt lá bán cho HTX với giá trung bình 2 triệu đồng/tấn. Khi thu hoạch xong của gia đình bà lại tiếp tục đến làm công nhân thời vụ tại xưởng của HTX, công việc này không vất vả, đặc biệt còn giúp bà con tận thu tất cả các sản phẩm từ cây quế để nâng cao thu nhập.
HTX quế Hưng Khánh, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên được thành lập từ năm 2023 với hơn 20 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ sau thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ quế để bán ra thị trường trong và ngoài nước.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên, đại diện HTX quế Hưng Khánh, trung bình mỗi ngày tại HTX có từ 15-20 lao động, trong mùa thu hoạch có thể lên tới 40-50 người. HTX thu mua hết cành lá của người dân, sau đó sẽ thực hiện tách lá, phân loại, sấy khô để đóng bao. Trung bình mỗi tháng HTX xuất khẩu 30-40 tấn sản phẩm với giá 8 triệu đồng/tấn.
Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, quy trình sản xuất phải đảm bảo sạch, lá không lẫn cành, rác và sấy khô hoàn toàn để tránh ẩm mốc. Một điểm đáng chú ý trong quá trình sơ chế lá quế là HTX luôn chú trọng vào việc tận dụng tối đa tài nguyên, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Các phụ phẩm sau khi sơ chế đều được xử lý và tái sử dụng hợp lý. Đối với số lá quế không đảm bảo chất lượng sẽ được nghiền thành bột để bán tại thị trường trong nước, điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ông Trần Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết, sản phẩm phụ phẩm từ quế như cành, lá đã tạo ra thu nhập và việc làm quanh năm cho bà con nông dân, không chỉ trông chờ vào mùa vụ như trước đây. Từ đó góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân. Hiện nay chính quyền địa phương đang tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ HTX cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ vào việc sơ chế và bảo quản sản phẩm. Từng bước hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường không chỉ ở Ấn Độ mà còn ở các quốc gia khác.
Câu chuyện về HTX sơ chế lá quế xuất khẩu là một minh chứng rõ ràng cho việc áp dụng mô hình sản xuất bền vững, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ môi trường. Từ những chiếc lá quế tưởng chừng như vô giá trị, giờ đây chúng đã trở thành nguồn thu nhập ổn định, giúp hàng trăm gia đình thay đổi cuộc sống.