| Hotline: 0983.970.780

Lá thư đầu năm

Thứ Hai 31/12/2012 , 14:27 (GMT+7)

Lại một năm trôi qua. Tôi vẫn cần mẫn theo dõi bạn đọc gửi thư về chuyên mục "Hỏi gì đáp nấy" và cố gắng trả lời các câu hỏi.

Lại một năm trôi qua. Tôi vẫn cần mẫn theo dõi bạn đọc gửi thư về chuyên mục "Hỏi gì đáp nấy" và cố gắng trả lời các câu hỏi. Tiếc rằng rất nhiều câu hỏi không biết trả lời ra sao vì liên quan đến vấn đề thu hồi đất và đền bù không thỏa đáng.

Rất may là kỳ họp Quốc hội vừa qua các vị đại biểu đã phát biểu sôi nổi về vấn đề này để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Đất đai. Nhiều ý kiến trên các trang báo cũng rất đáng quan tâm. Theo dự thảo thì về quy hoạch kế hoạch sử đụng đất, Luật Đất đai mới sẽ quy định UBND các cấp tổ chức thực hiện việc lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm của địa phương và trình Thường trực HĐND cùng cấp thông qua chứ không trình HĐND như Luật hiện hành.

Về  công tác đền bù, giải tỏa, Điều 40 Luật Đất đai sẽ được sửa đổi theo 2 phương án: Phương án 1, Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế trong tất cả các trường hợp, bỏ cơ  chế tự nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Phương án 2, giữ nguyên cơ chế thu hồi đất theo luật hiện hành và  sửa đổi luật hóa các quy định về thu hồi  đất tại Nghị định 181, Nghị định 17 và  Nghị định 84.

Điều 52 về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được sửa đổi theo hướng: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, sở hữu đất hoặc sử dụng tài sản gắn liền với đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất của UBND cấp có thẩm quyền.

Về giá đất, Luật Đất đai mới sẽ sửa đổi điều 56: Phải đảm bảo sát với giá đất trên thị trường trong điều kiện bình thường mà không phải sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Khung giá đất có 2 phương án: Vẫn quy định có khung giá các loại đất, và không quy định khung giá đất. Trong trường hợp vẫn quy định khung giá đất thì định kỳ 5 năm 1 lần rà soát, xây dựng phương án điều chỉnh giá các loại đất trình Thủ tướng ban hành.

Luật Đất đai mới sẽ bổ sung quyền được cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê trong trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm. Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi sẽ cởi mở hơn đối với người VN định cư ở nước ngoài. Luật Đất đai mới sẽ quy định: Đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sử dụng ổn định lâu dài. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam.

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hiện có hơn 20 văn bản pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, nhưng lại được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau nên chồng chéo, bất cập, thiếu tính ổn định, khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn.

Trong thực tế, một số quyết định hành chính thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai bị sai sót như: Áp giá bồi thường, xác định vị trí đất, diện tích đất chưa đúng, chưa đủ. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số địa phương chưa tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, sai về nội dung ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như không đúng vị trí thửa đất, không đúng diện tích, cấp chồng lấn lên phần diện tích của người khác đã sử dụng ổn định.

 Mặt khác là sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Qua công tác thanh tra giai đoạn 2003-2011 đã phát hiện và xử lý trả lại cho công dân 1.850 tỷ đồng, 4.817,8ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.921 công dân; kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người; chuyển cơ quan điều tra 380 vụ với 665 đối tượng.

 Điều này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đến ngày 30/6/2012, cả nước đã cấp được 35.857.594 Giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất với diện tích 20.458.864 ha. Các đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang), Huỳnh Văn Tiếp (đoàn TP Cần Thơ) bày tỏ bức xúc trước thực tế có hơn 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai và trở thành hiện tượng phổ biến trong cả nước, ảnh hưởng không tốt đến an ninh chính trị, trật tự xã hội và đời sống của nhân dân.

Các đại biểu cũng phân tích chỉ ra các nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng trên. Đó là chúng ta chưa đưa ra cơ sở pháp lý cụ thể để áp sát giá thị trường khi thu hồi đất của người dân đang sử dụng. Cán bộ làm công tác này vừa thiếu, vừa yếu, có nơi có lúc nhiều cán bộ còn bàng quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với quyền và lợi ích của dân, có hiện tượng lợi ích nhóm, dòng họ, cố ý làm sai lệch hồ sơ đất đai để trục lợi khi giải quyết…

Bên cạnh đó, kỷ cương kỷ luật hành chính chưa nghiêm, có vụ việc cấp trên chỉ đạo nhưng cấp dưới chậm trễ hoặc không chấp hành. Có hiện tượng né tránh, đùn đẩy khi công dân khiếu nại, tố cáo.

Chỉ ra sự bất cập trong công tác này, đại biểu Khúc Thị Duyên (đoàn Thái Bình) cho rằng, sự bất cập giữa các chính sách, pháp luật về đất đai, sự thiếu ổn định của các chính sách và có hiện tượng các văn bản về lĩnh vực này “đá nhau” như chính sách đền bù trước ít, sau nhiều. Hai địa phương cách nhau một con mương nhưng chính sách đền bù chênh lệch nhau đến 5 lần. Do đó các đại biểu đề nghị Quốc hội sửa đổi những quy định của Luật Đất đai và các luật khác có nội dung điều chỉnh liên quan đến đất đai một cách đồng bộ... 

Rất nhiều luật sư và các trí thức đã phát biểu trên các phương tiện thông tin về Luật Đất đai. Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Công ty Quang và cộng sự, sau nhiều năm thực hiện Luật Đất đai đã nổi lên nhiều vấn đề mà ai cũng có thể nhìn thấy.

Đó là tình trạng giá cả đất đai tăng chóng mặt và không bình thường. Quan hệ cung cầu về nhà ở tiếp tục mất cân đối khi thực tế nhà nhiều nhưng người dân không có tiền mua và nhà để trống trong khi người dân vẫn cứ thiếu chỗ ở. Vốn đầu tư của xã hội tập trung một cách mất cân đối vào khu vực bất động sản. Giảm quá nhiều đất nông nghiệp và đất trồng lúa đồng thời với việc nông dân mất ruộng và bỏ ruộng. Tranh chấp và khiếu kiện về đất đai bùng nổ. Một tầng lớp đại gia hình thành từ đầu cơ, kinh doanh bất động sản do trục lợi từ cơ chế chính sách, góp phần làm doãng rộng hơn khoảng cách giàu nghèo... 

Luật sư Lập cho rằng chính sách đất đai hiện nay vẫn nặng về kiểm soát trong khi trên thực tế không kiểm soát được, thậm chí không có định hướng, mục tiêu rõ ràng trong kiểm soát. “Chúng ta muốn kiểm soát toàn diện về đất đai từ quy hoạch, cấp đất, sử dụng đất, thu hồi đất đến giá cả thị trường và quyền kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy hoạch phải sửa đổi thường xuyên, cấp đất tràn lan, thu hồi đất không bồi thường thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện, giá cả tăng và nhiều biến động...”.

Riêng tôi, với tư cách Chủ tịch Hội Các ngành Sinh học Việt Nam, chỉ mong các vị ĐBQH có chút hiểu biết về khái niệm Cấu tượng của đất.

Đất có ba loại: Hai loại không có cấu tượng là loại có hạt đất quá nhỏ (đất sét) hoặc quá lớn (đất cát). Đó là các loại đất không có độ phì nhiêu. Đất có cấu tượng là đất có các viên đất có kích thước vừa phải, do chất mùn của vi sinh vật tích lũy hàng trăm, hàng nghìn năm mới góp phần tạo ra được.

 Nhờ có cấu tượng như vậy đất mới có các khe hở nhỏ bé dùng để chứa nước, chứa chất dinh dưỡng, chứa không khí, và nhờ đó tạo ra độ phì nhiêu của đất. Nếu không vì những lợi ích quốc gia tối cần thiết thì không nước nào người ta dễ dàng xâm phạm tới các loại đất cấu tượng như ở nước ta trong suốt thời gian qua.

 Các chuyên gia nước ngoài nói với tôi: Muốn làm giàu các bạn phải làm đường lên các vùng đất không có cấu tượng và khuyến khích các nhà đầu tư bằng giá thuê đất rẻ để xây dựng các khu chế xuất, các khu công nghiệp, các sân golf...

Thật xót xa biết bao khi nước ta đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo và khi 75% cư dân đang bám đất có cấu tượng để sinh sống suốt đời này qua đời khác, vậy mà trong thời gian từ 2001 đến 2006 bình quân mỗi năm đã mất đi 50.000- 70.000 ha đất, còn trong thời gian từ 1993 đến năm 2008 chúng ta đã bị lấy đi mất 500.000 ha đất đai canh tác.

Một nước nông nghiệp mà có đến 90 dự án sân golf (!). Thật đáng tiếc khi trong số này còn có tới 69 sân golf đang bị lợi dụng để khai thác thêm việc xây dựng các bất động sản (khu du lịch, nhà ở...). Biết đến bao giờ các vị đại biểu dân cử mới làm cho mọi cấp thật sự biết quý trọng các loại đất có cấu tượng, loại đất mà dân ta thường gọi là "bờ xôi , ruộng mật"!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.