| Hotline: 0983.970.780

Lá thư đầu năm

Chủ Nhật 01/01/2012 , 07:30 (GMT+7)

Những câu hỏi các bạn gửi về mà tôi không trả lời được thì không liên quan gì đến khoa học, tuy vậy, lại toàn là những vấn đề thực sự bức xúc và cần tháo gỡ...

GS.TS Nguyễn Lân Dũng
Bạn đọc thân mến,

Một năm trôi qua thật là nhanh. Mặc dầu bận rộn khá nhiều với công việc giảng dạy, nghiên cứu và các hoạt động xã hội khác, nhưng tôi rất vui mừng được trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến khoa học của bạn đọc từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Điều đáng tiếc nhất đối với tôi đó là những câu hỏi mà tôi không trả lời được. Chưa có câu hỏi nào về khoa học mà tôi chịu thua. Bởi vì bên cạnh tôi còn biết bao bạn bè là chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau. Hơn nữa chúng ta đang sống trong thời đại tin học nên mọi chuyện ít nhiều đều có thể tìm được thông tin qua Internet. Có thể đó là bài viết của một nhà khoa học, một nhà báo, cũng có thể là thông tin qua Bách khoa toàn thư mở Wikipedia mà mọi người đều có quyền sử dụng (chỉ cần ghi rõ xuất xứ).

Những câu hỏi mà tôi không trả lời được chính là các câu hỏi không liên quan đến khoa học. Có lẽ tiêu đề HỎI GÌ ĐÁP NẤY chưa nói rõ được là chỉ hạn chế trong lĩnh vực khoa học, cho nên các bạn đã gửi về không ít những băn khoăn không liên quan gì đến khoa học, tuy vậy, lại toàn là những vấn đề thực sự bức xúc và cần tháo gỡ.

Đó là những vấn đề gì vậy? Xin thưa hầu hết chỉ bao gồm trong hai lĩnh vực. Một là, các bức xúc về chính sách thu hồi đất dẫn đến mất nguồn sống lâu dài dựa vào đất trồng trọt, chăn nuôi và sự đền bù hoàn toàn thiếu dân chủ, thiếu thỏa đáng. Nhất là khi chính mảnh đất đó không được đưa vào các mục đích phục vụ cho công nghiệp hóa mà lại biến thành nhà ở bán kiếm lời, thành các dự án bỏ hoang nhiều năm, thậm chí có nơi bán lại giá cao cho tư nhân trồng hoa quả hay cây công nghiệp (!). Hai là, tình trạng bất công trong xã hội khiến sự ngăn cách giầu nghèo đang ngày càng nới rộng. Đáng tiếc là người giầu lên nhanh chóng không phải do tài năng, do cống hiến mà lại là những người mang danh đầy tớ của nhân dân, nhưng lại dựa trên đặc quyền đặc lợi để mua bán đất đai trái pháp luật hoặc nhận hối lộ trắng trợn ngay từ khi lên chức -để bù lại số tiền đã bỏ ra để chạy chức, chạy quyền (!).

Đành rằng đa số cán bộ vẫn là những người tốt, những người sống bằng đồng lương tối thiểu mà vẫn ngày đêm lo cho dân, cho nước. Nhưng số cán bộ thoái hóa biến chất cũng là không nhỏ và có thể nhìn thấy không khó lắm ở mọi nơi, mọi cấp. Đúng như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã phân tích thẳng thắn: “Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu cản trở sự phát triển. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội”

Dân không có quyền được nói công khai thì, như xưa nay vẫn thế, xuất hiện tràn lan các bài đồng dao, hò vè truyền miệng mang tính phê phán mỉa mai. Nào là Thất quyền: Nói có người nghe, Đe có người sợ, Vợ có người chăm, Nằm có người bóp, Họp có người ghi, Chi có người bù, Tù có người chạy. Rồi đến Thập nhị quyền: Bằng có người vực, Chức có người bầu, Mầu có người gói, Nói có người nghe, Đe có người sợ, Dở có người khen, Hèn có người giấu, Nhậu có người bao, Khao có người góp, Họp có người ghi, Chi có người bù, Tù có người chạy…Thật là mỉa mai, nhất là giữa lúc chúng ta đang hưởng ứng cuộc vận động Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một tấm gương vô cùng trong sáng, vô cùng đẹp đẽ.

Đi qua nhiều nước rồi đi về các địa phương trong nước tôi mới thấy bà con nông dân ta thật là tuyệt vời. Bất chấp mọi điều oan ức, sai trái còn tồn tại trong xã hội, bà con ta vẫn cần cù sản xuất và chăm lo cho con em ăn học hết cấp này lên cấp khác. Biết bao tấm gương làm giầu chính đáng ngay trên mảnh đất của mình hầu như có thể tìm thấy trên từng số Báo NNVN. Biết bao cố gắng của các nhà khoa học gắn bó với đồng ruộng để hỗ trợ thiết thực cho bà con nông dân.

Gần đây có dịp tham dự Đại hội lần thứ ba của Hộ Khuyến học Huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), tôi thực sự ngạc nhiên và cảm động. Một huyện chưa có gì là giầu có nhưng hoạt động khuyến học tại mọi xã, mọi phường đều thật sự sôi nổi và có hiệu quả rất cụ thể. Tính đến cuối năm 2010, toàn huyện có tới 6560 hội viên và 75 dòng họ tham gia các hoạt động khuyến học.

Thời tôi học phổ thông ở Việt Bắc, hầu như mỗi tỉnh chỉ có duy nhất một trường cấp III, nhiều tỉnh còn chưa có trường nào. Nay chỉ trong huyện này đã có tới 3 trường cấp III, 1 trường Đại học, 2 trường Cao đẳng và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Đồng chí Bí thư Huyện ủy tâm sự với tôi: Vào dịp tết chúng tôi chỉ dám mừng mỗi thầy cô giáo vẻn vẹn có 100 000 đồng vậy mà huyện phải lo cho có được trên 100 triệu đồng, vì huyện hiện có tới trên 1000 thầy cô giáo (!). Mỗi năm số tiền thưởng cho các cháu học sinh xuất sắc hoặc vượt khó để học tập đã tới khoảng 1 tỷ đồng. Mặc dù tiền thưởng cho mỗi cháu chả đáng là bao nhưng vì được tổ chức trao thưởng chu đáo nên các cháu vẫn cảm thấy rất vinh hạnh và các bạn khác cũng được khích lệ để gắng noi theo. Trong năm qua, 100% số xã có học sinh trúng tuyển vào các Trường Đại học chính quy, số thí sinh thi Đại học năm nay cao gấp ba lần so với năm 1999. Cả huyện có tới 3800 gia đình được tặng danh hiệu Gia đình hiếu học. Huyện đang phấn đấu toàn huyện đạt chuẩn Trung học phổ thông, một tiêu chí thật chẳng dễ dàng gì …Tôi hỏi đồng chí Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh xem số huyện trong tỉnh đạt thành tích cao như vậy có nhiều không thì được trả lời là: Các huyện đều khá như vậy cả đấy!

Chỉ cần một dẫn chứng như vậy cũng đủ khiến chúng ta thấy yên lòng, mặc cho những điều bất cập trong xã hội không ngày nào không thấy báo chí nêu lên vô vàn chuyện đáng lo ngại. Chúng ta tin như lời khẳng định trước đây của Bác Hồ: "Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết: Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong" (HCM Toàn tập, Nxb.CTQG, 1995, t.5, tr.295).

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất