| Hotline: 0983.970.780

Lạc bước miền Tây xứ Nghệ

Thứ Ba 12/01/2010 , 11:15 (GMT+7)

Miền Tây Nghệ An là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như Đan Lai, Thái, Ơ Đu… Phóng viên NNVN đã sống nhiều ngày với người dân nơi đây và ghi lại những câu chuyện chân thật nhất về đời sống của họ.

Miền Tây Nghệ An là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như Đan Lai, Thái, Ơ Đu… Phóng viên NNVN đã sống nhiều ngày với người dân nơi đây và ghi lại những câu chuyện chân thật nhất về đời sống của họ.

Băng rừng tìm thủ phủ “tộc người chạy trốn”

Đang yên lành sống ở Thanh Chương, họ tộc La phải chạy đến nơi “sơn cùng thuỷ tận” nhằm tránh hoạ diệt vong. Tộc người Đan Lai ra đời như thế và đó cũng là cách lý giải vì sao, sau bao năm được phát hiện, họ vẫn xa lạ với thế giới bên ngoài. 

Truyền thuyết về cuộc trốn chạy 

Biết tôi có ý định vào Khe Khặng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông), nơi vẫn được xem là thủ phủ của tộc người Đan Lai, mấy chiến sĩ ở Đồn biên phòng 555 “dằn mặt”: “Thời gian đi về tính bằng ngày. Vào nhưng không biết được khi nào sẽ ra bởi còn tuỳ thuộc có thuyền hay không”.  

Bỏ lại cái nhìn ái ngại của mấy chiến sĩ biên phòng tôi quyết định thuê thuyền ngược sông Giăng. “Cán bộ biên phòng không nói sai đâu, để vào đuợc Khe Khặng chỉ có con đường độc đạo bằng xuồng đuôi én vượt dòng thác ngược leo lên độ cao 1.356m phải qua hơn “100 con thác, 1.000 con vực” hoặc luồn rừng, theo mé sông, xé cây rừng, leo vách đá...”. Báo, tay thanh niên ở đập Phà Lài chèo thuyền thuê vào Khe Khặng đúc rút.  

Phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ vật lộn với gần 20 km ngược sông Giăng, mò mẫm vào được Co Phạt thì trời cũng vừa sẩm tối. Từng đám sương mù khổng lồ đổ ập xuống những mái nhà lúp xúp ẩn hiện lác đác giữa núi rừng. Những đứa trẻ còi cọc, mong manh trong cơn mưa phùn ném những cái nhìn lấm lét về phía người lạ. Ánh sáng vàng vọt từ một vài ánh điện cù lấy từ suối càng làm cho Co Phạt thêm hoang sơ.  

Trưởng bản La Văn Đường đốt đuốc dẫn chúng tôi tìm già làng La Văn Quyết (83 tuổi), người được coi là pho sử sống của bản. Trong căn nhà vách nứa, già quyết chậm rãi kể về truyền thuyết ly kỳ của người Đan Lai.  

Theo cuốn Thanh Chương tú khí của Bùi Dương Lịch (một học giả người Hà Tĩnh vào cuối triều Lê đầu triều Nguyễn), từ thuở hồng hoang, tộc người Đan Lai sinh sống chủ yếu ở miền Hoa Quân thuộc huyện Thanh Chương bây giờ. Một ngày kia, tên bạo chúa trong vùng xuống lệnh: Sau một đêm, gia tộc họ La phái kiếm cho bằng được 100 cây nứa vàng và một cái thuyền liền chèo đem nộp, nếu không sẽ giết sạch. Từ già tới trẻ cố vắt óc nhưng không ai nghĩ ra cách tìm được những thứ không bao giờ có trên đời.

Trong đêm tối, cả họ tộc lũ lượt kéo nhau chạy trốn. Họ chạy mãi, bàn chân tứa máu rồi chai sần, vượt qua hàng ngàn con suối, hàng trăm ngọn đồi đến khi không lết nổi mới dừng chân ở Khe Khặng. Lo sợ quan quân truy đuổi, họ chui vào các hốc đá để lẩn trốn. Ngày, cả tộc người trốn biệt trong rừng sâu, đốt lửa ngủ, đêm mới ra bờ suối bắt cá, lên rừng đào củ mài kiếm ăn. Cứ như thế, đời này qua đời khác họ sinh sôi, lập bản lập làng cho mãi đến khi được bộ đội Biên phòng phát hiện. 

Từng nghe về tục ngủ ngồi, sinh đẻ cũng ngồi của người Đan Lai, tôi hỏi già Quyết, ông bảo: “Tục này có lẽ bắt đầu từ lúc tổ tiên đến đây. Ngày xưa con hổ nơi này nhiều vô kể. Nếu mình không cảnh giác là nó vồ ngay. Với lại, ngày xưa khổ quá, không có quần áo mặc, phải ngủ ngồi bên bếp lửa cho ấm, đó là chưa kể quan quân truy lùng bộ tộc có thể đến bất cứ lúc nào nên mới sinh tật ngủ ngồi. Người lớn dạy trẻ nhỏ phải ngủ ngồi để có thế mà vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu...  

Già Quyết ngủ ngồi bên bếp lửa

Ngủ ngồi cũng có nhiều kiểu. Ngồi đưa hai bàn tay nắm lại đỡ lấy trán để ngủ, hoặc đẽo cây chàm ngàm kê vào dưới cổ để ngủ cho khỏi mỏi, hoặc hai tay nắm chặt đầu thanh củi tì vào trán để khỏi gục đầu vào bếp lửa”. Cũng chính nhờ ngủ ngồi mấy lần già Quyết thoát chết khi hổ mò theo hơi người vào tận bếp lửa ông đang ngồi. 

Chưa hết buồn đau khi kể về quá khứ xa xưa, ánh mắt già Quyết lại cụp xuống khi tôi tìm hiểu về cuộc sống hiện tại của người Đan Lai. "Không biết có phải vì ngày xưa tổ tiên chạy xa quá không mà con cháu sau này lẩn quẩn mãi nơi rừng núi". 

Thủ phủ cô độc

Thủ phủ Khe Khặng nằm lọt thỏm giữa 4 bề núi đá, rừng xanh. Ba bản Co Phạt, bản Giữa và bản Búng có 169 hộ dân với 723 nhân khẩu thì cả 100% đều đói nghèo. Số phận của họ gần như gắn chặt hoàn toàn với thượng nguồn sông Giăng hung hãn. Dòng sông vừa là “cánh cửa” mở ra cho họ con đường đi về miền xuôi vừa là nguồn sống chủ yếu từ bao đời cho họ con cá mát, lăng, mu, cá pa pị và cá sứt mui... Dòng sông đã cứu sống bao người Đan Lai bị bạo bệnh phải nằm bè nứa để dòng sông trôi suốt đêm khuya kịp ra bệnh viện huyện xa xôi… Nhưng đó là tất cả những gì sông Giăng ưu ái cho người Đan Lai, bởi cũng chính dòng sông này vẫn đang cô lập Khe Khặng với thế giới bên ngoài. 

Nhà trưởng bản La Văn Đường vào loại khá nhất bản nhưng đói ăn thương xuyên. Cả nhà có 8 khẩu, nhưng chỉ vỏn vẹn đám ruộng 1,2 sào mà theo ông “chỉ một con trâu ăn một lúc là hết”. Thành thử, dù cán bộ nhưng nhà Đường vẫn phải sống nhờ gạo trợ cấp mỗi tháng 7kg/người như bao hộ khác trong bản. “Nhà nào khá thì ăn ngày 2 dở (bữa), còn nhà khó trộn cơm trộn sắn chỉ có 1 dở một ngày thôi”.  

Thu nhập chính của người Đan Lai ở Khe Khặng vẫn là vào rừng chặt nứa

Ở Khe Khặng, con gái, con trai cứ đến 13, 14 tuổi là dựng vợ gả chồng. Họ sống biệt lập, không giao lưu với người ngoài nên trai gái, anh em trong bản lấy nhau trở thành bắt buộc. Hôn nhân cận huyết ngày càng làm cho nòi giống tộc người Đan Lai mai một đi. Tuổi thọ trung bình của người chỉ khoảng 50 còn dáng người ai cũng nhỏ thó, thấp lè tè. Trẻ con sau khi sinh, dù là nắng hay mưa, dù cho rét đến ghê người vẫn được người nhà đem xuống suối để tắm. Đến khi tím tái, nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót thì mới đưa về nhà. Từ bao đời nay, mỗi khi trong bản có người chết, người Đan Lai không dùng quan tài để chôn cất mà chỉ cuốn vào chiếc chiếu hoặc tấm phên rồi đem chôn. Khi đi chôn đàn ông con trai cũng không theo gánh mà chỉ đám phụ nữ rủ nhau mai táng. Hỏi, họ trả lời: “Đã chết là hết, quan tâm làm gì nữa”. 

Theo các cán bộ ở Môn Sơn, Từ “Đan” là do từ Đan Nhiệm, tên làng ngày xưa tổ tiên ta cư ngụ dưới xuôi, còn từ “Lai” là bởi bao thế hệ người Đan Lai chung sống với nhiều cộng đồng các dân tộc khác để che giấu thân phận nên có nhiều nét sống, sinh hoạt bị lai tạp”. Hiện người Đan Lai còn khoảng 3.000 người và không có nét văn hóa nào khác biệt.

Luẩn quẩn tìm lối thoát

 

Cuộc sống đói nghèo như một cái vòng luẩn quẩn không vượt ra khỏi “cửa tử” sông Giăng. Không phải là không có lối thoát, nhưng rồi đói nghèo vẫn chỉ bị xóa trong…tương lai. 

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” với tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Theo kế hoạch, sẽ chuyển 146/176 hộ dân tộc Đan Lai tại bản Giữa và bản Búng về định cư tại 3 bản Kẻ Tắt, Kẻ Gia và Bá Hạ xã Thác Ngàn. Nhưng sau ba năm đầu thực hiện, đề án bị… phá sản. Nguyên nhân? Người Đan Lai quen với việc sống nhờ rừng nên khi đến vùng đất mới họ không thể thích nghi vì điều kiện thay đổi nhiều quá. Thành thử, nhiều hộ dân đóng bè vượt sông quay về quê cũ chặt nứa đem bán. Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An lại phải có công văn cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An lập dự án mới với kế hoạch sẽ giữ lại 2 bản; Bản Búng và Bản Co Phạt.  

Tháng 7/2009, Bộ đội Biên phòng phải phối hợp vận động di dời 35 hộ dân tại Bản Búng về nơi tái định cư ở Kẻ Tắt và Bá Hạ. Năm 2010, Bộ đội Biên phòng tiếp tục có kế hoạch vận động di dời 35 hộ dân nữa. Nhưng có lẽ cái cần phải di dời chính là nếp nghĩ sống nhờ rừng, được gì ăn nấy” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Đan Lai.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất