| Hotline: 0983.970.780

Lạc lõng trong gia đình chồng

Thứ Ba 20/03/2012 , 10:40 (GMT+7)

Cháu cũng không biết nói là mình may mắn hay bất hạnh nữa. Cháu muốn cô cho cháu lời khuyên để cháu tự tin và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu năm nay 24 tuổi đang làm ở UBND một xã vùng cao. Cháu cũng không biết nói là mình may mắn hay bất hạnh nữa. Cháu muốn cô cho cháu lời khuyên để cháu tự tin và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

Chuyện là thế này cô ạ! Cháu và anh ấy yêu nhau được 5 năm thì cưới. Chúng cháu cưới tháng Giêng năm 2011 và con gái cháu vừa được 3 tháng tuổi. Chồng cháu là sĩ quan quân đội, anh đóng quân cách nhà gần 500km nên vợ chồng cháu ít có thời gian bên nhau.

Vợ chồng cháu cưới xong thì về ở chung nhà với bà cụ, bố chồng và vợ chồng chú em út của chồng cháu. Ban đầu cháu thấy may mắn vì ít ra chồng không ở nhà nhưng cháu được chú thím yêu thương và tôn trọng. Nhưng không ngờ cô ạ! Cháu về làm dâu được 3 tháng thì thím bắt đầu thay đổi, tự nhiên thím không nói chuyện với cháu nữa và tỏ ra khó chịu mỗi khi cháu ở nhà. Cháu cũng cố chịu đựng không nói gì vì cháu biết cháu một thân một mình chồng không ở nhà còn thím ấy tuy là em nhưng cưới trước cháu (vì thím có con trước cưới) và chồng của thím cũng ở nhà. Khi cháu có thai được 8 tháng, cháu nghĩ cứ như thế thì cháu đẻ ra cũng không có ai chăm sóc (mẹ chồng cháu đã mất) nên cháu xin phép bố chồng cháu cho cháu về ở bên cháu, vì nhà bố mẹ cháu ngay cổng cơ quan cháu nên tiện hơn trong công việc.

Đến khi cháu đẻ, cháu lại xin phép bố chồng cho con của cháu được ở bên ngoại để bà ngoại tiện chăm sóc. Đươc 1 tháng thì gia đình nhà nội cũng đón hai mẹ con cháu về nhưng cô ơi, cháu không thể sống nổi. Bố chồng thì cũng có quan tâm nhưng vì là bố chồng nàng dâu dù sao cũng có khoảng cách phải không cô? Chú thím của cháu bé thì không nhìn cả mặt con gái cháu xem nó vuông tròn thế nào huống chi là bế giúp. Đôi lúc, nhiều khi cháu đang tắm, nghe thấy con cháu khóc, khi chạy lên, thấy cả nhà ngồi đó mà không ai bế hộ con bé, cháu tức quá cô ạ. Chồng cháu thì không hiểu cho, anh đi xa, cháu kể thì anh không tin, về tới nhà là tụ tập uống rượu không giúp gì được cho cháu.

Hiện giờ cháu lại đưa con về nhà ngoại, cháu cũng không biết làm như thế nào. Lương thì ba cọc ba đồng mà chồng thì rất ít khi gửi tiền về. Cháu ở nhà ngoại thì cũng toàn ăn uống cùng với anh trai và chị dâu thôi, may mà cháu được hai chị dâu ai cũng hiểu biết, biết quan tâm và giúp đỡ hai mẹ con cháu.

Cô ơi, bây giờ cháu phải làm như thế nào đây? Về nội thì cháu không bíêt sống như thế nào, ở ngoại thì làm sao cháu ở như thế mãi được. Quả thực cháu rất nể anh chị cháu. Cháu cảm ơn cô.

Cô giấu email giúp cháu cô nhé

Cháu thân mến!

Có chồng, chồng là quân nhân thường xuyên doanh trại thì cầm chắc thiệt thòi. Cho dù lương cao, người lính chung tình, đức tính lính chuẩn mực thì mình vẫn cứ phòng không và con thiếu cha. Nhà lại còn cụ, bố chồng góa bụa và vợ chồng em người ở chung nữa thì dĩ nhiên phải phức tạp. Còn mẹ chồng, phức tạp tăng lên nhưng biết đâu, chính bà mới là người điều hành gia đình. Trong khi đó bố mẹ cháu lại ở gần, sức hút từ phía sau ấy mạnh lắm và khi cháu thấy buồn thì bên nhà mình cứ như là hậu phương, cháu cứ muốn ngã về phía đó, chuyện cũng dễ hiểu và tự nhiên.

Nếu vợ chồng cháu không có khả năng ra riêng thì cháu phải xác định lại vị thế và trách nhiệm của mình. Dâu lớn, phải nhiều công sức thì mới có uy được. Cháu về nhà chồng sau cô em dâu, cháu lạ nước lạ cái và vừa đi đi về với bên mình hoài nên thâm tâm các em nó không nể. Ma cũ ăn hiếp ma mới, thói thường là vậy, muốn các em tâm phục khẩu phục là cháu phải chịu khó, phải quán xuyến, thậm chí phải nấu ăn ngon. Các em nó nhìn vào, rồi dần dần nó thay đổi. Sống chung phải có thời gian, làm dâu cũng vậy, phải nhiều năm thì người ta mới hiểu mình và hoặc quý hơn hoặc là ghét thêm, phần lớn là do mình.

Nếu hai vợ chồng có ý định tách ra thì dần dần sẽ tách, khi đủ lực và con cái lớn chút nữa. Ít ai thiết kế hai đôi sống chung như vậy, thời tứ đại đồng đường qua lâu rồi. Vậy thì hãy bàn với chồng, nhưng đừng thúc ép. Nhà chồng hỗ trợ gì, có gì chia cho hai con trai không và nhà mình có điều kiện cho mình vay mượn không? Bố mẹ mình có con trai và con dâu chăm sóc rồi, mình cũng ăn nhờ ở đậu mà thôi. Lâu dài tách ra là hay nhất nhưng cháu bỏ về nhà cháu ở luôn thì nhà chồng không giúp gì đâu.

Lương ở xã, thấm gì, chồng sĩ quan sao vô tâm tiền bạc với vợ thế? Phải bàn bạc, ăn và ở, tiền và nghĩa vụ, mình nín thì chồng lờ đi, rồi sẽ âm ỉ và căng thẳng. Trước mắt hãy chịu đựng thêm, cố gắng, rồi “gái có công chồng chẳng phụ”. Con nhỏ, chồng xa, nhà chồng mâu thuẩn, đây là lúc khó khăn nhất của cuộc hôn nhân, cháu cần khôn ngoan, bình tâm và trưởng thành lên, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.