Sau hàng loạt những phản biện xã hội và báo chí về tính khả thi của dự án bauxite Tây Nguyên do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư, Tập đoàn này vẫn khẳng định dự án sẽ hoàn vốn trong vòng 12 - 13 năm. Tuy nhiên, TS Nguyễn Thành Sơn (ảnh), GĐ Cty Năng lượng Sông Hồng thuộc Vinacomin khẳng định, không cần phải chờ thêm thời gian, bởi càng làm, dự án bauxite càng lỗ.
Thuế suất XK 0% = dự án không có hiệu quả KT-XH
Thưa ông, việc Vinacomin luôn khẳng định dự án bauxite Tây Nguyên sẽ có lãi khiến dư luận không khỏi băn khoăn, bởi số vốn đầu tư quá lớn, giá alumin (quặng nhôm) xuất khẩu lại ngày càng hạ?
Vinacomin khẳng định đã tính toán đủ chi phí như phần chuyển nhượng quyền khai thác mỏ, phí môi trường… vào dự án. Hiệu quả kinh tế được tính trong vòng trên 30 năm, thông qua nhiều thông số khác chứ không tính riêng giá cả. Vả lại, hiện Nhà nước giảm thuế suất thuế xuất khẩu bằng 0%. Thời gian hoàn vốn đối với hai dự án Lâm Đồng và Nhân Cơ khoảng 12 - 13 năm.
Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi, những người đã từng hơn một lần đề nghị dừng dự án, thì trong Nghị quyết số 710/2008/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rất rõ thuế xuất khẩu quặng nhôm là 15 - 40% (tính trên giá xuất khẩu). Mức thuế suất này là thể hiện tinh thần của Nghị quyết Trung ương số 03 ngày 13/1/1993 của Bộ Chính trị về phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam, trong đó đã nhấn mạnh hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản.
Như vậy, Bộ Tài chính chỉ có quyền ra thông tư hướng dẫn áp dụng thuế suất trong phạm vi 15 - 40%, chứ không có quyền cho áp dụng thuế suất ngoài quy định của Quốc hội. Vì thế, việc Bộ này đưa mức thuế suất xuất khẩu alumin về 0% là chưa đúng. Còn với mức thuế suất 0%, thì chúng tôi cho rằng phải xem lại cả hiệu quả về kinh tế lẫn xã hội của dự án, bởi Nhà nước và người dân chẳng được gì, cho dù dự án có lãi.
Theo phân tích của ông thì việc Bộ Tài chính cho Vinacomin được miễn thuế đồng nghĩa với ưu ái DN này?
Tôi cho rằng đã “dính” đến tài nguyên khoáng sản - là sở hữu toàn dân theo pháp luật - thì không thể không tính các loại thuế, phí, đặc biệt là thuế xuất khẩu.
Ở đây, cụ thể là Vinacomin (và/hoặc Bộ Tài chính) tính thuế xuất khẩu 0%, như tôi đã phân tích ở trên, đồng nghĩa với tự công nhận dự án không có hiệu quả kinh tế - xã hội. Và, việc áp thuế 0% cũng có thể coi như Bộ Tài chính tự cho mình cái quyền ưu đãi Vinacomin hơn các DN khác (nhất là các DN tư nhân, không dùng vốn Nhà nước).
Người đóng thuế phải gánh cho dự án 60 triệu USD/năm
Trong cuộc họp báo sáng qua (16/5), Vinacomin vẫn một mực khẳng định dự án “có hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài”. Họ khẳng định như vậy đương nhiên sẽ có lập luận và căn cứ chắc chắn, thưa ông?
Lạc quan tếu! Tôi đã phân tích rất nhiều, kể cả đối với Tập đoàn cũng như trong nhiều hội thảo, rằng thuế xuất khẩu là chỗ dựa cuối cùng để Vinacomin đưa 2 dự án bauxite Nhân Cơ và Tân Rai đến cái gọi là “hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài”, bởi xét cho cùng, kể cả khi bauxite có lãi, thì với khoản thuế suất bằng không, ngân sách Nhà nước vẫn thất thu ít nhất 15%, nhiều nhất là 40%.
Theo cách tính thuế xuất khẩu bằng 0% của Vinacomin, bình quân 1 tấn alumin xuất khẩu, ngân sách thất thu gần 48 USD, tương đương mỗi năm người đóng thuế phải gánh cho cả 2 dự án gần 60 triệu USD (để dự án có hiệu quả như Tập đoàn tính toán).
Ngoài ra, trong tổng mức đầu tư của cả 2 dự án bauxite đã sử dụng tới 6.732 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (chiếm 24,6% trong tổng mức đầu tư) là vốn có nguồn gốc từ xuất khẩu than của Vinacomin, cũng chính là nguồn tiền có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.
Nhưng những tính toán trên mới chỉ dừng ở thời điểm hiện tại. Còn Tập đoàn tính toán lợi nhuận trong chu kỳ 30 năm, thưa ông?
Hiện tại càng làm càng lỗ. Tương lai chắc chắn còn lỗ hơn nữa vì thị phần alumin của Vinacomin trên thị trường thế giới rất nhỏ bé; chất lượng alumin thì khách hàng thừa biết được sản xuất theo công nghệ của Trung Quốc nó như thế nào rồi; còn về giá bán thì không thể cạnh tranh được vì giá thành alumin của Vinacomin đang để mức rất cao.
Tôi chẳng thấy có “thế mạnh” nào để có thể hy vọng sản phẩm alumin của Vinacomin sẽ tham gia vào thị trường khoáng sản thế giới một cách có hiệu quả cả.
Đến thời điểm hiện nay, việc tính toán để khẳng định dự án bauxite có hiệu quả kinh tế - tài chính hay hiệu quả kinh tế - xã hội hay không là hoàn toàn có đủ điều kiện, có đủ các thông số cần thiết. Chúng ta hoàn toàn có thể tính đúng, tính đủ và tính chính xác NPV (giá trị hiện tại ròng tại thời điểm hiện nay của toàn bộ dòng tiền dự án trong tương lai được chiết khấu) hay IRR (suất sinh lợi của chính bản thân dự án) để khẳng định ngay chứ không cần phải chờ gì thêm nữa. Thế giới và những người có tư duy quản trị đúng vẫn đã và đang làm thế.
Xin cảm ơn ông!