| Hotline: 0983.970.780

Lạc xứ Nghệ

Thứ Ba 22/02/2011 , 10:17 (GMT+7)

Rõ ràng, lạc là một loại cây truyền thống có giá trị kinh tế góp phần giúp người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ổn định cuộc sống từ hàng trăm năm nay.

Những năm 60 của thế kỷ trước, khi đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, đi đâu chúng tôi được nghe câu nói cửa miệng của mọi người, nhất là khi cùng bà con xã viên đi thu hoạch lạc cho HTX: "Lạc là gang, lạc là thép; lạc sang nước bạn lạc mang máy về…".  

Thời ấy, đối với nước ta, cây lạc là một trong những cây công nghiệp ngắn ngày có giá nên sản lượng lạc hàng năm của Nghệ An phần lớn đều để giành cho việc xuất khẩu (lạc nhân) sang các nước XHCN Đông Âu để đổi lấy máy móc thiết bị đưa về phục vụ SX. Khi ấy tại Nghệ An chủ yếu gieo trồng 2 giống lạc chính là lạc Sen, lạc Cúc, năng suất thấp, chỉ được 70-80kg/sào (500m2) nên việc duy trì diện tích lạc đúng kế hoạch được giao trở thành một trong những nhiệm vụ chính trị của từng HTX nông nghiệp. Cứ sau mỗi vụ lạc xuân là các HTX lại vận chuyển lạc lên nhập kho Công ty ngoại thương cấp huyện rồi ùn ùn chuyển về TP Vinh. Lạc vỏ từ kho nhà nước được hợp đồng với các hộ dân phát bóc, phân loại A-B-C cho nhà nước. Tôi còn nhớ ở TP Vinh khi đó nhà nhà thi nhau nhận lạc từ kho ngoại thương về nhà bóc vỏ để kịp các chuyến tàu thủy đang đợi "ăn" hàng ở cảng Cửa Lò…

Cơ chế thay đổi, thị trường xuất khẩu lạc được mở rộng ra các nước châu Mỹ, ASEAN, Trung Quốc…; sản phẩm lạc nhân Nghệ An - Hà Tĩnh vẫn nổi tiếng vì hàm lượng chất béo cao nhất so với lạc của các quốc gia khác trong khu vực tiếp tục được các doanh nghiệp xuất khẩu cả nước, thậm chí của nước ngoài chào hàng ở khắp nơi… Vì thế hàng năm các đơn vị trên đã cử đại diện về Nghệ An nằm vùng để thu mua lạc của nhân dân các địa phương cho xuất khẩu. Cây lạc ở Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn là một mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu, mang lại kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho Nghệ An nói riêng và cho đất nước nói chung nên vẫn được mở rộng diện tích…

Ở Nghệ An với tổng diện tích lạc gần 22.000 ha mỗi năm, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương và Anh Sơn trở thành "thủ phủ" của cây lạc. Cứ vào vụ lạc xuân hàng năm, chỉ cần đi dọc tuyến QL1A, QL46, QL7 là có thể nhìn thấy những cánh đồng lạc bát ngát, thẳng cánh cò bay. Do cây lạc mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân nên các giống lạc địa phương như lạc Sen, lạc Cúc năng suất thấp đã dần được thay thế bằng các loại giống lạc mới có năng suất cao như L14, L18, MĐ7, L08, L24…

Cho đến thời điểm hiện nay, năng suất lạc xuân ở Nghệ An đã được nâng cao dần, hiện gần chạm ngưỡng bình quân 200kg/sào (4 tấn/ha). Cùng với việc đưa nhiều giống lạc mới và các tiến bộ KHKT nông nghiệp vào các vùng thâm canh lạc như phủ nilon, sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV phù hợp, cho đến nay nhiều mô hình trình diễn SX lạc tại Nghệ An đã đạt trên 5 tấn/ha… đang góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho nông dân.

Cây lạc trồng trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh vùng đất gió Lào nắng nóng. Nhờ tổng tích ôn hàng năm lớn nên củ lạc chắc và hạt lạc căng tròn, màu hồng sẫm rất đẹp và bắt mắt. Điều làm sản phẩm lạc nhân Nghệ An nổi tiếng trong và ngoài nước chính là nhờ hàm lượng chất béo và protêin cao. Hạt lạc còn chứa nhiều vitamin nhóm B và là nguyên liệu chính để SX dầu ăn, bánh kẹo, pho mát… có giá trị cao.

Rõ ràng lạc là một loại cây truyền thống có giá trị kinh tế góp phần giúp người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ổn định cuộc sống từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế cây lạc chưa thể là cây làm giàu.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Nghệ An cho biết: Diện tích đất trồng lạc hàng năm toàn tỉnh từ 22.000 đến 25.000 ha nhưng thực tế mỗi hộ gia đình hiện chỉ có từ 1 đến 2 sào nên sau mỗi vụ lạc cho dù bà con có thể thu được khoảng 400-500 kg lạc vỏ thì nguồn thu do cây lạc đem lại đối với từng hộ cũng chẳng đáng là bao so với nhu cầu chi tiêu của từng gia đình. Thứ 2 là giá lạc thương phẩm hàng năm luôn biến động một cách khó lường. Có năm giá lạc thu mua đã tụt dốc một cách thảm hại. Năm 2008, lạc vỏ có thời điểm chỉ còn 11.000 đồng/kg, lạc nhân thu mua của các đại lý xuống đến mức 16.000 đồng/kg. Năm 2009, giá lạc nhân 6 tháng cuối năm có nhích lên chút đỉnh nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức 20.000 đồng/kg. Năm 2010, đồng tiền mất giá do lạm phát nhưng giá lạc tăng không đáng kể. Trong cơ chế thị trường hiện nay, tình trạng lạc được mùa thì rớt giá cứ lặp đi, lặp lại đã làm người dân không mấy mặn mà với cây lạc truyền thống của mình nữa. Một số nơi đã chuyển một số diện tích trồng lạc sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn…

Ông Trần Quốc Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, khi cùng chúng tôi đến xem mô hình lạc công nghệ cao tại xã Nghi Thịnh tâm sự: Tại xã Nghi Thịnh, hiện bà con đã làm gần 350 ha lạc L14, năng suất bình quân năm nào cũng đều đạt từ 50 đến 54 tạ/ha. Tính ra mỗi ha, với giá lạc tại địa phương là 18.000 đến 20.000 đồng/kg thì mỗi năm người dân ở đây chỉ thu nhập được từ 80 đến 90 triệu đồng/ha. Muốn nâng cao thu nhập, để có thể làm giàu ngay trên diện tích đất chuyên canh lạc của mình bà con luôn phải luân canh thêm bằng vừng hè thu và lạc L14 vụ thu đông thì mới có thể đạt thu nhập khoảng 120 đến 130 triệu đồng/ha.

Có thể nói, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và công thức luân canh: Lạc L14 vụ xuân + vừng hè thu + lạc L14 thu đông nên người dân ở đây đã từng bước thoát nghèo. Công thức trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giúp Nghi Lộc từng bước chinh phục toàn bộ diện tích đất màu (3.500 ha) chuyển sang trồng lạc. Cây lạc mới thực sự trở thành một trong những điều kiện quan trọng giúp người dân vùng màu thuộc các xã ven biển của huyện Nghi Lộc vươn lên làm giàu và xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

Sapoche Mexico chịu được mặn 5 - 6‰, hiệu quả gấp 3 lần giống bản địa

TIỀN GIANG Ông Trần Văn Khả (ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là nông dân tiên phong ở địa phương trồng giống sapoche Mexico cho hiệu quả kinh tế cao.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất