| Hotline: 0983.970.780

Lại bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng tại Hà Tĩnh

Thứ Tư 03/12/2014 , 10:34 (GMT+7)

Nguyên nhân dịch LMLM liên tục xảy ra, lây lan diện rộng tại tỉnh Hà Tĩnh là do công tác phòng bệnh, phát hiện, báo cáo dịch rất chậm và còn nhiều tồn tại, bất cập khác.

+ Hệ thống chuyên ngành thú y ở cấp huyện bị phá vỡ

Vào khoảng đầu tháng 11/2014, dịch lở mồm long móng (LMLM) lại xuất hiện ở Hà Tĩnh (thị xã Hồng Lĩnh và huyện Can Lộc) và đến cuối tháng 11/2014 dịch LMLM đã lây lan ra diện rộng tại 40 hộ chăn nuôi gia súc của 11 thôn tại 2 huyện/thị xã nêu trên, làm nhiều gia súc mắc bệnh và phải tiêu hủy. 

Nguyên nhân dịch LMLM liên tục xảy ra, lây lan diện rộng tại tỉnh Hà Tĩnh là do công tác phòng bệnh, phát hiện, báo cáo dịch rất chậm và còn nhiều tồn tại, bất cập khác.

Cụ thể, dịch LMLM xảy ra từ đầu tháng 11/2014, lây lan diện rộng, nhưng đến ngày 28/11/2014 mới có thông tin từ Cục Thú y.

19-16-32_img_07241
Cán bộ thú y vùng III đang lấy mẫu kiểm tra dịch bệnh tại Hà Tĩnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi có dịch LMLM xảy ra nhưng địa phương đã không báo cáo ngay cho cơ quan thú y cấp trên, chỉ khi cơ quan thú y cấp trên biết thông tin qua cơ quan truyền thông và đề nghị địa phương báo cáo thì mới thực hiện việc thống kê số liệu để báo cáo, đồng thời địa phương cũng không thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm và công bố dịch LMLM theo quy định của pháp luật thú y.

Khi Cục Thú y tổ chức kiểm tra thì phát hiện nhiều gia súc đã lành vết thương và tạo thành sẹo, gây khó khăn cho việc lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm.

Tương tự như vậy, năm 2013, dịch  LMLM đã xảy ra từ đầu năm tại 3 xã của 3 huyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời dịch LMLM tiếp tục xuất hiện từ tháng 8/2013 và lây lan ra diện rộng tại 37 xã tại 6 huyện của tỉnh Hà Tĩnh với tổng số trâu bò mắc bệnh gần 1.300 con. Tuy nhiên, địa phương cũng không công bố dịch LMLM theo đúng quy định của pháp luật thú y và chỉ sau khi có 2 Công điện khẩn của Bộ NN-PTNT yêu cầu công bố dịch thì địa phương mới thực hiện việc công bố dịch bệnh LMLM.

Việc phát hiện, công bố dịch chậm trễ đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi và tốn kém nhiều ngân sách của Nhà nước để chi phí cho công tác chống dịch.

Hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh của hầu hết các địa phương đã tạo được thế chủ động, đạt hiệu quả cao và rất nhiều địa phương không để dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (LMLM, tai xanh, cúm gia cầm) xảy ra trong nhiều năm qua, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

19-01-06_drdong_fmd
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra dịch bệnh LMLM tại Hà Tĩnh tháng 11/2013.

Cụ thể, từ tháng 7/2014 đến nay, gần như các tỉnh, thành trong cả nước khống chế rất tốt dịch bệnh LMLM, chỉ còn mỗi tỉnh Hà Tĩnh để dịch bùng phát, lây lan như đã nói. 

Theo chúng tôi, nguyên nhân dịch bệnh LMLM liên tục xuất hiện và lây lan diện rộng tại tỉnh Hà Tĩnh là do từ giữa năm 2012 địa phương đã chỉ đạo việc sát nhập các đơn vị (Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật là cơ quan quản lý chuyên ngành với Trạm truyền giống chăn nuôi, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ là đơn vị sự nghiệp) ở cấp huyện thành Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện (là đơn vị sự nghiệp) và giao cho UBND cấp huyện quản lý.

Hệ quả là công tác chỉ đạo chuyên môn thú y bị gián đoạn, không kịp thời; công tác báo cáo dịch bệnh và lấy mẫu xét nghiệm bệnh không được triển khai triệt để; công tác cảnh báo dịch, phối hợp phòng chống dịch liên huyện và huy động nhân lực có trình độ từ các huyện khác sang hỗ trợ phòng, chống dịch khẩn cấp sẽ không thực hiện được; công tác thanh kiểm tra, giám sát và chỉ đạo tại cơ sở của cơ quan thú y cấp trên gặp nhiều khó khăn. 

Theo quy định của pháp luật thú y, Trạm Thú y cấp huyện là cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trực thuộc Chi cục Thú y cấp tỉnh, là cánh tay nối dài của Chi cục Thú y để thực thi các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật thú y (như hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật thú y; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về công tác thú y; kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật để lưu thông trong nước; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ và đóng dấu kiểm soát giết mổ cho phép sử dụng sản phẩm thịt đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý tiêu hủy sản phẩm không đạt yêu cầu vệ sinh thú y; thu hồi các loại giấy chứng nhận; quản lý thuốc thú y…) và Trạm Thú y chỉ đóng trên địa bàn của các huyện để thực hiện nhiệm vụ cho thuận lợi. 

Như vậy, việc sáp nhập cơ quan quản lý chuyên ngành thú y ở cấp huyện với các cơ quan sự nghiệp khác ở cấp huyện thành đơn vị sự nghiệp để thực thi các nhiệm vụ của pháp luật thú y nêu trên là không theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời làm giảm hiệu quả của công tác thú y.

Từ thực tiễn này, đề nghị các địa phương đã tổ chức sát nhập cơ quan quản lý chuyên ngành thú y với các cơ quan sự nghiệp thành đơn vị sự nghiệp chung để thực thi nhiệm vụ của pháp luật thú y, cần sớm kiện toàn lại hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương tới cấp huyện theo đúng quy định của pháp luật thú y hiện hành, nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh truyền lây sang người và các hoạt động thú y khác.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.