| Hotline: 0983.970.780

Lai Châu lồng ghép nhiều nguồn vốn

Thứ Hai 23/12/2013 , 10:27 (GMT+7)

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, công tác quy hoạch, xây dựng đề án cho các xã tại tỉnh Lai Châu hoàn thành gần 100%.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, công tác quy hoạch, xây dựng đề án cho các xã tại tỉnh Lai Châu hoàn thành gần 100%. Có được điều này là do Lai Châu biết lồng ghép nhiều nguồn vốn, tập trung mọi nguồn lực xây dựng NTM.

Lai Châu là tỉnh miền núi đất rộng, người thưa, hạ tầng cũng như điều kiện SXNN của người dân còn gặp vô vàn khó khăn. Nơi đây tập trung 20 dân tộc anh em cùng sinh sống (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số). Toàn tỉnh có 7 huyện, 1 thị xã, 108 xã, phường, thị trấn…

Trong đó, có 96 xã nằm trong Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 của tỉnh. Theo ông Bùi Văn Mác, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Lai Châu, hiện cả 96 xã đã thành lập được Ban chỉ đạo và Ban quản lí xây dựng NTM.

Ở một tỉnh còn nhiều khó khăn như Lai Châu thì cái khó nhất là làm sao tuyên truyền cho dân hiểu, dân biết và làm theo. Ông Mác cho biết, tỉnh đã tổ chức hàng trăm hội nghị triển khai về xây dựng NTM đến từng huyện, xã, thị trấn… “Chúng tôi gắn Chương trình xây dựng NTM với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ đây, người dân có thể hiểu thế nào là NTM, NTM sẽ mang lại những gì”, ông Mác chia sẻ.


Lai Châu xác định cao su là cây trồng chủ lực

Không dừng lại ở đây, tỉnh còn phát động thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng NTM”. Qua chương trình, nhiều nhà hảo tâm, DN đã ủng hộ vào ngân sách số tiền gần 10 tỉ đồng.

Nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng NTM, UBND tỉnh Lai Châu đã mở 56 lớp tập huấn, thu hút trên 2.500 người tham gia. Ngoài ra, tỉnh còn mở lớp đào tạo nghề cho gần 7.500 người lao động.

Do lồng ghép được nguồn vốn từ nhiều chương trình, Lai Châu đang tăng cường hỗ trợ SX, nâng cao thu nhập cho người dân. Cao su hiện là cây lâm nghiệp chủ lực của tỉnh Lai Châu. Hết năm 2013, Lai Châu có trên 11.200 ha cây cao su, trong đó mới trồng là 5.300 ha.

Bên cạnh cây cao su, cây chè và cây cam cũng được xác định là cây trồng mũi nhọn. Toàn bộ vùng chè Tân Uyên, Tam Đường và TX Lai Châu đang được UBND tỉnh cho cải tạo, trồng lại. Dự kiến hết năm nay, diện tích chè toàn tỉnh sẽ đạt trên 3.200 ha. Trong đó, diện tích chè trồng mới là 179 ha, trồng tái canh 55 ha.

Về cây cam, theo kế hoạch đến năm 2015, Lai Châu sẽ có khoảng 500 ha tạo thành vùng SX hàng hóa. Không riêng cây cam, các vùng SX chuyên canh cho cây cao su, chè, thậm chí là lúa, ngô, rau màu các loại… cũng đang bước đầu hình thành. Tổng sản lượng lương thực năm 2012 của tỉnh Lai Châu đạt trên 177 nghìn tấn.

 Năm 2013, tính đến ngày 31/8, tổng sản lượng lương thực đạt trên 120 nghìn tấn, tăng 39 nghìn tấn so với cùng kì 2011. Nhờ có những bước đi đúng hướng trong phát triển nông nghiệp, cuộc sống của người dân nơi đâu ngày được cải thiện. Tỉ lệ đói nghèo năm 2012 đã giảm 5% so với 2011. Lương thực bình quân đầu người năm 2012 đạt 43kg/người. Thu nhập bình quân đạt 12,1 triệu/người/năm.

Ngoài đầu tư cho phát triển nông nghiệp, Lai Châu còn đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, 93/96 xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% thôn bản có đường xe máy đi lại thuận tiện. Về thủy lợi, tỉnh đã cho tu sửa, nâng cấp 297 công trình thủy lợi. Trong đó, có 203 công trình được xây mới, 524 km kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 80% diện tích SXNN.

Các tiêu chí như cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, nhà văn hóa… đang được các địa phương đẩy mạnh xây dựng. Tuy nhiên, ông Mác cho biết, hiện nay toàn tỉnh mới có 13 xã xây dựng được 13 chợ nông thôn (đạt 13,5%); trong đó cũng chỉ có 6 chợ đạt đúng theo tiêu chuẩn đã qui định.

Bên cạnh nguồn vốn được lấy từ ngân sách và các chương trình thì nguồn nội lực trong dân đang đóng vai trò then chốt trong quá trình xây dựng NTM. Nguồn vốn do người dân đóng góp bước đầu đang phát huy hiệu quả ở một số địa phương. Không ít hộ dân đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, tham gia đóng góp ngày công. Đến nay, người dân đã hiến được 28.000 m2 đất, hàng chục nghìn mét khối cát, sỏi cùng 70.000 ngày công làm đường, xây dựng các cơ sở hạ tầng khác.

Theo ông Bùi Văn Mác, cái khó nhất trong xây dựng NTM tại tỉnh Lai Châu hiện nay là nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó giảm hộ nghèo. Bên cạnh đó là hoàn thành các cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông, quy hoạch nhà ở dân cư.

Mục tiêu từ nay đến năm 2015 của Lai Châu là xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, cơ cấu kinh tế và tổ chức SX hợp lí, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể, đến năm 2015, Lai Châu sẽ có khoảng 16 xã cơ bản đạt chuẩn NTM.

"Chúng tôi sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tập trung hoàn thành các tiêu chí dễ làm, cần ít vốn, tiêu chí khó làm sau", ông Bùi Văn Mác.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất