| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 06/08/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 06/08/2015

Lại chết ở nhà tạm giữ

Mấy hôm nay, dư luận ở thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) sôi sục và bức xúc trước cái chết của anh Nguyễn Quảng Trường (43 tuổi, ở thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai).

Sự việc như sau: Vào khoảng 8 giờ 30 ngày 31/7/2015, có cuộc cưỡng chế nhà đối với hai hộ Nguyễn Quảng Quang và Nguyễn Thị Lùng tại thôn Du Nghệ. Anh Trường cũng có mặt tại đó để xem.

Rồi anh Trường cùng với chị Nguyễn Thị Hạnh, cháu Nguyễn Thị Huyền Trang, Nguyễn Quang Toàn bị CA huyện bắt đưa về nhà tạm giữ.

Từ lúc đó, gia đình không được gặp anh. 7 giờ 30 phút ngày 3/8, chị Phùng Thị Tâm, vợ anh Trường, nhận được điện thoại của công an thị trấn, yêu cầu cùng với bố chồng đến ngay bệnh viện huyện Quốc Oai có việc.

Đến nơi, gia đình chị Tâm được Công an huyện Quốc Oai thông báo anh Trường đã chết, xác được để ở nhà xác BV Quốc Oai.

Bác sỹ Giám đốc BV cũng xác nhận, trước đó, bệnh viện có tiếp nhận một bệnh nhân được đưa tới từ nhà tạm giữ của CA huyện Quốc Oai, nhưng bệnh nhân đã chết trước khi nhập viện, dù quãng đường từ nhà tạm giữ đến BV chỉ khoảng 500 mét.

Điều này khiến gia đình anh Trường vô cùng bất ngờ và bức xúc, bởi trước khi bị bắt vào sáng ngày 31/7, anh Trường hoàn toàn khỏe mạnh.

Hàng trăm người dân ở thôn Du Nghệ và thị trấn Quốc Oai đã kéo đến BV, yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Trường. CA TP Hà Nội phải vào cuộc.

Bất cứ một nghi can nào bị chết ở nhà tạm giữ, tạm giam, cũng làm dấy lên sự nghi ngờ của xã hội.

Con số do Bộ Công an đưa ra: Trong 3 năm (2011-2014), trên toàn quốc đã có 226 người chết tại các nhà tạm giữ, tạm giam, trong đó phần lớn là do các nghi can tự sát, đã khiến dư luận xã hội “dậy sóng” một thời, với câu hỏi: Liệu có phải các nghi can đó tự sát thật không?

Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi đã nhận được rất nhiều góp ý của người dân, chủ yếu là ý kiến của giới luật sư.

Trong đó có ba đề xuất được coi là mấu chốt của việc chống bức cung, nhục hình là:

1- Đưa quyền im lặng chờ đến khi có luật sư xuất hiện của nghi can vào Luật.

2- Đưa việc bắt buộc phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung vào luật.

3- Tách nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi sự quản lý của công an, giao cho một cơ quan khác như Bộ Tư pháp chẳng hạn, quản lý.

Trong 3 đề xuất đó, thì đề xuất tách nhà tạm giữ, tạm giam ra khỏi ngành Công an là quan trọng nhất. Làm được điều đó, thì các điều tra viên bắt buộc phải làm thủ tục trích xuất nghi can ra khỏi trại tạm giam, nhà tạm giữ do một cơ quan khác quản lý.

Cơ quan quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ có thể làm thủ tục khám sức khỏe cho nghi can trước khi trích xuất giao cho điều tra viên.

Và sau buổi hỏi cung, nếu thấy nghi can có biểu hiện gì về vấn đề sức khỏe, thi cơ quan quản lý sẽ lập biên bản ghi nhận.

Nhưng xem ra, việc đưa hai đề xuất trên vào luật và việc tách hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi ngành Công an, còn lắm gập ghềnh.

Và trong khi chờ Quốc hội thông qua dự luật Bộ luật TTHS sửa đổi trên, thì những cái chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam như trường hợp anh Trường vẫn cứ xẩy ra.

Bình luận mới nhất