| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 28/03/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 28/03/2018

Lại chuyện bò cấp cho người nghèo 'đi lạc'... ở Quảng Trị

Lãnh đạo xã Triệu Độ đã cấp 8/10 con bò giống đó cho những hộ là người nhà của các cán bộ xã. Và đến nay thì 5/8 con bò giống đó đã bị... làm thịt...

Hết chuyện dê cấp cho người nghèo “đi lạc” vào nhà quan huyện ở Thanh Hóa, chuyện gà cấp cho người nghèo “đi lạc” vào nhà quan xã ở Quảng Nam, thì mấy ngày nay, dư luận lại xôn xao và vô cùng bức xúc trước việc bò cấp cho người nghèo “đi lạc” vào nhà người thân của cán bộ xã ở Quảng Trị.

Số là xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) được trên hỗ trợ 10 con bò giống để phát triển chăn nuôi hộ gia đình, mỗi con trị giá 18 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 14 triệu, người nuôi đối ứng 4 triệu. Đối tượng được nhận bò là các hộ nghèo trực tiếp chăn nuôi. Mỗi hộ được nhận bò phải cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác con bò giống 48 tháng. Việc nhận bò bắt đầu từ đầu năm 2018.

Thế nhưng lãnh đạo xã Triệu Độ đã cấp 8/10 con bò giống đó cho những hộ là người nhà của các cán bộ xã. Và đến nay thì 5/8 con bò giống đó đã bị... làm thịt.

Bò đực giống được hỗ trợ dịp cuối năm 2017 tại UBND xã Triệu Độ. (Ảnh: Hưng Thơ/Báo Lao động)

Thật là không thể tưởng tượng nổi. Mỗi con bò giống, nếu về với một hộ nghèo, đều trở thành một cái “cần câu cơm” để giúp họ vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, để cấp bò vào đúng chỗ cần cấp, đòi hỏi một quy trình hết sức khắt khe và chặt chẽ. Trước hết, cần có sự bình chọn của cộng đồng. Và chỉ sau khi sự bình chọn của cộng đồng là thỏa đáng, không còn những thắc mắc, khiếu nại, thì cấp trên mới xét duyệt.

Nhưng phần lớn những “cần câu cơm” đó đã không đến với những người nghèo ở Triệu Độ, mà lại về tay những người thân của lãnh đạo, để rồi được đưa vào lò mổ. Cứ bán mỗi con bò giống đó vào lò mổ với giá đúng như giá nhà nước quy định là 18 triệu, thì sau khi trừ đi 4 triệu đồng đối ứng, người bán cầm gọn 14 triệu đồng bỏ túi, trước hàng chục con mắt tiếc nuối của những người ngèo. Và tất nhiên, người bán còn được thêm những bữa nhậu “túy lúy”. Miếng thịt bò giống bỗng nhiên “từ trên trời rơi xuống” chắc chắn là ngon hơn những miếng thịt bò bình thường, phải bỏ tiền ra mua ngoài chợ.

Trước sự xôn xao của dư luận, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Triệu Độ đã lên tiếng, rằng bò được cấp trên đưa xuống đúng vào dịp tết dương lịch 2018, vì gấp quá nên ông Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã, đã nhận bò rồi... chia luôn cho các hộ nói trên “cho tiện”.

Thật là một cách giải thích cũng “rất tiện”. Nhưng, tết dương lịch thì có gì mà gấp gáp, mà bận rộn?

Dư luận đang chờ UBND huyện Triệu Phong mở một cuộc thanh tra, để giải đáp câu hỏi: Đằng sau việc cấp bò không đúng chỗ này, có phải chỉ là sự vô trách nhiệm, thiếu công bằng, hay còn là một vụ chia chác? Những hộ đã bán bò vào lò mổ kia, có được cầm cả số tiền đó không? Hay là phải chia chác cho người quyết định cấp bò cho họ?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm