| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 02/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 02/02/2015

Lại chuyện “chạy chức, chạy quyền”

Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng đảng diễn ra tại Hà Nội ngày 29/1/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Trong những lời phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư đã nhắc đến chuyện chạy chức, chạy quyền: Hiện nay trong dân gian, dư luận xã hội vẫn nói câu chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy bằng khen, chạy thi đua, chạy chế độ, chạy luân chuyển. Tổng Bí thư đề nghị hội nghị thảo luận xem có chuyện đó không?

"Không chỉ trong ngành tổ chức cán bộ, mà cả ở đào tạo, giáo dục, cứ thấy bao nhiêu tỷ vào chức này chức kia mà xót cả ruột, nhức cả đầu. Người ta nói giờ chạy cũng tinh vi lắm.

Ai thừa nhận mình chạy, mà dưới dạng đi thăm, đi chúc Tết, ngày lễ gửi quà cũng rất khéo, nhưng nhận rồi thì há miệng mắc quai, tay đã nhúng chàm, mai kia xét phải nể. Người không được vào quy hoạch vì không đến thăm ai có phải không? Cứ nhìn thẳng vào sự thật, nói thật.

Hội nghị hãy thảo luận để khẳng định sòng phẳng, rõ ràng. Nếu có thì ta rút kinh nghiệm. Ai chạy? Chạy ai? Ở đâu? Mức độ thế nào? Cứ để dân gian nói mà không có thì oan cho anh em. Làm 8-9 việc tốt nhưng một việc có chuyện thôi là tổ chức chịu…", dẫn lời Tổng Bí thư.

Chuyện chạy chức, chạy quyền, lâu nay vẫn râm ran, dai dẳng trong xã hội. Và xã hội vẫn tin rằng chuyện đó là có thật. Các vị đại biểu Quốc hội cũng đã nhiều lần chất vấn các đời Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chuyện này tại các kỳ họp Quốc hội.

Nhưng các cơ quan chức năng thì chưa “vớ” được vụ nào. Mà nói thẳng ra, là các cơ quan chức năng đã hoàn toàn bất lực, chịu bó tay. Bởi nói như người xưa, thì việc “chạy” này chỉ có “Tứ tri”, nghĩa là 4 biết: Người chạy biết. Người được chạy biết. Trời biết. Đất biết.

Trời và đất thì đã im lặng rồi (Thiên hà ngôn tai - Nghĩa là trời có nói gì đâu). Còn người chạy và người được chạy, thì dĩ nhiên cũng im lặng nốt. Thế nên, những vụ chạy chức, chạy quyền, nếu có, thì vẫn chìm trong bóng tối. Và tiếng đồn vẫn chỉ là tiếng đồn.

Về chuyện chạy chức, chạy quyền này, khi trả lời báo Đất Việt, PGS-TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học Quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính, Trưởng khoa Quản lý Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia, đã đề xuất một biện pháp chống chạy chức, chạy quyền rất độc đáo: Đã không chống được thì cần luật hóa, cho phép chạy chức, chạy quyền.

Lập luận của PGS-TS Nguyễn Hữu Tri là: Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên. Nhà nước quản lý được. Và sẽ không có khoản ngầm chạy vào túi ai hết.

Phải thừa nhận, ý kiến của PGS-TS Nguyễn Hữu Tri là một ý kiến mới mẻ và độc đáo. Mới mẻ và độc đáo ở chỗ chưa có người Việt Nam nào nghĩ ra. Và trên thế giối, tin rằng cũng chưa có ai nghĩ ra.

Nhưng muốn “Luật hóa, cho phép chạy chức, chạy quyền” được, thì phải trả lời, phải khẳng định dứt khoát được một câu hỏi: "Xã hội ta có chuyện chạy chức, chạy quyền hay không" cái đã.

Hy vọng rằng sau những lời chỉ đạo rất rõ ràng của Tổng Bí thư tại hội nghị trên, câu hỏi này sẽ được trả lời dứt khoát.