| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 18/08/2014 , 09:05 (GMT+7)

09:05 - 18/08/2014

Lại chuyện đu dây qua suối

Vừa hết chuyện dân Tây Bắc phải qua suối bằng bao ni lông. Thì mới đây dư luận lại nhức nhối vì chuyện người dân thôn 7 và thôn 8, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) phải đu dây qua suối như làm xiếc.

Chuyện rằng con suối Ea Rếch (còn gọi là suối 34) chảy qua thôn 7 và thôn 8, xã Ea Huar, đổ ra sông Sêrêpôk mùa này nước chảy xiết, lòng suối rộng hơn 15 m, sâu 3-4 m. Phần lớn nương rẫy của hai thôn này đều ở bên kia suối. 

Muốn sang rẫy, đi đường vòng tránh suối thì mất tới 15 km. Không còn cách nào khác, người dân hai thôn phải dùng một sợi cáp buộc vào hai cây rừng ở hai bên suối, gắn vào cáp hai cái ròng rọc rồi bám vào đó, đu mình qua bên kia để vào rẫy mưu sinh, tối đến lại đu mình qua suối về nhà.

Không chỉ người mà còn tất cả các phương tiện và đồ đạc phục vụ cho việc làm nương như xe máy, phân tro. Không chỉ người lớn, mà nhiều người phải mang cả trẻ con đu mình qua suối, bởi để chúng ở nhà thì không có ai trông.

Không ai không rùng mình khi phải chứng kiến cảnh người dân phải đu mình trên dây, bên dưới là dòng suối đục ngầu, chảy xiết, vô cùng hung dữ.

Chỉ cần đuối sức, hay sợi cáp mỏng manh kia đứt một cái, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Mà thực sự nguy hiểm đã xảy ra. Có người rơi cả xe máy xuống suối. Có người đã rơi xuống suối, may mà biết bơi, nếu không thì khăn tang đã trắng cả thôn rồi…

Chuyện qua suối bằng bao ni lông đã biến cả một bản của Tây Bắc thành những vận động viên bơi lội cừ khôi, dù họ chưa một lần được đến những đấu trường thể thao ở khu vực hay thế giới.

Chuyện đu mình qua suối cũng đã biến người dân hai thôn trở thành những diễn viên xiếc tài giỏi, dù họ chưa một lần được đến rạp xiếc Trung ương ở Thủ đô.

Hỏi lãnh đạo địa phương, sao không làm cầu cho dân đi. Ai cũng lắc đầu: “Không có tiền. Trước có cầu tạm nhưng cầu đã bị nước cuốn trôi mất rồi. Muốn làm cầu kiên cố thì phải chờ trên thôi”. Tiền ở đâu?

Trước đó, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), có tổng mức đầu tư 552 triệu USD, đã bị đội vốn lên thành 891 triệu USD, nghĩa là tăng tới 339 triệu USD.

Nguyên nhân do nhà thầu EPC là Cty Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc (lại Trung Quốc!) thiếu kinh nghiệm, cũng như lỗi chủ quan của chủ đầu tư là Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GT-VT) trong việc lập thiết kế cơ sở, lập dự toán không chuẩn, và nhiều nguyên nhân khác nữa, đã khiến dự án bị đội vốn.

Trước việc đội vốn tới 339 triệu USD đó, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, đã nhún vai khi trả lời báo chí: “Mới điều chỉnh có một tý, việc gì đã rùm beng cả lên”. Nghe câu trả lời của ông, người ta tưởng chừng như nghe một “bà Còng” vừa mất vài ngàn bạc vì mua phải mớ rau đắt ngoài chợ quê.

339 triệu USD, nghĩa là gần 7.000 tỷ đồng. Một cái cầu kiên cố bắc qua con suối có độ dài chỉ hơn 15 m, già dặn lắm thì hết 1 tỷ, là có thể mang lại lợi ích cho cả hai thôn.

Giá như Cục Đường sắt Việt Nam lựa chọn được một nhà thầu có kinh nghiệm. Và giá như… Rất nhiều cái giá như nữa, khiến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không bị đội vốn đến chừng ấy.

Bình luận mới nhất