| Hotline: 0983.970.780

Lại chuyện lừa dân

Thứ Ba 15/02/2011 , 11:09 (GMT+7)

Lẽ ra phải trả lại cho dân 600 triệu nhưng UBND xã Tân Lập lại bày trò lừa những hộ dân bị ăn chặn tiền đền bù.

Báo NNVN ra ngày 21/4/2010 đã đăng bài “Thu hồi đất của dân, trả tiền đền bù cho…chủ doanh nghiệp”, phản ánh việc năm 2000, UBND xã Tân Lập (huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) đã in sẵn những “đơn thỏa thuận” với nội dung các hộ dân cho Cty Vĩnh Lợi (do bà Nguyễn Thị Mai làm chủ, có địa chỉ tại 16 T81 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội) thuê diện tích đất nông nghiệp (mà họ được giao theo Nghị định 64/CP năm 1993 của Chính phủ) trong thời hạn 13 năm (2000-2013), mỗi năm 1 sào đất (360 m2) được Cty Vĩnh Lợi trả 1 triệu đồng, là tiền hoa lợi trên đất đó, tổng số tiền thuê 13 năm cho mỗi sào đất là 13 triệu đồng.

Được sự vận động của xã, cả chục hộ dân thuộc cụm 10 xã Tân Lập đã đồng ý cho Cty Vĩnh Lợi thuê theo điều kiện trên, đã nhận tiền và giao tổng số 4.716 m2 tại khu đồng Đá Sỏi cho Cty. Nhưng suốt từ năm 2000 đến năm 2007, Cty Vĩnh Lợi đã bỏ hoang hoàn toàn diện tích đó. Ngày 11/5/2007, UBND Hà Tây cũ có quyết định thu hồi vĩnh viễn diện tích đất trên, và phê duyệt giá đền bù với mức 46 triệu đồng/sào. Được tin, hơn 10 hộ dân trên đã đến cơ quan chi trả tiền đền bù để nhận tiền, nhưng đến nơi, họ mới ngã ngửa ra rằng tổng số tiền 607.412.800 đồng, là tiền đền bù cho diện tích đất trên của họ, đã bị bà Nguyễn Thị Mai lĩnh hết. Đây có thể nói là một vụ ăn chặn tiền đền bù đất của dân một cách trắng trợn nhất từ trước tới nay mà chúng tôi từng thấy.

Trước “đơn kêu cứu” của cả chục hộ dân và ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, lẽ ra UBND xã Tân Lập, Ban chi trả tiền đền bù của huyện phải thu hồi lại số tiền hơn 600 triệu nói trên của bà Nguyễn Thị Mai để trả lại dân, theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng không, UBND xã Tân Lập lại bày trò lừa những hộ dân đó. Ngày 10/1/2011, UBND xã phát giấy mời, mời những hộ dân trên đến trụ sở UBND xã vào ngày 11/1/2011 để “Hoàn thiện hồ sơ đất dịch vụ khu Đá Sỏi”.

Tại buổi làm việc do ông Lê Tuấn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập chủ trì, các hộ dân đã khẳng định: Họ không chuyển nhượng diện tích đất trên cho Cty Vĩnh Lợi mà chỉ cho Cty thuê trong thời hạn 13 năm. Như vậy, họ vẫn là chủ sử dụng hợp pháp của diện tích đất trên. Theo quy định của pháp luật, thì khi đất bị thu hồi, tiền đền bù đất và diện tích đất dịch vụ phải được giao cho chủ sử dụng đất chứ không được giao cho người thuê. Việc Ban GPMB huyện Đan Phượng trả số tiền trên cho bà Mai là hoàn toàn trái pháp luật. Các hộ dân đã yêu cầu phải thu hồi lại số tiền đó để trả cho họ. Do đất bị thu hồi trước thời hạn, nên sau khi nhận được tiền, các hộ dân sẽ trả lại số tiền 13 triệu đồng/sào, là tiền thuê đất trong 13 năm mà họ đã nhận của bà Mai trước đây. Ý kiến này được ghi rành rọt trong biên bản do UBND xã lập.

Nhưng ngay sau đó, UBND xã Tân Lập cùng với bà Nguyễn Thị Mai (chủ Cty Vĩnh Lợi) đã lập một biên bản khác, với nội dung hoàn toàn ngược lại. Biên bản không có ngày, tháng, năm, có nội dung giữa bà Nguyễn Thị Mai và các hộ dân trên đã “thỏa thuận và thống nhất” như sau: Các hộ dân có đất thu hồi được nhận đất dịch vụ. Còn bà Nguyễn Thị Mai được nhận trên 600 triệu đồng tiền đền bù đất và “không có yêu cầu gì với các hộ dân”. Biên bản cũng ghi rằng hai bên tự nguyện lập, nhất trí tán thành và không thắc mắc, khiếu kiện gì nữa. Biên bản do ông Bùi Ngọc Long, cán bộ UBND xã lập. Ngoài chữ ký của ông Long còn có chữ ký của ông Nguyễn Xuân Nghĩa, địa chính xã và bà Nguyễn Thị Mai.

Nếu tờ “biên bản” này mà được gửi lên các cơ quan cấp trên để báo cáo rằng việc khiếu kiện, thắc mắc về số tiền đền bù đất giữa các hộ dân và bà Mai “đã giải quyết xong”, thì một lần nữa, cả chục hộ dân mất đất lại bị lừa, và mất trắng số tiền đền bù đất.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất