| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 22/10/2014 , 09:46 (GMT+7)

09:46 - 22/10/2014

Lại chuyện nợ xấu

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thì nếu dùng tiền thuế của dân để trả nợ xấu cho các DNNN, là Chính phủ đã biến nợ của các DNNN thành nợ công, và điều đó là không đúng, không thể chấp nhận. 

Việc dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu, cụ thể là lấy tiền thuế của dân cấp cho các ngân hàng thương mại một khoản “tiền tươi, thóc thật” để các ngân hàng đó xóa những khoản nợ xấu cho doanh nghiệp nhà nước(DNNN), không còn là ý kiến của một số chuyên gia nữa, mà đã được đặt lên bàn nghị sự kỳ họp Quốc hội lần này để xin ý kiến. Đấy là một điều khá bất ngờ. Bởi mới cách đây không lâu, cơ quan có thẩm quyền vẫn luôn luôn khẳng định rằng không dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu.

Nợ xấu từ đâu sinh ra, hẳn ai cũng biết, chẳng cần nhắc lại làm gì. Và đó hoàn toàn là nợ riêng, là chuyện riêng giữa các doanh nghiệp với các ngân hàng. Thói đời, có vay thì có trả. Không trả được thì làm thủ tục phá sản, trao tài sản thế chấp cho ngân hàng để ngân hàng phát mại, thu hồi lại tiền gốc, tiền lãi. Đó là những chuyện rất bình thường trong một xã hội có nền kinh tế khỏe mạnh.

Tổng thu ngân sách của nước ta vốn đã thu ít, chi nhiều, không năm nào không thiếu trước hụt sau do bội chi. Đã thế, việc chi tiêu lại chưa hợp lý, chi thường xuyên tới 72%. Phần còn lại dùng để chi cho đầu tư phát triển, chi trả nợ nước ngoài… không đáng bao nhiêu.

Nợ nước ngoài đã sắp đến ngưỡng báo động, trong bối cảnh phải vất vả xoay xở để trả nợ cũ. Đến tiền tăng lương cho bộ máy cũng chưa có. Nay lại phải trích ra để trả một khoản nợ xấu khổng lồ cho mấy DNNN vốn chỉ quen “vung tay áo xô đốt nhà táng giấy”, thì sẽ ra sao?

Số nợ xấu của các DNNN bằng bao nhiêu phần trăm ngân sách? 10, 15 hay 20 phần trăm? Không ai biết chính xác. Bởi con số nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, mà chủ yếu là nợ xấu của DNNN, được đưa ra mỗi lúc một khác. Chỉ biết rằng nợ xấu đã trở thành một “cục máu đông”, làm tắc nghẽn các “mạch máu” của nền kinh tế, cản trở sự phát triển của đất nước.

Đã có không ít ý kiến bênh vực cho việc dùng tiền thuế của dân trả nợ xấu thay cho DNNN này, tiêu biểu như ý kiến của một vị tiến sỹ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rằng: “Phải nói rõ với dân, là tiền thuế của dân cơ bản không bị đụng đến, mà chỉ lấy phần thuế thu của DNNN (hơn 30% nguồn thu), tạm ứng để cứu mấy doanh nghiệp…”.

Kỳ lạ thật. Khi mới thành lập, các DNNN đều được nhà nước lấy tiền thuế của dân cấp vốn cho để sản xuất, kinh doanh, nên mới có tiền mà nộp ngân sách. Thế thì tiền thu được từ các DNNN này cũng chính là tiền của dân. Chứ sao lại nói rằng lấy tiền này trả nợ xấu thì “tiền thuế của dân cơ bản không bị đụng đến”?

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thì nếu dùng tiền thuế của dân để trả nợ xấu cho các DNNN, là Chính phủ đã biến nợ của các DNNN thành nợ công, và điều đó là không đúng, không thể chấp nhận.

Một câu hỏi nữa cũng cần đặt ra, là tại sao chỉ trả nợ xấu cho các DNNN? Còn các doanh nghiệp khác thì sao? Họ bỏ tiền túi ra để sản xuất, kinh doanh, lấy tiền nộp ngân sách, chứ hoàn toàn không được nhà nước cấp vốn. Tại sao lại có sự bất công như vậy?

Việc làm này khác nào thừa nhận rằng nợ xấu đã không còn cách giải quyết nào khác. Thôi thì… toàn dân chịu vậy!

Bình luận mới nhất