| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 22/10/2015 , 09:04 (GMT+7)

09:04 - 22/10/2015

Lại chuyện nói một đằng, làm một nẻo

Đó là câu chuyện xung quanh nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Từ dự án xây dựng nhà máy đến sự thực có sự khác nhau rất xa.

Thông tin về một nhà máy xây dựng hết trên 7.000 tỷ đồng (325 triệu USD), nhưng xây xong rồi “đắp chiếu” bởi chỉ mới hơn 1 năm hoạt động, đã lỗ tới 1.700 tỷ đồng, đang đứng trước nguy cơ phá sản, được báo chí phanh phui, đã khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bằng một thái độ vô cùng bức xúc.

Đó là nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex Hải Phòng), do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, dự định dùng nguyên liệu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi, với mục đích giúp ngành dệt may Việt Nam tự chủ được một phần nguyên liệu.

Đó có thể nói là một ý tưởng rất tốt. Chỉ có điều là từ dự án xây dựng nhà máy đến sự thực có sự khác nhau rất xa. Chỉ nêu lên một vài con số, cũng thấy rõ điều đó: Báo cáo khả thi khẳng định tiền điện hàng năm để vận hành nhà máy chỉ hết 4,69 triệu USD, trong khi thực tế hết tới 12 triệu USD; chi phí hóa chất phụ liệu chỉ hết 500 ngàn USD, trong khi thực tế lên tới 11 triệu USD. Một số chi phí khác như khí đốt, nhân công… đều tăng từ 1,5 đến 3 lần.

Báo cáo khả thi khẳng định chỉ cần 500 nhân viên để vận hành nhà máy, nhưng thực tế phải thuê tới 1.000 người. Theo tính toán ban đầu, thì chỉ sau 8 năm 8 tháng là chủ đầu tư sẽ thu hồi được vốn. Nhưng khi tính toán lại, thì phải sau 22 năm 10 tháng mới thu hồi nổi vốn.

Thế nên xơ sợi làm ra có giá thành cao, không cạnh tranh nổi với nguyên liệu nhập ngoại. Tính ra mỗi tấn xơ sợi, nhà máy lỗ 3,3 triệu đồng. Nên mới sau hơn 1 năm sản xuất, số lỗ đã lên tới 1.700 tỷ đồng, đành cho nhà máy “đắp chiếu”, sau khi xin “cơ chế đặc thù” như đề nghị Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với xơ sợi polyester nhập khẩu, yêu cầu các đơn vị dệt may trong nước phải sử dụng xơ sợi của PVTex Hải Phòng, miễn giảm thuế V.A.T, miễn giảm tiền điện, nước, chi phí thuê đất, chi phí quản lý, xử lý nước thải của khu công nghiệp Đình Vũ đối với PVTex trong 2 năm, nhưng không được.

Tính toán không sát, cứ ném tiền của Nhà nước qua cửa sổ, đến lúc sản xuất mới đội chi phí lên, dẫn đến giá thành cao, ế chỏng gọng, thì lại chạy vạy khắp nơi để xin “cơ chế đặc thù”. Hay nợ ngân hàng đầm đìa, không có khả năng chi trả thì lại xin Chính phủ cho “khoanh nợ”.

Đó là thói quen của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, có nguồn gốc từ cơ chế xin - cho, vẫn còn khá phổ biến trong tư duy kinh tế của rất nhiều người. Trong khi cơ chế thị trường là một cơ chế dựa trên quy luật cung - cầu, thuận mua vừa bán. Nồi cơm của anh đầy hay vơi là do anh sản xuất ra mặt hàng gì? Làm ra rồi có bán được hay không? Và bán có lãi hay không? Chứ làm gì có chuyện để cứu một nhà máy đang ế hàng mà Bộ Tài chính phải áp thuế nhập khẩu và hạn ngạch với cùng một loại hàng do nhà máy sản xuất? Làm gì có một mệnh lệnh hành chính nào buộc được các cơ sở dệt may trên cả nước phải sử dụng xơ sợi do PVTex sản xuất, trong khi cũng mặt hàng đó, họ nhập ngoại với chi phí rẻ hơn? Làm gì có chuyện hễ cứ lỗ là ngành thuế phải miễn giảm thuế?

Trước thực trạng trên, đã có chuyên gia kinh tế gợi ý là PVN nên bán nhà máy. Nhưng vấn đề là bán cho ai?

Bình luận mới nhất