| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 16/11/2011 , 09:32 (GMT+7)

09:32 - 16/11/2011

Lại chuyện… nửa vời

Đặt cược đua ngựa, đua chó và đặt cược thể thao đã được nhiều nước trên thế giới chấp nhận từ rất lâu, trở thành một ngành kinh doanh, và họ đã làm ăn khá phát đạt, mang lại nguồn thu lớn. Nhưng ở ta, do “mặc cảm” rằng đó là một hình thức…cờ bạc, nên mãi đến tháng 10/2010, nghị định về kinh doanh cá cược mới được Bộ Tài chính khởi thảo, và theo dự kiến thì sẽ trình Chính phủ vào tháng 11/2011 này.

Muộn còn hơn không. Bởi trước nay, tuy cấm, nhưng cá cược trong đua ngựa, đua chó và cá cược thể thao ở ta đã trở thành phổ biến, từ thành thị đến thôn quê, người tham gia thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội. Nhiều vụ án gây chấn động dư luận đã có nguyên nhân từ sự cá cược này, mà vụ án PMU 18, vụ án Dũng “Kiều” là những ví dụ điển hình, và kết quả là một khoản lợi nhuận khổng lồ đã chạy vào túi bọn trùm tổ chức.

Thế nhưng, một số điều mà dự thảo nghị định đưa ra lại rất “nửa vời”. Có thể nói là “cánh cửa” cho loại hình kinh doanh này đã được mở, nhưng mới chỉ…he hé. Ví như với kinh doanh cá cược đua ngựa, đua chó, doanh nghiệp kinh doanh chỉ được sử dụng các kết quả các cuộc đua tại trường đua… do mình quản lý. Còn với các cuộc đua quốc tế thì danh mục các cuộc đua được phép tổ chức cá cược phải “do Bộ Tài chính ban hành”.

Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp nào muốn kinh doanh cá cược phải tự bỏ tiền ra mà xây dựng trường đua. Với thể thao, dự thảo cũng mới chỉ cho phép đặt cược bóng đá, mà là bóng đá của các giải đấu quốc tế, danh mục giải đấu cũng phải do Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành. Đặt cược bóng đá nội và các bộ môn thể thao khác vẫn hoàn toàn nằm “ngoài vòng pháp luật”.

Những quy định này khá kỳ quặc. Đã kinh doanh, là doanh nghiệp phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nên họ phải tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của xã hội, do đó tổ chức cá cược giải nào, trận nào phải do họ lựa chọn, miễn là không trái với quy định của pháp luật (nếu những giải do Bộ Tài chính hay liên bộ Tài chính- Văn hóa- Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục nhưng người chơi không hào hứng, thì sao?).

Một sự ràng buộc nữa thể hiện tính “nửa vời” của dự thảo nghị định, là việc tổ chức đặt cược đua ngựa, đua chó, bao gồm cả việc sử dụng kết quả các trận đua quốc tế, không được quá 3 ngày mỗi tuần. Mức đặt cược tối thiểu mỗi lần 10 ngàn đồng, mỗi người trong một ngày không được đặt cược quá 1 triệu đồng.

Những ràng buộc đó không chỉ “nửa vời” mà còn bất cập. Mỗi tuần có 7 ngày. Nếu ngoài 3 ngày doanh nghiệp được phép tổ chức cá cược mà vẫn có các cuộc đua khác được tổ chức, hay các giải đua quốc tế vẫn diễn ra, thì sao? Đương nhiên là với các cuộc đua đó, những người “máu mê cá cược” vẫn ném tiền vào, nhưng là ném vào những cuộc cá cược “đen” như chúng vẫn diễn ra trước khi có nghị định.

Nhưng dù sao mặc lòng. Dự thảo về nghị định kinh doanh cá cược ra đời cũng được xã hội ghi nhận như là một bước tiến. Và nếu được thông qua, thì nghị định này sẽ là cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với hoạt động cá cược đang diễn ra tràn lan, phổ biến lâu nay, và mang lại một nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính, thì nguồn thu này sẽ lên tới hàng ngàn tỷ mỗi năm.