| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 21/03/2013 , 09:47 (GMT+7)

09:47 - 21/03/2013

Lại chuyện thông tư “trên trời”

Quy định bắt xuất trình "giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường" khi tham gia giao thông làm người dân ngơ ngác.

Những quy định trong điều 6 của Thông tư số 11/2013/TT-BCA (hướng dẫn thi hành một số nội dung của Nghị định 34/2010/NĐ-CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ 15/4/2013) ghi: "Tại thời điểm kiểm soát, người điều khiển phương tiện giao thông không xuất trình được đăng ký, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thì bị tạm giữ phương tiện và xử lý theo quy định...”, vừa được Bộ Công an ban hành, đã khiến người dân vừa ngơ ngác vừa choáng váng.

Ngơ ngác và choáng váng, vì từ trước tới nay, người điều khiển mô tô, xe máy khi tham gia giao thông chỉ phải mang theo mấy loại giấy tờ là đăng ký xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm, là có thể yên tâm qua bất kỳ trạm hay điểm kiểm soát giao thông nào của công an, nếu không vi phạm điều nào trong Luật Giao thông đường bộ.

Còn thì không một ai biết cái Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của mô tô, xe máy nó mặt ngang mũi dọc thế nào, do cơ quan nào cấp?

Theo Thông tư số 22 ngày 6/10/2009 của Bộ GT-VT thì việc kiểm tra định kỳ đánh giá an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới không áp dụng với mô tô, xe máy.


Ảnh minh họa

Lạ lùng hơn nữa là điều 6 Thông tư 11/2013/TT-BCA nói trên ghi là hướng dẫn thực hiện điểm b, điểm c, khoản 2 điều 24 của Nghị định 34/2010/NĐ-CP, thế nhưng chính điều khoản đó của Nghị định 34/2010/NĐ-CP lại không hề nói đến giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của mô tô, xe máy, mà chỉ nói đến đăng ký xe, giấy phép lái xe.

Thông tư của Bộ GT-VT không quy định áp dụng việc kiểm tra định kỳ đánh giá an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với mô tô, xe máy. Nghị định của Chính phủ cũng không quy định vậy. Thế thì vì sao những nhà soạn thảo thông tư của Bộ Công an lại đưa cái thứ giấy tờ xưa nay chưa hề có, chưa ai được cấp ra, để hạch hỏi người dân.

Thông tư 11 đã được phổ biến, triển khai đến tận các cấp nhỏ nhất của lực lượng Công an, để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày 15/4. “Quan cứ lệnh, lính cứ truyền”. Tới đây, cảnh sát giao thông sẽ cứ chiếu luật mà thẳng tay, điều đó đồng nghĩa với việc, người điều khiển mô tô, xe máy khi tham gia giao thông sẽ vô cùng khốn khổ.

Vì nếu như trước đây chỉ cần đăng ký xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm, thì nay ngoài những thứ đó, còn phải chứng minh rằng xe tôi chính chủ, tôi dùng xe của người nhà chứ không phải tôi mua lại mà không sang tên đổi chủ..., mũ bảo hiểm của tôi là mũ thật chứ không phải mũ rởm.

Dân mình vốn có tính cam chịu rất cao, rất sợ nhà chức trách, chỉ muốn yên thân để kiếm miếng cơm ăn trong cái thời buổi củi quế gạo châu này, nên những thứ đó, thôi thì khổ đến đâu cũng có thể khắc phục được.

Nhưng còn cái giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kia, thì khắc phục làm sao? Bởi chẳng ông công dân nào lên giời mà xin được nó, còn trần gian thì chưa có.

Chuyện ngồi trên giời ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hay văn bản quy phạm pháp luật trên giời, xa lạ với đời sống đến mức không thể thực hiện được, ở ta, lâu lâu lại rộ lên, trước còn thưa sau cứ mỗi ngày một dầy dần.

Phải chăng đây là biểu hiện rõ nét nhất của một nền hành chính không chuyên nghiệp?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm