| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 09/08/2017 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 09/08/2017

Lại chuyện thương lái Trung Quốc nhiễu loạn thị trường Việt

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) mới đây đã lên tiếng về việc có hiện tượng thương lái Trung Quốc gây náo loạn thị trường loại nông sản này.

Theo đó, một nhóm thương lái (hoặc giả thương lái) Trung Quốc đã đến các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đặt vấn đề sẽ mua với số lượng lớn, giá nào cũng mua, và yêu cầu ký ngay hợp đồng. Sau đó, những người này thuê chỗ ở gần các công ty và luôn luôn đến thúc giục việc thực hiện hợp đồng.

Theo hợp đồng, thì sau 3 ngày ký, người mua phải chuyển tiền đặt cọc. Nhưng những thương lái này, một mặt luôn luôn khẳng định bằng mồm rằng sẽ mau, một mặt tìm mọi lý do để dây dưa không nộp tiền đặt cọc, nào là ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ, nào là đối tác đặt mua hồ tiêu của họ chậm chuyển tiền đặt cọc cho họ...

Khi thấy các doanh nghiệp Việt Nam khởi động việc thu gom từ các đại lý, họ càng ráo riết thúc giục thực hiện hợp đồng, và sẵn sàng điều chỉnh hợp đồng để tăng giá mua, chỉ có điều tiền đặt cọc thì vẫn liên tục khất với những lý do rất “chính đáng”. Lúc việc thu gom hồ tiêu bị đẩy lên mức cao trào, họ mới tung lượng hồ tiêu của mình ra bán cho các đại lý với giá cao ngất ngưởng. Sau khi bán hết, họ lập tức chuồn êm, gọi điện thì “tò te tí...”.

Chiêu thức này hoàn toàn cũ rích, đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần, với rất nhiều loại nông sản, thực phẩm khác nhau, từ lợn, gia cầm, tôm cá đến gạo, cà phê... Rất nhiều người Việt đã biết rất rõ cái “mánh” này.

Đầu tiên, các thương lái Trung Quốc thu mua một lượng lớn nông sản của Việt Nam với giá bằng giá thị trường hoặc thấp hơn, gom lại một chỗ. Bước thứ hai là “thổi” giá những nông sản đó lên tận trời, tạo nên một cơn sốt giả. Và khi cơn sốt giả đó ở vào đỉnh điểm, là lúc họ thực hiện bước thứ ba: Tung lượng nông sản đã gom tại Việt Nam trước đó ra bán với giá rất cao. Kết quả là họ thu được một món lãi rất lớn. Sau khi bán hết số hàng của mình, họ lập tức chuồn êm, và cơn sốt giả cũng lập tức hạ nhiệt, chìm xuồng.

Cơn sốt giả do họ tạo ra hạ nhiệt, chìm xuồng, nhưng hậu quả do họ để lại thì vô cùng thảm khốc. Hàng trăm đại lý đã thu gom hàng trong dân với số lượng lớn chờ bán cho doanh nghiệp, với giá cao ngất ngưởng. Hàng trăm doanh nghiệp cũng đã “ôm” no một số hàng lớn, với cái giá còn cao hơn cả giá đại lý mua của dân. Nay tất cả bỗng đột ngột bị dừng, chẳng khác gì một người bị sợi thừng quàng vào cổ, xiết chặt. Lượng hàng hóa lớn đó bán theo giá thị trường lúc cơn sốt giả đã hạ nhiệt thì lỗ nặng. Mà để thì không biết đến bao giờ. Tiền gom hàng là tiền vay ngân hàng. Mỗi sáng, mở mắt ra là đã nhìn thấy cả đống lãi phải trả. Không ít doanh nghiệp và chủ đại lý thu mua lớn đã sạt nghiệp hay vỡ nợ.

Muốn khỏi sạt nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam hãy tỉnh táo và cảnh giác. Muốn mua, thì chồng tiền trước, gom hàng sau.