| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 29/03/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 29/03/2016

Lại 'nóng' chuyện kinh doanh đa cấp

Người đời hãy cảnh giác. Một khi muốn tham gia kinh doanh đa cấp mà bắt buộc phải nộp tiền, thì hãy ngừng ngay, kẻo bị lừa và chính mình cũng trở thành kẻ lừa đảo.

Sự kiện bộ sậu của hai công ty kinh doanh đa cấp là Liên Kết Việt và Việt Phát vừa bị cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi lợi dụng việc kinh doanh đa cấp để lừa đảo, gây chấn động xã hội, chưa kịp lắng xuống, thì 4 công ty kinh doanh đa cấp vừa bị rút giấy phép, và ngày hôm qua, Bộ Công thương đã lập đoàn kiểm tra, mà trong đoàn có cả cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và tham nhũng, để kiểm tra 7 công ty đa cấp khác.

Cũng như tại nghị trường phiên họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đã tổng kết ý kiến của cử tri, trong đó có hàng ngàn ý kiến yêu cầu xiết chặt loại hình kinh doanh này, và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng việc kinh doanh đa cấp để lừa đảo, đã khiến vấn đề này “nóng” trở lại.

Số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, đến cuối năm 2015, ở Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người bán hàng đa cấp, gấp 6 lần cùng kỳ năm 2005. Có 7.000 mặt hàng, trong đó 90% là thực phẩm chức năng. Nửa đầu năm 1015, doanh thu từ bán hàng đa cấp là 3.200 tỷ đồng. Nhưng hoạt động kinh doanh đa cấp càng ngày càng láo nháo.

Đa cấp, bản thân nó không có tội. Nó được sinh ra từ cuộc sống và trở thành một phần của cuộc sống. Đó là nhờ thông qua việc chia sẻ về chất lượng hàng hóa giữa người nọ với người kia, và cứ thế lan rộng ra, rộng mãi. Thời trước, ở Việt Nam không có truyền thông, giao thông rất khó khăn.

Nhưng vì sao lụa Hà Đông, lụa Cổ Đô, bánh dầy Quán Gánh, rượu làng Vân... vẫn được cả nước biết đến? Chính là nhờ có sự chia sẻ trực tiếp giữa người nọ với người kia (đa cấp) như vậy. Nhưng cái gốc của vấn đề là ở chỗ, những sản phẩm được lan truyền đó đều là những sản phẩm tốt. Từ chỗ tự phát trong xã hội, nó được các nhà kinh doanh nâng lên thành một phương thức bán hàng. Những người đi chia sẻ với người khác để bán hàng được hưởng tiền hoa hồng do nhà sản xuất trả.

Còn những kẻ lợi dụng việc kinh doanh đa cấp để lừa đảo mới chính là những kẻ vi phạm pháp luật. Những công ty nào bắt buộc người muốn gia nhập vào hệ thống bán hàng của họ phải nộp một khoản tiền (thường từ 10 triệu trở lên) để mua một “mã” hàng. Và càng mua nhiều “mã” hàng thì được “phong” các chức vụ càng cao, thì chắc chắn công ty đó là lừa đảo.

Hàng hóa của họ thường nghèo nàn, ngoài thị trường có giá rất rẻ nhưng bị họ thổi lên bằng một giá trên trời. Họ không chú ý đến việc bán hàng, mà chỉ hô hào người trong hệ thống đi lôi kéo được càng nhiều người nộp tiền vào càng tốt. Tiền của người vào sau được trích một phần trả cho người lôi kéo, số còn lại thì công ty chiếm hưởng.

“Độc chiêu” của những công ty này là đánh vào lòng tham của con người, là không phải làm gì nhiều mà vẫn có thu nhập “khủng”. Chính nhờ chiêu này mà chỉ trong hơn 1 năm hoạt động, Liên Kết Việt đã lôi kéo được trên 6 vạn người tham gia, kiếm được số tiền 1.900 tỷ đồng. Chỉ sau mấy tháng hoạt động mà Việt Phát đã lôi kéo được trên 500 người tham gia với số tiền trên 20 tỷ. Còn với những công ty đa cấp chân chính, thì ngược lại.

Người đời hãy cảnh giác. Một khi muốn tham gia kinh doanh đa cấp mà bắt buộc phải nộp tiền, thì hãy ngừng ngay, kẻo bị lừa và chính mình cũng trở thành kẻ lừa đảo.