| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 12/08/2015 , 08:03 (GMT+7)

08:03 - 12/08/2015

Lại nóng chuyện phí và lệ phí

Việc cho ý kiến về dự án Luật Phí và lệ phí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc họp ngày 10/8, đã làm “nóng” trên các diễn đàn về hai khoản đóng góp này./ Chủ tịch Quốc hội: 'Một quả trứng thu phí 14 lần, sống sao được!'

Trình bày về dự án Luật Phí và lệ phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Lúc đầu theo danh mục trong dự thảo có 73 khoản phí và 42 khoản lệ phí. Qua quá trình thảo luận tiếp thu, đã đưa xuống còn 48 khoản phí và 33 khoản lệ phí”.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thì hiện riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, có đến 90 khoản lệ phí và 937 khoản phí, lớn nhất là về thú y.

Sau khi tiến hành rà soát từ đầu năm đến nay, trong lĩnh vực thú y chỉ còn 18 khoản lệ phí và 550 khoản phí, dù đã giảm đi rồi nhưng vẫn còn lớn.

Ngoài thú y, hiện ngành nông nghiệp còn nhiều loại phí và lệ phí như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm 16 khoản phí; quản lý chất lượng nuôi trồng thủy sản 183 khoản phí; chăn nuôi 16 khoản lệ phí; giống cây trồng 15 khoản phí…

Theo định nghĩa, thì phí là khoản tiền người dân nộp cho Nhà nước, để Nhà nước thực hiện quyền của người dân. Còn lệ phí là một loại giá dịch vụ.

Tại Việt Nam hiện nay, theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, thì mỗi người dân đang phải gánh một tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp 1,4 đến 3 lần một số nước trong khu vực.

Cụ thể trong giai đoạn 2007-2012, ở Việt Nam tỷ lệ này là 21,6% GDP, trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% còn Ấn Độ chỉ 7,8%.

Nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất, mức độ rủi ro cao nhất, thế mà phải gánh đến trên một ngàn khoản phí và lệ phí.

 Mà thu rất bất cập: một đàn trâu 100 con, lấy mẫu 1 con để kiểm dịch, lẽ ra chỉ được thu phí 1 con, thì lại thu cả 100 con. 1 vạn quả trứng gà, chọn ngẫu nhiên 10 quả để kiểm định, lẽ ra chỉ được thu lệ phí kiểm định 10 quả ấy thôi, thì người ta lại thu cả 1 vạn quả…

 Rồi thì phí chồng phí, lệ phí chồng lệ phí và sự phiền hà trong quá trình nộp phí và lệ phí, đúng như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói: “Ví dụ ngay phí qua trạm thu phí, cải cách lên cải cách xuống, cải cách đi cải cách lại, mà vẫn còn phiền hà. Đấy là thu tiền cho đi ngay mà còn phiền hà như vậy, còn đây chắc chắn dân sẽ vất vả. Thế có khổ dân không? Cái này vô cùng rắc rối, ảnh hưởng toàn dân”.

Sức dân có hạn, mà thuế và phí thì nhiều.

Ngoài số phí và lệ phí được quy định, nhiều địa phương còn tự đặt ra những khoản phí và lệ phí khác nữa, như loạt bài điều tra “Gánh nặng quê nghèo” của nhóm PV Báo NNVN đã phản ánh.

Chính điều này đã gây nên nỗi bức xúc trong xã hội. Và đây cũng chính là điều mà xã hội mong muốn lâu nay: Các khoản phí và lệ phí được luật hóa, minh bạch, hợp lý, đúng theo tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói trong kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra: Phải mạnh dạn đổi mới theo nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kinh tế thị trường thì phải rõ thu gì, chi gì? Nông nghiệp phải gánh cả ngàn phí, lệ phí, tùy tiện như vậy thì làm sao được. Quả trứng đếm ra đếm vào có đến 14 lần thu phí, thế nông nghiệp làm sao tiến lên được, như thế người dân sống sao được.

Bình luận mới nhất