| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 03/04/2017 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 03/04/2017

Lại nóng chuyện tài sản 'khủng' của quan

Mới đây, dư luận lại tiếp tục xôn xao về khối tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, gồm ngôi biệt thự có diện tích xây dựng 300m2, 4 mảnh đất...

Khi mà sự xôn xao của dư luận về việc bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, cùng với hai con gái và em trai, mẹ đẻ, sở hữu một khối lượng “khủng” cổ phần của Cty CP Bóng đèn Điện Quang, quy ra giá trị tới ngót 700 tỷ đồng, chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, dư luận lại tiếp tục xôn xao về khối tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, gồm ngôi biệt thự có diện tích xây dựng 300m2, 4 mảnh đất có diện tích từ 150 đến 1.021m2, tại những vị trí đẹp ở trung tâm TP Đà Nẵng và Quảng Nam, góp vốn 3ha đất trồng rừng và đứng tên chủ sử dụng 1,5ha đất nuôi tôm, góp vốn vào 4 cơ sở sản xuất 2,5 tỷ đồng, mua cổ phiếu của một công ty với giá trị 500 triệu đồng từ năm 2007.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Đó quả là một khối tài sản “khủng”, mà ai cũng có thể hình dung ra, là giá trị của nó ít nhất cũng phải là con số có 11 chữ số, dù ông Huỳnh Đức Thơ luôn khẳng định rằng chúng chả có giá trị gì “như miếng đất ở Quảng Nam, bán đi không mua nổi một chiếc xe máy” (lời ông Thơ).

Nhưng, điều khiến dư luận càng xôn xao hơn, là khi người phát ngôn của UBND TP Đà Nẵng lên tiếng trước báo chí, rằng sẽ “điều tra xem ai là người đã để lọt thông tin về tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ ra ngoài” (nói thế, nghĩa là nếu khi biết đó là ai, thì người đó chắc chắn sẽ bị “xử lý”).

Ơ hay! Đối tượng bị kê khai tài sản là lãnh đạo các cấp. Và mục đích của kê khai là để cho dân biết, để dân giám sát. Khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” dán nhan nhản khắp nơi. Lãnh đạo là do người dân bầu ra.

Người dân cần được biết một cách rất minh bạch rằng người đó là ai? Khi đảm nhiệm chức vụ, anh ta có những tài sản gì? Và khi hết đảm nhiệm chức vụ, thì tài sản của anh ta có tăng lên không? Việc tăng đó có bình thường, có hợp pháp không?

Đằng này, kê khai xong rồi bó tròn lại, đóng dấu “mật”, xong, ấn vào tủ sắt khóa lại. Bất cứ ai để lọt thông tin ấy ra ngoài, đều bị xử lý, thế thì kê khai làm gì? Để kê khai được tài sản của cả triệu đối tượng bị kê khai, phải đổ ra hàng tỷ đồng tiền thuế của dân, chưa kể công sức của hàng ngàn người làm công việc đó.

Khi trả lời báo chí, người phát ngôn của UBND TP Đà Nẵng cũng khẳng định rằng việc kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ là đúng quy định.

Lời phát ngôn đó không sai. Nhưng còn thiếu. Và cái thiếu đó, rất nhiều người dân đang rất nóng lòng muốn biết, đó là: Những tài sản đó của ông Huỳnh Đức Thơ được hình thành từ những nguồn nào? Bằng tiền lương của ông? Bằng tài kinh doanh của vợ con ông? Bằng tiền của thân nhân ở nước ngoài gửi về? Hay ông trúng xổ số?

Nếu muốn dư luận yên lòng, tốt nhất là UBND TP Đà Nẵng nên trả lời rõ ràng những câu hỏi đó. Người dân đủ thông minh để hiểu rằng việc làm nào của cơ quan công quyền là thật lòng, việc nào chỉ là hình thức.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm