| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 22/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 22/07/2015

Lại nóng chuyện tiền lương

Chuyện tiền lương lại bắt đầu “nóng” trên các diễn đàn xã hội, khi Hội đồng tiền lương Quốc gia chuẩn bị họp về việc tăng lương năm 2016.

Về việc này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có đề xuất chính thức: Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng từ 350-550 ngàn đồng.

Nhưng theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, thì giá trị lao động người lao động mang lại theo đúng yêu cầu của công việc với giá trị phải trả cho yêu cầu công việc đó phải tương ứng.

“Nói như vậy để thấy rằng hiện nay mình đang xác định tiền lương không đúng. Vì nó không đáp ứng được cuộc sống. Còn việc lựa chọn con người để làm việc trong những tổ chức ấy là chuyện khác.

Không đảm bảo chất lượng công việc thì phụ thuộc vào năng lực của mỗi người. Chúng ta đang lẫn lộn trong việc xác định chế độ cho phù hợp với năng lực thực hiện. Đó là hai chuyện khác nhau”, dẫn lời ông Lợi.

Là người nghiên cứu kỹ về tiền lương, ông Đặng Như Lợi nhớ lại, ngay từ năm 1991, chúng tôi đã khảo sát và báo cáo, nước ta có 1/3 công chức làm việc tốt với trách nhiệm, năng lực, và cũng là chủ chốt hiện nay. 1/3 thì “chỉ đâu đánh đó”. 1/3 còn lại không làm được gì.

 Cái này do lịch sử để lại nên không thể giải quyết được. Chính vì vậy mà theo ông Lợi, thì từ trước tới nay chúng ta chưa làm được tiền lương cho ra tiền lương.

Nhưng nếu làm đúng rồi mà giữ nguyên bộ máy thì tiền hết nhiều quá, vì số người đáp ứng được công việc rất ít.

Hàm ý của ông Đặng Như Lợi rất rõ. Nếu muốn làm được “tiền lương cho ra tiền lương” thì phải loại bỏ được 1/3 số công chức “chỉ đâu đánh đó” và 1/3 số công chức “không làm được gì” ra khỏi guồng máy.

Nói một cách chữ nghĩa là phải tinh giản biên chế những người đó.

Số đó không phải chỉ do “lịch sử để lại” mà từ năm 1991 đến nay còn tăng lên rất nhiều do nạn chạy chọt, dùng học giả lấy bằng thật hoặc dùng bằng giả để len vào đội ngũ công chức, khiến bộ máy càng ngày càng phình to.

Kết quả là năm nào cũng tăng hệ số lương tối thiểu lên một ít, đuổi theo nhu cầu tối thiểu của đời sống, mà không bao giờ đuổi được.

Về khu vực sản xuất, cũng theo ông Đặng Như Lợi, thì ngay từ năm 1991, những người làm công tác tiền lương đã đề xuất: Lương sản xuất phải do doanh nghiệp quyết định. Doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương, đăng ký. Và cơ quan quản lý chỉ kiểm tra việc họ đăng ký, nếu sai thì xử lý.

Một trong những lý do của đề xuất đó là trong sản xuất kinh doanh, trong cùng một ngành nghề, cùng sản xuất một sản phẩm, nhưng các doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều công nghệ khác nhau, cách tổ chức quản lý lao động cũng khác nhau, do vậy năng suất và hiệu quả cũng khác nhau.

Vậy tại sao cứ lương cùng một ngành nghề thì phải chung một thang, bảng lương, cùng một tiêu chuẩn, cấp bậc kỹ thuật?

“Từ thực tế này, tôi đã đề nghị bỏ thang, bảng lương từ năm 1991, chứ không phải chờ đến tháng 5/2013 mới bỏ. Đến bây giờ vẫn chưa bỏ được, vẫn sử dụng thang bảng lương theo hệ số của nhà nước để xử lý” - ông Đặng Như Lợi cho biết.

Đó có thể nói là những ý kiến rất tâm huyết, thiết thực của một người có tâm huyết.