| Hotline: 0983.970.780

Lãi suất tiết kiệm vọt lên 14% một năm

Thứ Sáu 15/06/2012 , 09:12 (GMT+7)

Lãi suất tiền gửi từ 12 tháng tại các ngân hàng đang rục rịch tăng lên sau vài ngày còn e dè với chủ trương bỏ trần khống chế.

Lãi suất tiền gửi từ 12 tháng tại các ngân hàng đang rục rịch tăng lên sau vài ngày còn e dè với chủ trương bỏ trần khống chế. Mức cao nhất tính tới chiều 14/6 là 14%, tăng 3% so với đầu tuần.


Ảnh minh họa

Lúc 15h chiều nay, tại một chi nhánh Ngân hàng Phương Tây, trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM, nhân viên cho biết, kể từ hôm nay nếu khách gửi theo "kỳ hạn duy nhất, lãi suất cao nhất" sẽ được hưởng lãi suất lên tới 14%. Điều kiện tham gia đơn giản, khách chỉ cần số tiền gửi tối thiểu là một triệu đồng, kỳ hạn 13 tháng và không được rút trước hạn. "Đây là mức rất ưu đãi của nhà băng dành cho khách", nhân viên nói.

Nhân viên nhà băng này tại chi nhánh Hoàng Quốc Việt, Hà Nội cũng thông báo với khách mức 14% một năm áp dụng cho các khoản gửi 13 tháng. Nếu người gửi có ý định rút trước hạn, lãi suất cao nhất sẽ được hưởng 13,5%,. Trước đó, lãi đầu vào nhà băng này công bố đi theo đường thẳng, phổ biến 8,8% một năm, với tất cả các khoản gửi trên 1 tháng.

Một số nhà băng khác tại TP HCM sau khi áp mức cao nhất 9% trong ngày đầu thực hiện dỡ trần (11/6), nay cũng mạnh tay điều chỉnh. Với kỳ hạn 36 tháng, ACB công bố mức 12% (trước đó 9%). Lãi suất cao nhất của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng chạm 12% một năm nhưng áp dụng cho kỳ hạn 15, 18 và 24 tháng (ngày 11/6 cao nhất chỉ 10%).

"Gửi đâu cũng vậy, chị ủng hộ bên em đi. Nếu số tiền gửi lớn, chị có thể gặp sếp em để thương lượng thêm", nhân viên một phòng giao dịch của SCB trên đường 3/2, TP HCM niềm nở nói với một vị khách.

Song song với việc lãi suất dài hạn được điều chỉnh tăng chóng mặt, đã xuất hiện tình trạng lãi suất "loạn xạ" trong cùng một ngân hàng. Điển hình như Ngân hàng Quân đội - một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc hạ trần lãi suất về 9%, đã thay đổi bảng niêm yết tại một số chi nhánh. Chiều 14/6, chi nhánh nhà băng này trên phố Lê Đức Thọ, Hà Nội để lãi niêm yết bằng VND cao nhất là 10,5%, nhưng một phòng giao dịch khác trên đường Trần Thái Tông vẫn thông báo mức tối đa 9%.

Tương tự, niêm yết công khai lãi suất tối đa là 9%, song nhân viên giao dịch Ngân hàng Đông Nam Á trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) khẳng định, mức cao nhất nhà băng này đang áp dụng là 12,8% một năm. Mức này được dành cho khách hàng gửi số tiền 2 tỷ đồng trở lên trong vòng 24 tháng. “Từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ, gửi trong 24 tháng, lãi là 12,4%, còn 12 tháng là 11,4%. Đây là lãi suất ngân hàng mới áp dụng từ chiều 14/6”, anh này chia sẻ.

Hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm tiến tới giảm lãi suất cho vay. 3 lần giảm lãi suất từ đầu năm, dù chưa phát huy tác dụng tuyệt đối như mong muốn, song cũng đáng ghi nhận vì đây là sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Song lần giảm lãi suất gần đây nhất vào ngày 11/6 lại gây ra nhiều lo ngại, khi mà Ngân hàng Nhà nước quyết định dỡ trần lãi suất huy động dài hạn, lần đầu tiên sau hơn một năm áp dụng. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, thả nổi trần lãi suất là nguy hiểm, khi vẫn có những ngân hàng chưa hoạt động theo kỷ cương mà chạy theo quyền lợi, cá tính, huy động cao làm xáo trộn thị trường.

Ông Thành nói, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, song trần lãi suất từ 12 tháng trở lên bị thả nổi, cũng đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay có thể không được kiểm soát. Ông nói, các doanh nghiệp chỉ chịu đựng được lãi suất vay dài hạn từ 7% đến 8% một năm, ngắn hạn 10%. Do đó, nếu trần lãi suất huy động cao, lãi cho vay cao, doanh nghiệp không tiếp cận vốn ngân hàng chỉ có nước phá sản, giải thể.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Huỳnh Bửu Quang chia sẻ, động thái dỡ trần huy động kỳ hạn dài của Ngân hàng Nhà nước là nhằm tạo điều kiện để các nhà băng thu hút được nhiều vốn dài hạn. Bởi trong thời gian qua, một số ngân hàng bị mất cân đối giữa vốn dài hạn và ngắn hạn.

Do đó, theo ông Quang, nếu các ngân hàng đẩy mạnh lãi suất lên cao nhưng áp dụng đúng với kỳ hạn dài thì không đáng ngại. "Chỉ sợ nhiều nhà băng lách luật bằng cách huy động kỳ hạn dài, trả lãi suất cao nhưng thực tế lại cho rút trước hạn. Điều này sẽ làm méo mó hoạt động ngân hàng", ông Quang nói.

Tuy nhiên, trước đó, để trấn an thị trường, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không nên lo lắng về chuyện lãi suất kỳ hạn dài bị thả nổi. Theo cơ quan này, động thái trên sẽ là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn theo kỳ hạn và là bước đi để tiến tới dỡ bỏ trần lãi suất huy động. Mặt khác, theo nhận định của Ngân hàng Trung ương, các nhà băng cũng không có lý do gì để đẩy lãi suất kỳ hạn dài từ 12 tháng lên cao, vì thanh khoản dồi dào, kỳ vọng lạm phát thấp, ngân hàng yếu kém đang được xử lý, tăng trưởng tín dụng còn khó khăn.

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trước đó cũng ủng hộ chủ trương này. Theo ông, việc dỡ trần huy động dài hạn được tiến hành song song với thời điểm các ngân hàng yếu kém sẽ bị xử lý nên có thể khiến cho thị trường quay về điểm quân bình.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm