| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 22/01/2015 , 09:26 (GMT+7)

09:26 - 22/01/2015

Lại tăng thuế và phí xe?

Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh lại vừa đề xuất áp dụng các biện pháp quản lý các phương tiện giao thông cá nhân, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.

Cụ thể là cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các phương tiện cá nhân, tăng phí trước bạ, phí đăng ký xe đăng ký mới, thu phí môi trường, cấp hạn ngạch cho phương tiện ở số lượng giới hạn mỗi năm, sở hữu phương tiện phải thông qua đấu giá, phải đóng bảo hiểm và phải nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe… 

Bên cạnh đó là dùng các chế tài về kinh tế như thuế xăng dầu, lệ phí đường và phí đỗ xe, tăng phí trông giữ phương tiện trong khu vực nội đô đối với ô tô, xe máy. Ngoài ra còn quy định niên hạn sử dụng đối với các loại phương tiện…

Nếu tất cả những đề xuất trên được biến thành hiện thực. Rồi Hà Nội và các thành phố khác áp dụng theo, thì vấn đề đặt ra là có giảm được ùn tắc giao thông không?

Xin trả lời ngay là không? Bởi tắc đường có nguyên nhân khác.

Thứ nhất là hạ tầng giao thông đô thị hiện quá kém. Đất dành cho giao thông ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện chỉ khoảng 8%, trong khi yêu cầu là phải có 24 đến 26%.

Tại các đường phố lớn của Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh hầu như chưa có bãi đỗ xe. Diện tích bãi đỗ xe của Hà Nội hiện là 0,3%, của TP Hồ Chí Minh là 0,8%.

Đất dành cho giao thông đã ít, bãi đỗ xe lại không có, xe đỗ tràn ra đường, thì tắc đường là lẽ đương nhiên. Lỗi đó là của Nhà nước chứ đâu phải của người dân.

Một khi đã hoàn thành đủ các sắc thuế cho Nhà nước, thì người dân có quyền yêu cầu Nhà nước dùng tiền thuế đó để quy hoạch, phát triển hạ tầng.

Thứ hai là giao thông công cộng quá kém, buộc người dân phải tự lo phương tiện đi lại của mình.

Một khi phương tiện giao thông công cộng quá kém, thì dù có đặt ra bao nhiêu là thuế, là phí, người dân cũng buộc phải è lưng mà cõng, để có phương tiện đi lại, với mục đích mưu sinh.

Chứ việc tăng thuế, tăng phí để buộc người dân không dùng phương tiện cá nhân lưu thông trên đường, từ đó giảm được số lượng xe, là điều ảo tưởng.

Hậu quả là chỉ dân nghèo lãnh đủ. Còn với người giàu, thì thuế, phí tăng bao nhiêu, họ vẫn chịu được.

Theo thống kê, một đất nước 90 triệu dân, có diện tích 320.000 km2, mà hiện chỉ có 2 triệu ô tô cá nhân, trong khi thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc, có diện tích chỉ trên 16.000 km2, mà có đến 5 triệu ô tô cá nhân, thì đã thấm gì.

Tại sao không nghĩ được cách nào khác để tránh ùn tắc, mà chỉ nghĩ đến chuyện tăng thuế, tăng phí để hạn chế số lượng xe, dù biết rõ rằng tăng thuế, tăng phí cũng không hạn chế được.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô giai đoạn mới, đến năm 2035. Trong đó các cơ quan soạn thảo thì mong muốn duy trì chính sách ổn định để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp này.

Như vậy, những đề xuất trên của Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh rõ ràng là mâu thuẫn với Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô giai đoạn mới của Chính phủ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm