| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 28/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 28/10/2015

Lại tăng viện phí

Hiện BHXH đã hoàn thành dự thảo thông tư về tăng viện phí đợt này, dự kiến đến 15/11 sẽ ban hành.

Ngày 26/10, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (BHYT) thuộc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, đã cho báo chí biết như vậy.

Lần này, sẽ có hơn 1.800 dịch vụ y tế được tăng giá, với mức tăng từ 2 đến 7 lần. Cụ thể như tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng 1 là 20.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 40.000 đồng/lượt.

Tại các bệnh viện hạng 3, hạng 4, tiền khám 7.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 30.000 đồng/lượt. Tiền giường nội khoa loại 1, bệnh viện hạng 1 hiện là 80.000 đồng/giường/ngày, giá mới sẽ là 215.000 đồng/giường/ngày, bệnh viện hạng 4 tăng từ 55.000 đồng/giường/ngày lên 165.000 đồng/giường/ngày. Giường hồi sức ở bệnh viện đặc biệt tăng từ 335.000 đồng/giường/ngày lên 677.000 đồng/giường/ngày…

Tương tự, giá dịch vụ rửa dạ dày tăng từ 30.000 đồng/lần lên 106.000 đồng/lần. Dịch vụ lọc màng bụng cho người suy thận tăng từ 300.000 đồng/lần lên 379.000 đồng/lần…

Đặc biệt, lần này, Bộ Y tế cho rằng theo quy định trước đây, giá một số phẫu thuật, ví như mổ cắt dạ dày chẳng hạn, ở tuyến huyện là 500.000 đồng/lần, ở tuyến tỉnh lại là 800.000 đồng/lần, tuyến Trung ương 1,2 triệu đồng/lần, ở bệnh viện đặc biệt là 1,4 triệu đồng/lần, là không công bằng cho cả người bệnh lẫn bệnh viện, vì đều phải tiêu hao vật tư y tế và nhân lực như nhau, vì vậy tới đây sẽ áp dụng giá đồng hạng giữa các bệnh viện…

Giá viện phí tăng, áp lực trước hết đè nặng lên vai những người chưa có BHYT. Mà số người chưa có BHYT đa số là người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa và những người ở nông thôn lên các thành phố làm lao động tự do.

Với giá viện phí cũ, mỗi lần vào viện, đối với họ, đã là một lần “lên bờ xuống ruộng” rồi, nay viện phí tăng từ 2 đến 7 lần, chịu sao thấu? Còn với những người đã có BHYT, tuy đã có bảo hiểm chi trả, nhưng số tiền phải nộp mỗi lần khám chữa bệnh cũng tăng đáng kể, vì người có BHYT vẫn phải nộp từ 5 đến 20% tổng số tiền mỗi lần khám chữa bệnh.

Như vậy, có thể nói việc tăng viện phí lần này sẽ tác động đến túi tiền của cả người đã có BHYT lẫn người chưa có. Đó là chưa kể việc tính giá đồng hạng một số phẫu thuật giữa các bệnh viện, sẽ “đẩy” người bệnh lên các bệnh viện tuyến trên nhiều hơn, vì rõ ràng là các bệnh viện tuyến trên có trang thiết bị tốt hơn, có đội ngũ y bác sỹ có chuyên môn cao hơn các bệnh viện tuyến dưới.

Tình trạng đó sẽ khiến các bệnh viện tuyến trên đã quá tải càng thêm quá tải. Cũng theo Bộ Y tế, thì với việc điều chỉnh viện phí lần này, người bệnh, kể cả đã có BHYT hay chưa có, đều được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn.

Tuy nhiên, dư luận vẫn rất băn khoăn với lời hứa này. Chất lượng khám chữa bệnh có thực sự tốt hơn do tăng viện phí hay không, khi mà cơ sở hạ tầng của các bệnh viện vẫn như cũ, trang thiết bị của các bệnh viện vẫn như cũ. Đội ngũ y, bác sỹ vẫn như cũ. Và nhất là thái độ đối với người bệnh của đội ngũ cán bộ, nhân viên của các bệnh viện vẫn như cũ: Người bệnh là đối tượng được họ ban ơn, chứ chưa phải là đối tượng mà họ phải phục vụ.

Viện phí tăng từ 2 đến 7 lần, trong khi lương chỉ tăng chưa đầy 13%, quả là một nghịch lý.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm