| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 11/08/2015 , 08:02 (GMT+7)

08:02 - 11/08/2015

Lại thêm một chuyện ngược đời

Đó là việc Công an phường Văn Chương (quận Đống Đa, TP Hà Nội) bắt anh Nguyễn Hoài Nam, 40 tuổi, đã cai nghiện ma túy được 7 năm, vào trại cai nghiện ma túy bắt buộc để “cai” (?).

Việc Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) tịch thu bình trà đá miễn phí cho người đi đường, đặt trên đường Giải Phóng, do một số người hảo tâm thực hiện, gây xôn xao dư luận, chưa kịp lắng xuống, thì dư luận lại xôn xao trước một việc làm “ngược đời” của Công an phường Văn Chương (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Cơ quan này đã bắt anh Nguyễn Hoài Nam, 40 tuổi, đã cai nghiện ma túy được 7 năm, vào trại cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn Hà Nội để “cai” (?).

Trả lời báo chí về việc này, thiếu tá Nguyễn Đức Long, đội trưởng đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Đống Đa, cho biết “Công an phường Văn Chương bắt anh Nam đi cai nghiện ma túy bắt buộc là căn cứ vào Thông tư liên tịch số 14/TTLT-BLĐTBXH-BCA ngày 6/6/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an. Trong đó quy định là thời gian bỏ trốn không được tính vào thời gian chấp hành quyết định đưa vào trung tâm”.

Thật là một câu trả lời rất chuẩn mực. Rất đúng quy định của pháp luật. Chỉ tiếc rằng ông đội trưởng đội CSĐT tội phạm về mà túy lại “quên” (hay cố tình quên?) quy định trong một bộ luật khác (mà Luật thì cao hơn Thông tư), đó là điều 108, Luật xử lý vi phạm hành chính, năm 2012.

Theo điều đó thì kể cả khi anh Nguyễn Hoài Nam bỏ trốn, không chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc, và công an đã xác định được anh không có mặt ở địa phương trong thời gian đó, thì sau 1 năm, quyết định đi cai nghiện bắt buộc trên đối với anh cũng đã hết thời hiệu, và anh Nguyễn Hoài Nam không phải chấp hành quyết định đó nữa.

Nhưng theo gia đình thì anh Nguyễn Hoài Nam không bỏ trốn, mà vẫn ở nhà và đã tự cai nghiện được, đã sinh sống, lao động bình thường suốt 7 năm nay.

Một người nghiện ma túy đã tự cai nghiện được ở nhà, thì đó là một việc đáng hoan nghênh, cần biểu dương và giúp đỡ họ những điều kiện cần thiết để họ hòa nhập cộng đồng. Tại sao lại bắt họ vào trung tâm cai nghiện tập trung để cai nghiện “bắt buộc”? Bắt một người đã cai được nghiện vào đó, để cai cái gì?

Trả lời báo chí về việc này, đại tá Phạm Trường Dân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng việc Công an phường Văn Chương bắt anh Nguyễn Hoài Nam đi cai nghiện ma túy bắt buộc là quá máy móc.

Đáng lẽ công an phường phải hoan nghênh đối với anh Nam, vì anh này đã có ý thức cai được nghiện, trở thành người tốt. Phải xác minh qua tổ dân phố, nếu thấy Nam đã thực sự cai nghiện được rồi, thì phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, để cơ quan này hủy quyết định cũ bắt buộc anh Nam phải vào trại cai nghiện tập trung. Đây là trường hợp xử lý vi phạm hành chính chứ không phải tội phạm bị truy nã.

Việc tịch thu thùng trà đá miễn phí đã bị dư luận gọi là hành vi “tịch thu lòng tốt”. Nay với trường hợp này, không biết nên gọi là gì. Câu hỏi mà dư luận đặt ra ở đây là: Tại sao ngay giữa Thủ đô, mà lại có những cán bộ ngành công an thiếu hiểu biết về pháp luật và hành xử máy móc đến như vậy?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm