| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 02/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 02/03/2015

Lại thêm một hành vi bạo lực trong lễ hội

Mấy ngày nay, dư luận lại một phen bức xúc trước cảnh bạo lực xảy ra ở lễ hội làng Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), khi một đoạn clip về lễ hội này được nhiều trang mạng đăng tải./ Lòng tham và cuồng vọng cá nhân vào lễ hội

Trong khi đó vụ tranh cướp “lộc hoa tre” đầy bạo lực trong lễ hội đền Gióng (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) khiến dư luận xôn xao vẫn còn chưa kịp lắng.

Xem clip, người ta thấy những phu kiệu của làng, toàn những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, đang khiêng một cái kiệu. Nghe một tiếng còi, họ chạy từ xa lấy đà, rồi dùng sức mạnh lao kiệu vào kính sau của một chiếc ô tô, khiến kính vỡ tan tành, trong tiếng cười, tiếng reo hò cổ vũ của không ít người.

Xem clip trên, không ít người đã lắc đầu, ngao ngán. Không ngờ ngay tại Thủ đô, giữa thanh thiên bạch nhật, lại xảy ra một việc làm vô văn hóa, vô đạo đức đến thế. Thật là một sự xuống cấp đáng báo động cho văn hóa của một quốc gia.

Những người dùng kiệu để thực hiện hành vi phá hoại tài sản của người khác ấy, sau đó lý giải rằng họ bị “thánh kiệu” điều khiển. Điều lạ lùng là lời lý giải đó của họ được khá nhiều người dự hội tin theo.

Một sự lý giải thật quái đản. Chiếc xe là tài sản của một người cụ thể, đâu phải “lộc” mà tranh cướp? Xem clip, thấy họ chẳng bị chi phối bởi một vị thánh thần nào cả, mà bị chi phối bởi một hiệu còi.

Thần thánh nào lại nghe theo hiệu lệnh bằng tiếng còi của một người trần gian? Vả lại thần thánh đâu có thù ghét gì chủ xe mà điều khiển đám thanh niên đang khiêng mình kia phải lao kiệu vào xe?

Rõ ràng đây là hành vi lợi dụng lễ hội, lợi dụng một hành vi văn hóa (khiêng kiệu trong lễ hội) để thực hiện một hành vi vô văn hóa, một hành vi vi phạm pháp luật, mà vi phạm pháp luật một cách có tổ chức (dùng còi điều khiển) của một nhóm người trong lễ hội, sau đó đổ lỗi cho thần thánh để phủi tay trước hậu quả do hành vi của mình gây ra.

Một hành vi khiến người xem sởn tóc gáy trước sự tàn bạo của nó.

Với việc “cướp lộc hoa tre” trong lễ hội đền Gióng, Ban tổ chức và UBND huyện Sóc Sơn còn có chỗ để thanh minh, rằng việc “cướp” đó là một tập tục có từ hàng trăm năm nay của lễ hội.

Nhưng với việc lao kiệu vào kính sau của chiếc ô tô này, thì dù có thanh minh cách nào, Ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương cũng không thể phủ nhận: Hành vi của những người khiêng kiệu đã cấu thành tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự.

 Và vấn đề cần làm của chính quyền và Ban tổ chức lễ hội bây giờ là xác minh độ chính xác của clip trên, rồi sau đó là yêu cầu công an vào cuộc, tìm xem chủ xe là ai, mức độ thiệt hại thế nào? Những người khiêng kiệu lao vào kính sau của xe đó là ai? Người thổi còi là ai?

Từ đó, tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội. Việc truy cứu này là cần thiết, để răn đe những kẻ lợi dụng lễ hội để vi phạm pháp luật trong mùa lễ hội đang diễn ra trên cả nước hiện nay.

Và quan trọng hơn, là để những năm sau, tại lễ hội làng Xuân Đỉnh, không còn diễn ra những cảnh tương tự.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm