| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 05/07/2010 , 12:08 (GMT+7)

12:08 - 05/07/2010

Lạm bàn chuyện "con tàu" Vinashin mắc cạn

Bộ GTVT vừa có công văn gửi các cơ quan thông tấn báo chí với mục đích kêu gọi báo chí chung sức, đồng lòng giúp Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vượt qua khó khăn, ổn định tình hình SXKD, giữ vững và tiếp tục phát triển uy tín, thương hiệu của Tập đoàn trong nước và trên trường quốc tế, góp phần phát triển ngành công nghiệp tàu thủy và đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Nhớ lại Vinashin được thành lập 4 năm trước (theo Quyết định số 104/2006/QĐ-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ). Những ngày đầu làm ăn "xuôi chèo mát mái", nhiều lãnh đạo Tập đoàn này đã lớn tiếng tuyên bố trong một thập kỷ nữa sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia đóng tàu nằm trong "top 5" thế giới. Ai cũng hỉ hả, bởi đến lúc đó tàu thuỷ "Made in Vietnam" sẽ chạy dầy đặc như lá tre trên khắp các vùng biển quốc tế. Mấy nông dân trồng lúa thì băn khoăn, rồi rất có thể thế giới sẽ chỉ biết đến Việt Nam như một quốc gia đóng tàu, chứ ai còn nhớ Việt Nam là nước XK gạo thứ hai toàn cầu. Mừng- lo cứ xen lẫn nhau.

Cũng vì quá kỳ vọng vào "con tàu Vinashin", mà Tập đoàn này được bơm vào không biết bao nhiêu tiền. Và liên tục những con tàu được đặt ky đóng mới, lâu lâu lại thấy có con đóng xong rời triền đà lao xuống biển rẽ sóng ra khơi. Tự hào thay. Nhưng ngay trong những ngày làm ăn thuận lợi nhất, ngay cả lúc cái tên Vinashin quá lớn, toả ra và trùm xuống che mắt nhiều người thì các chuyên gia kinh tế vẫn lo lắng việc trao quá nhiều tiền vào tay một tập đoàn non trẻ, còn thiếu kinh nghiệm quản lý như Vinashin. Có người nói vui, rót cho tập đoàn cả mấy trăm triệu USD không khác nào đưa cho đứa trẻ lên dăm bảy tuổi bạc triệu. Hệ quả tiếp theo là đứa trẻ ấy không biết chi tiêu gì hoặc tiêu vung tiêu vãi một số tiền quá lớn đối với tuổi tác và nhận thức của nó...

Và giờ thì Vinashin bị "chặt" làm ba. Theo nghị quyết của HĐQT Tập đoàn, Vinashin sẽ chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) 6 cơ sở và chuyển giao cho TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 7 đơn vị khác. Có không ít nghi ngờ cho rằng vì Vinashin thua lỗ, nợ nần chồng chất nên phải chuyển giao bớt tài sản, công nợ để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác ứng cứu; là một thủ thuật “đánh bùn sang ao” để che đậy những khoản thua lỗ lớn. Và trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua, một thông tin đã được phát ra: Vinashin đang nợ nần khoảng 80.000 tỷ đồng, tức là hơn 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong thông báo phát đi Bộ GTVT đã phân tích “lỗi” mà Vinashin mắc phải là do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới từ giữa năm 2008. Mặc dù công văn phân tích khá kỹ nguyên nhân, giải pháp khắc phục để “con tàu” Vinashin không còn “bập bềnh” trong sóng nước của thị trường, song ngặt không thấy một dòng nào nhắc đến trách nhiệm của Bộ chủ quản khi để tình hình nghiêm trọng như đã xảy ra. Vả lại cứ đổ phứa trách nhiệm cho "suy thoái kinh tế" (mà không có chủ thể cụ thể) như "ông Bộ" thì e không ổn. Ở Việt Nam có hàng trăm Tập đoàn, TCty Nhà nước cũng chịu suy thoái chứ đâu chỉ riêng "con tàu" Vinashin, sao chưa thấy Tập đoàn, TCty nào khốn khó đến mức ấy? 

Nhưng có lẽ cứ "đổ" cho mấy ngân hàng sụp đổ bên Mỹ như thế là chắc ăn nhất.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm