| Hotline: 0983.970.780

Làm báo "ba không"

Thứ Sáu 22/06/2012 , 09:06 (GMT+7)

Trên chính danh, họ không được công nhận vào hàng ngũ những người làm báo, và chế độ đãi ngộ họ đang được hưởng không đủ động viên họ yên tâm bám nghề.

Họ miệt mài đi, đôi chân của họ quen thuộc từng đường quê, ngõ xóm, bám lấy hơi thở của cuộc sống để săn tìm những thông tin tươi mới. Công việc của họ đang làm chẳng khác mấy so với những nhà báo thực thụ. Thế nhưng trên chính danh, họ vẫn không được công nhận vào hàng ngũ những người làm báo, và chế độ đãi ngộ họ đang được hưởng không đủ động viên họ yên tâm bám nghề.

Ra trận không vũ khí

Sau chuyến đi công tác chung với Hoàng Nam Quốc, phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình (Đài TT-TH) huyện miền núi An Lão (Bình Định), qua những câu chuyện tâm sự của 2 đồng nghiệp giữa đại ngàn mênh mông, tôi thấu hiểu được nỗi niềm của những nhà đài cấp huyện.

"Mặc dù đài huyện chưa được cơ quan chức năng công nhận là cơ quan báo chí nhưng công việc của chúng tôi hằng ngày vẫn bề bề. Chúng tôi vẫn phải luôn đẫm mình vào thực tế cuộc sống muôn màu, muôn vẻ để tìm kiếm thông tin. Để có đủ lượng tin, bài sản xuất mỗi ngày một chương trình phát sóng sao cho hấp dẫn được bạn nghe đài, chương trình hôm nay phải mới hơn chương trình hôm qua cả hình thức lẫn nội dung và cách thể hiện, đội ngũ phóng viên đài huyện cũng phải đối mặt với những cam go và thách thức như bất cứ 1 nhà báo nào", Hoàng Nam Quốc tâm sự.


Anh Hoàng Nam Quốc (phải) tác nghiệp giữa đại ngàn An Lão

Với địa bàn miền núi thì nỗi cơ cực của phóng viên càng lớn. Muốn có thông tin từ cơ sở, họ phải băng rừng, leo núi, lội suối, vượt sông. Có những chuyến công tác, chiếc xe máy cà tàng của anh Quốc phải vượt qua chặng đường dài 40-50 cây số mới đến được nơi cần đến. An Lão có hơn 26 ngàn dân, trong đó có hơn 1/3 là đồng bào Hre và Ba Na nên để hoàn thành nhiệm vụ, anh Quốc phải tự trang bị cho mình kỹ năng làm việc với đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Quốc kể: “Chúng tôi phải biết hòa đồng với đồng bào, phải cùng ăn, cùng ngủ với họ thì họ mới nói chuyện để mình có thông tin. Không phải đi cơ sở là có thông tin ngay, có khi phải ở vài ngày hay vào tận rừng, lên đến rẫy để tìm được người cần gặp”.

Suốt 25 năm làm báo giữa đại ngàn, anh Quốc đã phải đối mặt với không biết bao nhiêu gian khó, thậm chí có cả nguy hiểm. Năm 2007, anh Quốc có 2 bài phóng sự mãi đến nay vẫn còn trong lòng bạn đọc. Bài “Học sinh cất lều để học”, phản ánh thực trạng của trường THPT số 2 An Lão và bài “Tránh lở, gặp lũ” nói về nỗi khó khăn của dân làng tái định cư Tamangghen thuộc xã An Trung. Cũng vì hai phóng sự này mà anh Quốc suýt bị các vị lãnh đạo huyện này “sờ gáy” vì cái tội "vạch áo cho người xem lưng". May mà nhờ 2 bài báo đó, trường THPT số 2 An Lão đã được các cấp chính quyền và một tờ báo uy tín ủng hộ xây dựng 15 phòng ở nội trú cho học sinh, chấm dứt tình trạng học sinh ở xa làng phải cất lều để đi học cái chữ. Và làng tái định cư TaMangghen được bố trí di dân lên cao và xây bờ kè chống lở và lũ, anh Quốc mới thoát nạn.

Những điều vừa kể trên không chỉ có ở An Lão, không chỉ xảy ra với Hoàng Nam Quốc mà những “nhà đài” của 11 huyện, thị, thành phố ở Bình Định đều có trải qua. Và chỉ có bản lĩnh của nhà báo thực thụ họ mới đủ dũng cảm xông pha trước “hòn tên, mũi đạn”. Thế nhưng, do chưa được cơ quan chức năng công nhận các đài TT-TH cấp huyện là cơ quan báo chí nên các “nhà đài” không được cấp thẻ nhà báo. Ông Nguyễn Chí Cường, GĐ Sở Truyền thông Bình Định, cho biết: “Phóng viên các đài TT-TH cấp huyện, thị, thành phố, những ai có thâm niên cộng tác với đài và báo tỉnh, được các cơ quan báo chí cấp tỉnh giới thiệu thì mới được cấp Thẻ Nhà báo”.

"Tác nghiệp báo chí mà không có thẻ, chúng tôi như người ra trận mà không được trang bị vũ khí”, một “nhà báo không thẻ” tâm sự.

Công việc của họ cơ cực, gian nan, nguy hiểm là vậy nhưng để đổi lại, chế độ họ đang được hưởng là không tương xứng. Anh Phạm Văn Hùng, phóng viên Đài TT-TH thị xã An Nhơn, bộc bạch: “Chúng tôi phải chạy cả ngày ngoài đường mới đủ tư liệu để SX mỗi ngày 1 chương trình, thậm chí khi có sự kiện chúng tôi phải SX mỗi ngày 2 chương trình khác nhau, thế nhưng công tác phí được khoán mỗi tháng chỉ có 250.000đ, khoảng 10 lít xăng, nên chẳng đủ thiếu vào đâu. Nhuận bút thì mãi đến tháng 3 năm nay 1 cái tin mới tăng lên được từ 25.000đ-45.000đ, bài tăng 80.000đ-200.000đ, cũng chỉ đủ bù lỗ cho những chuyến công tác. Điều bất hợp lý hơn là do chúng tôi là cơ quan hành chính sự nghiệp không có thu nên không được hưởng khoản 25% phụ cấp công vụ như những cơ quan ban ngành khác”.

Ba không

“Nhà đài” cấp huyện khó khăn là vậy, các “nhà đài” cấp xã còn hẩm hiu hơn. “Công việc của bọn tôi như chiếc kim giây trong cái đồng hồ. Nó hoạt động không ngừng là vậy nhưng khi xem, người ta chỉ nói giờ và phút chứ không hề nhắc đến chiếc kim giây”, một người làm ở đài cấp xã than thở.


Nhân viên đài xã kiểm tra loa truyền thanh

Làm việc với ông Nguyễn Ngọc Tịnh, Phó Đài TT-TH thị xã An Nhơn, tôi mới thấu đáo được câu ví von nói trên. Thực tế, hệ thống đài truyền thanh cơ sở đang dở sống dở chết. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi không ai có thể yên tâm làm việc khi mang tiếng là “làm việc Nhà nước” nhưng không có lương, không được bảo hiểm xã hội, không được bảo hiểm y tế. Ở các đài truyền thanh xã, chỉ mỗi trưởng đài là được hưởng mức phụ cấp 1,00 so với mức lương tối thiểu (hiện nay là 1.050.000đ) và được địa phương hỗ trợ 75% BHXH và BHYT. Còn biên tập viên, kỹ thuật viên thì ngoài mức trợ cấp 80% so trưởng đài thì không còn khoản nào khác.

Tuy nhiên, công việc của họ mỗi ngày là đi sớm về muộn. Mỗi sáng, họ phải đến cơ quan trước 5 giờ để tiếp âm đài huyện, đài tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam. Buổi chiều, sau 5 giờ họ mới được về nhà. Ngoài ra, mỗi tuần, biên tập viên đài xã phải SX 3 chương trình, bình quân mỗi chương trình 15 phút có 8 tin và 2 bài. Chỉ bao nhiêu việc ấy cho 3 con người cũng đã thấy mướt mồ hôi rồi. Đằng này, nếu hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn có trục trặc, họ phải lập tức đi “leo trụ” kiểm tra, khắc phục.

"Khẳng định vai trò không thể thiếu của hệ thống đài truyền thanh, UBND TX An Nhơn đã không ngại đầu tư trang thiết bị hiện đại cho đài TT-TH thị xã và cho điều chỉnh tăng nhuận bút, nhằm kích thích anh em phóng viên toàn tâm toàn ý với công việc đang làm. Sắp tới, UBND thị xã sẽ tiếp tục tăng cường, củng cố hệ thống đài truyền thanh cơ sở để vực dậy hoạt động những người làm báo cấp xã", ông Nguyễn Ngọc Tịnh, Phó Đài TT-TH thị xã An Nhơn.

Cái khoản nhuận bút của đài xã còn hẩm hiu hơn. Ông Nguyễn Ngọc Tịnh cho biết: “Từ năm 2002 đến nay, nhuận bút đài xã đã được điều chỉnh tăng nhưng cũng chỉ được 10.000đ/tin và 30.000đ/bài. Trong thời buổi gạo châu củi quế này mà với thu nhập kể trên thì không thể kích thích người lao động, dẫn tới hệ thống đài truyền thanh cơ sở đang lâm cảnh rệu rã”.

Trong khi đó, theo ông Tịnh, hệ thống đài truyền thanh cơ sở hiện đang có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Là công cụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với người dân hữu hiệu nhất. “Đặc biệt, thông qua đài truyền thanh cơ sở, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền địa phương đến với người dân nhanh nhất. Đây cũng là diễn đàn dân chủ, thông qua truyền thanh trực tiếp các buổi tiếp xúc cử tri, người dân gọi điện trực tiếp đến đoàn chủ tịch để nêu ý kiến”, ông Nguyễn Ngọc Tịnh khẳng định.

Ông Trần Quang Khải, Bí thư Chi bộ khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), nói thêm: "Khi cần thiết, chúng tôi khó khăn lắm mới tổ chức được cuộc họp dân. Dù vậy, nhờ có hệ thống đài truyền thanh nên chúng tôi kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với người dân".

Với những người làm báo ở cơ sở, ngày Nhà báo Việt Nam 21/6 cũng là ngày vui của họ. Chính quyền địa phương các cấp đâu đâu cũng tổ chức gặp gỡ để các “nhà đài” nâng cốc chúc mừng. Nếu như trong công việc, họ được cơ quan chức năng quan tâm hơn, có chính sách đãi ngộ hơn thì chắc hẳn ngày này đối với họ sẽ có ý nghĩa hơn.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm