| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng quyết tâm trồng rừng thay thế

Thứ Sáu 27/02/2015 , 09:05 (GMT+7)

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản phân bổ kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2015 trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, đối với diện tích rừng đã được chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang mục đích không phải lâm nghiệp tại các đơn vị chủ rừng, đợt này, UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của Sở NN-PTNT là cả tỉnh sẽ trồng gần 113 ha rừng thay thế.

Đáng lo hiện tượng chây ỳ

Con số 113 ha nói trên là khá nhỏ so với kế hoạch trồng rừng thay thế của Lâm Đồng năm 2015 đã được phê duyệt: 772ha; trong đó gồm 334 ha trồng rừng thay thế diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang làm thủy điện và 437 ha diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang mục đích khác.

Nếu so sánh với diện tích cả giai đoạn 3 năm 2014 - 1016 phải trồng thay thế của cả tỉnh thì con số 113 ha càng thấp: 113/2.096ha!

Tuy nhiên, 113 ha chưa hẳn là con số nhỏ của “gói” trồng rừng thay thế năm 2015 vừa được tỉnh phê duyệt.

Thực tế từ khi chính sách trồng rừng thay thế được hình thành và triển khai thực hiện, hầu hết các địa phương (trong đó có Lâm Đồng) đều vấp phải sự hững hờ, hoặc cũng có thể gọi là sự chây ì của các đơn vị có trách nhiệm trồng rừng thay thế - các doanh nghiệp thủy điện, các chủ dự án sử dụng đất rừng vào mục đích ngoài lâm nghiệp.

Năm 2014, theo kế hoạch được xây dựng ngay từ đầu, cả tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm trồng 887 ha rừng thay thế; trong đó, diện tích phải trồng thay thế cho phần chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện là 450 ha, diện tích còn lại (437ha) là rừng thay thế cho diện tích chuyển sang các mục đích khác.

Cũng như nhiều tỉnh khác trong cả nước, việc trồng rừng thay thế ở Lâm Đồng được thực hiện theo hai hình thức: Các doanh nghiệp tự trồng hoặc các đơn vị chủ rừng nộp tiền trồng rừng thay thế với đơn giá gần 85 triệu đồng/ha (tiền của doanh nghiệp có diện tích rừng cần trồng thay thế).

Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp thủy điện trên địa bàn Lâm Đồng đều chọn cách chi tiền cho các chủ rừng trồng rừng thay thế cho đơn vị mình.

Ưu ái nhưng vẫn chây ỳ

Ngay từ đầu năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã linh động cho các doanh nghiệp được nộp tiền trồng rừng thay thế từ 2 - 3 đợt, nhưng chậm nhất là khoảng cuối tháng 3 phải nộp đủ.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2014 - khi mùa trồng rừng sắp kết thúc, hầu hết các đơn vị vẫn cứ chây ỳ với cả hàng chục lý do được đưa ra như doanh nghiệp đang thiếu vốn, việc đo vẽ hiện trạng chưa được thống nhất, định mức trên một đơn vị diện tích trồng rừng chưa được thống nhất...

Xử lý sự chây ỳ này, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phải đưa ra “tối hậu thư”: Nếu đơn vị nào chậm nộp tiền trồng rừng thay thế so với quy định sẽ bị “phạt”! Trên địa bàn Lâm Đồng, đến cuối mùa trồng rừng năm ngoái, có 8 đơn vị (doanh nghiệp) được “điều chỉnh” bởi “tối hậu thư” này!

Trong đó, hai đơn vị được “điểm mặt” bởi diện tích trồng rừng thay thế chiếm phần lớn là Cty Cổ phần Thủy điện Miền Nam với diện tích phải trồng là 278ha đối với thủy điện Đam Bri và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 với diện tích phải thay thế là 101ha đối với thủy điện Đạ Khai.

Còn nhớ cuối năm 2014 vừa qua, trước sự chây ỳ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ dự án thủy điện, Bộ NN-PTNT đã phải “đe”: Rút giấy phép dự án, nhất là dự án thủy điện, nếu như doanh nghiệp đó chây ỳ trong trồng rừng thay thế!

Trong thực tế, Lâm Đồng và nhiều địa phương khác trong cả nước, diện tích trồng rừng thay thế chỉ đạt không quá 50% so với kế hoạch hằng năm. Có lẽ trong năm 2015 này, sự kiên quyết trong xử lý đối với những doanh nghiệp tỏ ra chây ỳ cần được các cơ quan hữu trách và chính quyền đặc biệt lưu tâm!

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Dấu ấn kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng Việt Bắc

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên thời gian qua là xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất