| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng tập trung phòng chống dịch trên đàn gia cầm

Thứ Tư 19/03/2014 , 10:13 (GMT+7)

Tập trung phòng chống dịch trên đàn gia cầm là một trong những nội dung chỉ đạo ráo riết của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với ngành NN-PTNT của tỉnh này.

Tập trung phòng chống dịch trên đàn gia cầm là một trong những nội dung chỉ đạo ráo riết của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với ngành NN-PTNT của tỉnh này trong những ngày còn lại của tháng 3 và cả tháng 4/2014.

Tại cuộc họp phiên toàn thể đánh giá tình hình KT-XH tỉnh Lâm Đồng 2 tháng đầu năm do hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên và Phạm S chủ trì được tổ chức mới đây, kết luận cho biết “dịch bệnh trên đàn gia cầm đang diễn ra tại một số địa phương, công tác phòng chống, dập dịch gặp khó khăn do một số hộ dân thiếu hợp tác trong việc khai báo dịch bệnh”.

BAO VÂY TIÊU DIỆT BỆNH

Mặc dầu chưa đến mức phải công bố dịch nhưng tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm của tỉnh Lâm Đồng hiện đang diễn ra khá phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực cao của ngành chức năng và các địa phương.

Theo số liệu của ngành thú y tỉnh và trung tâm nông nghiệp các huyện, hiện tại, hai địa phương ở Lâm Đồng đang đứng trước thách thức cao về dịch cúm gia cầm là Đạ Tẻh và Cát Tiên - hai huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng giáp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước...

Tại huyện Đạ Tẻh, số liệu của Phòng Nông nghiệp- PTNT cho thấy: Từ trước Tết Giáp Ngọ đến nay đã có 7.000 con vịt của một hộ chăn nuôi bị cúm gia cầm. Giữa tháng 2 vừa qua, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy gần 5.500 con vịt của hộ dân này, đồng thời tiến hành ngay các biện pháp bao vây dịch, tiêu trùng khử độc, không cho dịch lây lan.

Cùng đó, tại Cát Tiên, cũng trong thời gian này đã có gần 5.000 con gà và vịt bị nhiễm bệnh, cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy hơn 3.500 con.

KHÔNG ĐỂ DỊCH TÁI PHÁT

Một trong những nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng tại công điện về phòng chống dịch cúm gia cầm mới đây là yêu cầu ngành NN-PTNT và các địa phương phải “Tổ chức tiêm phòng vacxin đợt 1 cho đàn thủy cầm trên địa bàn toàn tỉnh xong trước ngày 15/4/2014”.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, tuy địa phương đang kiểm soát tốt dịch cúm gia cầm nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất cao bởi các địa phương lân cận Lâm Đồng đã phát sinh ổ dịch và có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Bởi vậy, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng với việc tiêm phòng vacxin cho đàn gia cầm và thủy cầm, triển khai bao vây dịch, tổ chức tiêm trùng khử độc..., ngành NN-PTNT của tỉnh còn phải “Tăng cường hoạt động của các trạm kiểm dịch động vật trên các trục giao thông vào tỉnh như quốc lộ 20, 27, 28, 55, tỉnh lộ 723, đường Lương Sơn - Đại Ninh; quản lý chặt chẽ các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào tỉnh; đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển vào tỉnh không rõ nguồn gốc, tiến hành tiêu hủy theo quy định”.

Lãnh đạo Chi cục Thú y Lâm Đồng cho biết: Hiện tại, ngoài việc duy trì trực 24/24 giờ của 3 điểm chốt kiểm dịch động vật thường xuyên tại trạm Eo Gió (huyện Đơn Dương) nối Lâm Đồng với Ninh Thuận, trạm Mađagui (Đạ Huoai) nối với Đồng Nai và trạm Phước Cát (Cát Tiên) nối với Bình Phước, Chi cục Thú y còn kết hợp với lực lượng chức năng (đặc biệt là cảnh sát giao thông) tăng cường thêm 2 điểm chốt cơ động trên đường từ Lâm Đồng sang Đắc Nông và trên đường từ Lâm Đồng đi Khánh Hòa.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng thì các địa phương trong tỉnh còn phải “Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân chủ động, tích cực tham gia cùng với chính quyền trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, phát hiện từ cơ sở các trường hợp gia cầm chết; vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y, công khai thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân không hoang mang, giấu dịch, bán chạy gia cầm gây nguy cơ bùng phát dịch”.

Xem thêm
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Một xã ở Bắc Giang có hơn 4.000 cây trám, thu 5-6 tỷ đồng/năm

Xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 4.000 cây trám đen đang ở độ tuổi cho thu hoạch, riêng ở thôn Vân Xuyên có gần 3.000 cây.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.